Ảnh Internet

Ảnh Internet

Nội dung 10 Nguyên tắc Xích đạo

(ĐTCK) Bộ tiêu chuẩn cho ngành dịch vụ tài chính nhằm xác định, đánh giá và quản lý các rủi ro môi trường, xã hội trong các dự án.

Nguyên tắc 1: Xem xét và phân loại

Khi nhận được một dự án đề xuất xin tài trợ, trong bước xem xét và thẩm định nội bộ, định chế tài chính tham gia Nguyên tắc Xích đạo (The Equator Principles Financial Institutions - EPFI) sẽ căn cứ vào các quy chuẩn môi trường và xã hội của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) để phân loại dự án dựa trên mức độ rủi ro và tác động tiềm tàng về môi trường và xã hội.

Việc phân loại và thẩm định nội bộ giúp EPFI đánh giá đúng bản chất, quy mô và phạm vi hoạt động cũng như mức độ rủi ro, tác động của dự án đối với môi trường và xã hội.

Theo đó, các dự án được phân thành hai nhóm:

Nhóm A - Dự án gây ra những rủi ro và/hoặc tác động lớn về mặt môi trường và xã hội. Những rủi ro và/hoặc tác động này đa dạng, không thể phục hồi và chưa có tiền lệ.

Nhóm B - Dự án gây ra những rủi ro và/hoặc tác động trung bình đến môi trường và xã hội. Những rủi ro và/hoặc tác động này xảy ra trong một phạm vi nhất định, có thể phục hồi và có thể kiểm soát được thông qua áp dụng các biện pháp giảm thiểu.

Nhóm C - Dự án không gây ra những rủi ro và/hoặc tác động hoặc gây ra những rủi ro và/hoặc tác động rất nhỏ đến môi trường và xã hội.

Nguyên tắc 2: Đánh giá môi trường và xã hội

Với tất cả các dự án thuộc Nhóm A và Nhóm B, EPFI sẽ yêu cầu bên nhận tài trợ thực hiện quy trình đánh giá rủi ro và tác động môi trường và xã hội từ dự án được đề xuất, đáp ứng và thỏa mãn các yêu cầu của EPFI (có thể bao gồm các vấn đề được liệt kê trong Chú thích II).

Báo cáo đánh giá này cũng phải đề xuất các biện pháp giảm thiểu và quản lý tác động phù hợp với bản chất và quy mô của dự án.

Ðể đáp ứng các yêu cầu của Nguyên tắc Xích đạo, báo cáo đánh giá phải là tài liệu cơ sở trình bày tổng quan những rủi ro và tác động môi trường, xã hội một cách khách quan, chính xác và đầy đủ, dù nó được tiến hành bởi đơn vị xin tài trợ, nhà tư vấn hay các chuyên gia độc lập.

Ðối với các dự án thuộc Nhóm A và các dự án phù hợp thuộc Nhóm B, báo cáo đánh giá bao gồm cả đánh giá Tác động môi trường và xã hội (ESIA). Một hoặc nhiều hơn các báo cáo nghiên cứu đặc thù cũng cần được tiến hành.

Ðặc biệt, trong trường hợp rủi ro tương đối cao, bên nhận tài trợ có thể phải bổ sung nội dung đánh giá về khía cạnh quyền con người trong báo cáo. Ðối với các dự án khác, báo cáo có thể chỉ tập trung đánh giá một số khía cạnh đặc thù (ví dụ kiểm toán), hay áp dụng trực tiếp các tiêu chuẩn ô nhiễm, tiêu chuẩn thiết kế hay các tiêu chuẩn xây dựng.

Ðối với tất cả các dự án, ở bất cứ khu vực nào, nếu kết hợp Phạm vi phát thải 1 và 2 mà lượng phát thải hàng năm vượt quá 100.000 tấn CO2 thì sẽ phải tiến hành phân tích thay thế nhằm đánh giá những phương án thay thế hiệu quả để cắt giảm khí nhà kính (GHG).

Nguyên tắc 3: Các tiêu chuẩn môi trường và xã hội thích hợp

Trước hết, quá trình đánh giá cần tuân thủ luật pháp, quy định liên quan đến các vấn đề môi trường và xã hội của nước sở tại.

EPFI hoạt động trên nhiều thị trường khác nhau: Một số có hệ thống luật pháp, quản trị môi trường, xã hội và năng lực thể chế vững mạnh được thiết lập để bảo vệ con người và môi trường tự nhiên; một số khác vẫn đang trên đường thúc đẩy nâng cao năng lực thể chế và chuyên môn để quản lý các vấn đề về môi trường và xã hội. EPFI yêu cầu quá trình đánh giá phải tuân theo các tiêu chuẩn sau:

Ðối với dự án triển khai tại các quốc gia chưa được chỉ định, quy trình đánh giá sẽ rà soát việc tuân thủ Bộ tiêu chuẩn thực thi của IFC về Bền vững môi trường và xã hội (các tiêu chuẩn thực thi) và Hướng dẫn về An toàn, sức khỏe và môi trường cho các ngành công nghiệp cụ thể (hướng dẫn EHS) của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG).

Ðối với dự án triển khai tại các quốc gia được chỉ định, quá trình đánh giá sẽ rà soát việc tuân thủ luật pháp, quy định liên quan đến các vấn đề môi trường và xã hội của nước sở tại.

Luật pháp của nước sở tại phải đáp ứng yêu cầu của đánh giá môi trường và/hoặc xã hội (Nguyên tắc 2), các kế hoạch hành động và hệ thống quản lý (Nguyên tắc 4), có sự tham gia của các bên liên quan (Nguyên tắc 5) và cơ chế khiếu nại (Nguyên tắc 6).

Quá trình đánh giá phải đảm bảo đáp ứng tất cả các quy định của EPFI đối với dự án đầu tư hoặc có sai lệch không đáng kể trong giới hạn cho phép khi đối chiếu với các tiêu chuẩn phù hợp.

Các tiêu chuẩn phù hợp (như đã nói ở trên) chỉ là bộ tiêu chuẩn tối thiểu do EPFI phê chuẩn. Nếu cần thiết, EPFI có thể đưa ra các yêu cầu bổ sung.

Nguyên tắc 4: Hệ thống quản lý môi trường, xã hội và kế hoạch hành động nguyên tắc xích đạo

Ðối với tất cả các dự án thuộc Nhóm A và Nhóm B, EPFI yêu cầu bên nhận tài trợ phải xây dựng hoặc duy trì Hệ thống quản lý môi trường và xã hội (ESMS).

Bên cạnh đó, EPFI còn yêu cầu bên nhận tài trợ chuẩn bị Kế hoạch quản lý môi trường và xã hội (ESMP) nhằm giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quá trình đánh giá và phối hợp các hoạt động cần thiết để tuân thủ các tiêu chuẩn phù hợp.

Nếu các tiêu chuẩn phù hợp chưa đáp ứng yêu cầu của EPFI thì bên nhận tài trợ và EPFI sẽ thống nhất một Kế hoạch hành động Nguyên tắc Xích đạo (AP). Kế hoạch này được thiết kế để chỉ ra những thiếu sót, đồng thời đưa ra những cam kết để đáp ứng cả yêu cầu của EPFI và các tiêu chuẩn phù hợp.

Nguyên tắc 5: Sự tham gia của các bên liên quan

Ðối với tất cả các dự án thuộc Nhóm A và Nhóm B, EPFI sẽ yêu cầu bên nhận tài trợ chứng minh có sự tham gia của các bên liên quan thông qua quá trình tham vấn cộng đồng bị ảnh hưởng bởi dự án và các bên liên quan khác theo phương thức phù hợp với văn hóa địa phương.

Ðối với những dự án tiềm ẩn tác động đáng kể lên cộng đồng, bên nhận tài trợ phải thực hiện Quy trình tham vấn và tham gia có thông báo trước.

Bên nhận tài trợ sẽ phải thiết kế quy trình tham vấn đối với những rủi ro và tác động của dự án; các giai đoạn phát triển của dự án; lựa chọn ngôn ngữ của cộng đồng bị ảnh hưởng; tiến trình ra quyết định của cộng đồng, nhu cầu của các nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương.

Tiến trình này phải được thực hiện khách quan, không bị ảnh hưởng bởi các tác động, can thiệp, ép buộc hay hăm dọa nào từ bên ngoài.

Ðể tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia của các bên liên quan, bên nhận tài trợ sẽ công bố các rủi ro và tác động của dự án cùng với báo cáo đánh giá tới các cộng đồng bị ảnh hưởng và các bên liên quan khác bằng ngôn ngữ bản địa, phù hợp với bối cảnh văn hóa địa phương.

Bên nhận tài trợ có trách nhiệm biên soạn báo cáo đánh giá, bao gồm các thông tin về tiến trình tham vấn, các kết quả trong tiến trình tham gia của các bên liên quan và các hoạt động đã được thống nhất trong quá trình tham vấn.

Ðối với các dự án có thể gây ra các tác động tiêu cực về môi trường và xã hội, việc thông báo cần được thực hiện sớm và cập nhật thường xuyên trong quá trình đánh giá và trong tất cả các sự kiện trước khi triển khai dự án.

EPFIs thừa nhận rằng, các nhóm dân tộc thiểu số có thể là đối tượng dễ bị tổn thương trong các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi dự án.

Các dự án ảnh hưởng tới người dân tộc thiểu số sẽ là đối tượng của Quy trình tham vấn và tham gia có thông báo trước, đồng thời cần phải tuân thủ quyền cũng như các cơ chế bảo vệ đối với người dân tộc thiểu số theo luật định phù hợp của quốc gia sở tại, bao gồm cả những nghĩa vụ mà quốc gia sở tại thực thi theo luật quốc tế.

Theo các yêu cầu đặc biệt nêu trong Tiêu chuẩn thực thi 7 của IFC (trong các điều kiện phù hợp theo định nghĩa tại Nguyên tắc 3), các dự án gây tác động lớn tới cộng đồng người dân tộc thiểu số phải tiến hành tham vấn theo nguyên tắc Ðồng thuận tự nguyện, báo trước và được cung cấp thông tin (FPIC).

(FPIC: Hiện chưa có định nghĩa được thừa nhận rộng rãi trên toàn thế giới về FPIC. Trên cơ sở đàm phán thiện chí giữa bên nhận tài trợ và các cộng đồng người dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng, FPIC được xây dựng trên cơ sở của tiến trình tham vấn, tham gia có thông báo trước, đồng thời cũng mở rộng tiến trình này nhằm đảm bảo sự tham gia có ý nghĩa của cộng đồng người dân tộc thiểu số trong việc ra quyết định và nhằm đạt được sự đồng thuận. FPIC không yêu cầu phải đạt được đồng thuận hoàn toàn, không giao quyền phủ quyết cho các cá nhân hay nhóm nhỏ và cũng không đòi hỏi bên nhận tài trợ phải đồng tình với các khía cạnh nằm ngoài quyền kiểm soát của họ).

Nguyên tắc 6: Cơ chế khiểu nại

Ðối với tất cả các dự án thuộc Nhóm A và Nhóm B, EPFI yêu cầu bên nhận tài trợ thiết lập cơ chế khiếu nại như một phần của ESMS để nhận và triển khai các giải pháp phù hợp nhằm giải quyết các quan ngại và khiếu nại về thực thi trách nhiệm đối với môi trường và xã hội của dự án.

Cơ chế khiếu nại phải được thiết kế phù hợp với các rủi ro và tác động của dự án, đồng thời coi các cộng đồng bị ảnh hưởng là đối tượng sử dụng chủ yếu cơ chế này.

Cơ chế khiếu nại sẽ giải quyết nhanh chóng các mối quan ngại thông qua tiến trình tham vấn minh bạch, dễ hiểu, phù hợp với văn hóa địa phương, không tốn kém và không chịu sức ép từ bên gây ra các vấn đề hoặc mối quan ngại.

Cơ chế này không nên gây cản trở cho việc tiếp cận các chế tài pháp luật và hành chính. Bên nhận tài trợ sẽ thông báo cho cộng đồng địa phương bị ảnh hưởng về cơ chế khiếu nại trong tiến trình tham gia của các bên liên quan.

Nguyên tắc 7: Đánh giá độc lập

Tài trợ dự án

Ðối với tất cả các dự án thuộc Nhóm A và các dự án phù hợp ở Nhóm B, đơn vị tư vấn về môi trường và xã hội, không liên quan đến bên nhận tài trợ, sẽ tiến hành thẩm định độc lập các báo cáo bao gồm ESMPs, ESMS, các tài liệu trong quy trình tham gia của các bên liên quan nhằm giúp EPFI thẩm định và đánh giá việc tuân thủ Nguyên tắc Xích đạo của dự án.

Ðơn vị tư vấn độc lập về môi trường và xã hội cũng sẽ đề xuất, hoặc góp ý xây dựng Kế hoạch hành động Nguyên tắc Xích đạo phù hợp để giúp dự án tuân thủ nguyên tắc này, hoặc chỉ ra các điểm mà dự án không thể tuân thủ.

Các khoản vay doanh nghiệp liên quan tới dự án

Ðánh giá độc lập về môi trường và xã hội phải được thực hiện với các dự án có các tác động tiềm ẩn rủi ro cao, bao gồm, nhưng không hạn chế các tác động sau: 

- Những tác động lớn đến cộng đồng người dân tộc thiểu số

- Những tác động lên các hệ sinh thái trọng yếu

- Những tác động đáng kể đến các di sản văn hóa

- Tái định cư quy mô lớn.

Ðối với dự án khác thuộc Nhóm A và dự án phù hợp thuộc Nhóm B, EPFI có thể xác định xem có cần thiết phải thực hiện đánh giá độc lập, hay chỉ cần đánh giá nội bộ của EPFI. Trường hợp này có thể tính đến việc thẩm định nội bộ do một thể chế tài chính song phương hoặc đa phương hay một Cơ quan Tín dụng xuất khẩu của OECD thực hiện.

Nguyên tắc 8: Các thỏa ước

Ðiểm mạnh nổi bật của Nguyên tắc Xích đạo là sự kết hợp giữa các thỏa ước, các cam kết gắn liền với các yêu cầu tuân thủ. Ðối với tất cả các dự án, bên nhận tài trợ phải cam kết hoàn toàn tuân thủ luật pháp và tất cả các quy định về môi trường và xã hội của nước sở tại trong hồ sơ xin tài trợ.

Ngoài ra, với tất cả các dự án thuộc Nhóm A và Nhóm B, bên nhận tài trợ còn phải cam kết thực thi các điều khoản sau trong hồ sơ xin tài trợ:

a) Hoàn toàn tuân thủ ESMPs và Kế hoạch hành động Nguyên tắc Xích đạo (nếu được áp dụng) trong quá trình xây dựng và vận hành dự án.

b) Cung cấp các báo cáo định kỳ theo mẫu chuẩn của EPFI (tần suất nộp báo cáo định kỳ tùy thuộc vào mức độ tác động của dự án, hoặc theo quy định của pháp luật nhưng ít nhất là mỗi năm một lần). Báo cáo có thể do nội bộ bên nhận tài trợ hoặc chuyên gia độc lập thực hiện nhưng phải đảm bảo các yêu cầu: i) phù hợp với ESMPs và Kế hoạch hành động Nguyên tắc Xích đạo (nếu được áp dụng), ii) cung cấp các bằng chứng thể hiện sự tuân thủ luật pháp, quy định về môi trường và xã hội của nước sở tại và của địa phương nơi triển khai dự án.

c) Hoạt động tháo dỡ các công trình, trong trường hợp có áp dụng và thích hợp, theo đúng kế hoạch đã cam kết trước.

Trường hợp bên nhận tài trợ không tuân thủ các thỏa ước về môi trường và xã hội, EPFI sẽ làm việc với bên nhận tài trợ để thực hiện các hoạt động khắc phục hậu quả, đưa dự án trở lại khuôn khổ đã cam kết. Nếu bên nhận tài trợ vẫn không thể tuân thủ các yêu cầu trong khoảng thời gian ân hạn thỏa thuận, EPFI sẽ xem xét xử lý bằng các biện pháp phù hợp.

Nguyên tắc 9: Giám sát và báo cáo độc lập

Tài trợ dự án

Ðể đánh giá được mức độ tuân thủ Nguyên tắc Xích đạo của dự án, đồng thời bảo đảm việc giám sát và báo cáo được thông suốt trong và sau thời gian cho vay.

Ðối với tất cả các dự án thuộc Nhóm A cũng như các dự án thích hợp ở Nhóm B, EPFI sẽ chỉ định tư vấn độc lập về môi trường và xã hội, hoặc yêu cầu bên nhận tài trợ thuê chuyên gia độc lập có đủ kinh nghiệm, năng lực để xác minh các thông tin giám sát sẽ đệ trình lên EPFI.

Các khoản vay doanh nghiệp liên quan tới dự án

Ðối với các dự án được yêu cầu đánh giá độc lập theo Nguyên tắc 7, EPFI sẽ chỉ định tư vấn độc lập về môi trường và xã hội sau khi dự án đóng, hoặc yêu cầu bên nhận tài trợ thuê chuyên gia độc lập có đủ kinh nghiệm và năng lực để xác minh thông tin giám sát sẽ đệ trình lên EPFI.

Nguyên tắc 10: Báo cáo và tính minh bạch

Những yêu cầu báo cáo đối với bên nhận tài trợ

Những yêu cầu báo cáo đối với bên nhận tài trợ dưới đây sẽ đi kèm với yêu cầu về công bố thông tin trong Nguyên tắc 5. Ðối với tất cả các dự án thuộc Nhóm A và các dự án phù hợp thuộc Nhóm B:

- Bên nhận tài trợ phải bảo đảm, ở mức tối thiểu, có bản tóm tắt ESIA cung cấp trực tuyến (trừ trường hợp bên nhận tài trợ không có khả năng tiếp cận Internet) và dễ dàng tiếp cận.

- Bên nhận tài trợ phải báo cáo công khai mức độ phát thải khí nhà kính (kết hợp Phạm vi phát thải 1 và 2) trong các giai đoạn hoạt động của dự án có mức phát thải vượt quá 100.000 tấn CO2/ năm. Xem thêm những yêu cầu cụ thể về báo cáo lượng phát thải GHG trong Phụ lục A.

Những yêu cầu báo cáo đối với EPFI

EPFI phải báo cáo công khai, ít nhất là hàng năm, về các giao dịch đã hoàn thành và về tình hình triển khai cũng như kinh nghiệm thực hiện Nguyên tắc Xích đạo, có cân nhắc đến các yêu cầu bảo mật nếu thấy hợp lý. EPFI sẽ báo cáo theo các yêu cầu báo cáo tối thiểu được nêu chi tiết trong Phụ lục B.

Tin bài liên quan