Ông Trần Ngọc Tâm - Tổng Giám đốc NAM A BANK và Bà Maud Savary Mornet - Giám đốc GCPF khu vực châu Á Thái Bình Dương cùng ký kết hợp tác triển khai chương trình Tín dụng xanh.

Ông Trần Ngọc Tâm - Tổng Giám đốc NAM A BANK và Bà Maud Savary Mornet - Giám đốc GCPF khu vực châu Á Thái Bình Dương cùng ký kết hợp tác triển khai chương trình Tín dụng xanh.

Ngân hàng đẩy mạnh tín dụng xanh để phát triển bền vững

(ĐTCK) Sự tăng trưởng của nền kinh tế góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của đời sống xã hội, nhưng kéo theo đó là những tác động kém tích cực đến môi trường. Khi đó, vai trò của các tổ chức tín dụng, đặc biệt là hệ thống ngân hàng, được đánh giá cao với xu hướng tín dụng xanh.

Hướng đi tất yếu của ngành tài chính toàn cầu

Những năm gần đây, phát triển bền vững đã trở thành một trong những chủ trương được Ðảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm thông qua việc đặt ra các yêu cầu kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường.

Sự quan tâm sát sao này nhằm góp phần thiết lập những nền tảng vật chất, tri thức và văn hóa tốt đẹp cho thế hệ mai sau.

Hệ thống ngân hàng cũng không nằm ngoài “dòng chảy” của việc thực hiện chiến lược phát triển bền vững này.

Với chức năng là kênh dẫn vốn cho nền kinh tế, ngân hàng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế và phát triển đất nước thông qua hoạt động cấp tín dụng.

Bên cạnh đó, trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn chế, nguồn vốn từ khu vực tư nhân, nhất là khu vực ngân hàng, sẽ giữ vai trò chủ lực để thực hiện thành công chủ trương này.

Thực tế, xu hướng tăng trưởng tín dụng xanh đã phát triển tại nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia phát triển, với các dự án tiết kiệm năng lượng, tái tạo năng lượng và công nghệ sạch nhằm hướng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế gắn liền với bảo về môi trường.

Với doanh nghiệp và từng người dân, tín dụng xanh là một trong những giải pháp quan trọng giúp hoạt động sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng giảm thiểu những tác động tiêu cực tới môi trường.

Ngược lại, việc triển khai tín dụng xanh cũng giúp các ngân hàng giảm thiểu những khoản nợ khó đòi, tăng cường mức ổn định tài chính và góp phần bảo vệ môi trường sống.

Tín dụng xanh là hướng đi tất yếu của ngành tài chính toàn cầu và ngành này có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững, cũng như hiện thực hóa chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam.

Trong kế hoạch hành động của Chính phủ, các tổ chức tín dụng được xem là những mắt xích quan trọng.

Theo đó, Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 của Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại thúc đẩy cấp tín dụng xanh cho những dự án có mục tiêu rõ ràng về việc bảo vệ một trường, khuyến khích hoạt động kinh doanh thân thiện với môi trường. Ðầu năm 2017, Ngân hàng Nhà nước ban hành Chỉ thị 01/2017 tiếp tục nhấn mạnh việc triển khai kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020.

Mở rộng kinh doanh gắn liền với bảo vệ môi trường

Thực hiện chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước, cộng với những tiềm năng từ tài trợ tín dụng cho các khoản đầu tư xanh, nhiều ngân hàng đã quan tâm và đưa tín dụng xanh vào chiến lược hoạt động.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) chia sẻ, tính đến hết tháng 6/2019, dư nợ tín dụng đối với các dự án xanh đạt khoảng 317.600 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó dư nợ tín dụng trung - dài hạn chiếm 76% dư nợ tín dụng xanh.

Lãi suất cho vay các lĩnh vực xanh ngắn hạn từ 5-8%/năm, trung - dài hạn từ 9-12%/năm. Dư nợ tín dụng xanh chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh với 45% tổng dư nợ tín dụng xanh; năng lượng tái tạo, năng lượng sạch chiếm 17%; quản lý nước bền vững tại khu vực đô thị và nông thôn chiếm 11% và lâm nghiệp bền vững chiếm 5%.

Ngân hàng đẩy mạnh tín dụng xanh để phát triển bền vững ảnh 1

Dự án Việt Nam Solar Park.

Ngoài ra, qua khảo sát của Ngân hàng Nhà nước đối với các tổ chức tín dụng về lĩnh vực tăng trưởng xanh, tín dụng xanh, sự hiểu biết của các tổ chức tín dụng về tín dụng xanh đã được cải thiện đáng kể, cụ thể: 19 tổ chức tín dụng đã xây dựng chiến lược quản lý rủi ro môi trường và xã hội; 13 tổ chức tín dụng tích hợp nội dung quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong quy trình thẩm định tín dụng xanh;

10 tổ chức tín dụng đã xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng cho các ngành/lĩnh vực xanh và quan tâm dành nguồn vốn huy động của ngân hàng để cấp tín dụng cho các lĩnh vực này với kỳ hạn chủ yếu là trung - dài hạn và có sự ưu đãi về lãi suất cho các dự án xanh;

17 tổ chức tín dụng sử dụng Sổ tay đánh giá rủi ro môi trường và xã hội cho 10 ngành kinh tế do tổ chức tín dụng và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) phối hợp ban hành tháng 8/2018.

Nhiều ngân hàng đã và đang có những chính sách ưu đãi trong việc cấp tín dụng xanh nhằm giúp doanh nghiệp mở rộng sản xuất - kinh doanh, cũng như hỗ trợ nhu cầu tiêu dùng của khách hàng cá nhân gắn liền với bảo vệ môi trường.

Ðơn cử, Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Á (NAM A BANK) là ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên tại Việt Nam ký kết hợp tác với Qũy Hợp tác khí hậu toàn cầu (GCPF) và là một trong những ngân hàng tiên phong trong công tác triển khai tín dụng xanh tại Việt Nam, phù hợp với định hướng hoạt động ngân hàng xanh của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước theo Ðề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam (Quyết định số 1604/QÐ-NHNN ngày 7/8/2018).

Với chương trình này, Nam A Bank cấp tín dụng xanh trung và dài hạn cho các dự án thúc đẩy giảm khí thải CO2 và các dự án tiết kiệm 20% nhu cầu năng lượng

Cụ thể, đối với khách hàng doanh nghiệp, NAM A BANK cấp tín dụng xanh cho các mục đích đầu tư máy móc, thiết bị; bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh các sản phẩm, thiết bị thân thiện với môi trường, hoặc cung cấp vốn đầu tư đối với các dự án năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo.

Với khách hàng cá nhân, NAM A BANK cho vay mua xe ô tô, vay tiêu dùng, vay đầu tư, vay xây dựng - sửa chữa nhà…, miễn là các nhu cầu này không gây tác động xấu đến môi trường.

Chẳng hạn, việc cấp tín dụng xanh cho nhu cầu vay mua ô tô, thì dòng xe mua phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 trở lên.

Hay trong chính sách cho vay phát triển nông nghiệp - nông thôn, NAM A BANK cấp tín dụng xanh cho các mục đích mua sắm thiết bị sản xuất ngành nông nghiệp để tiết kiệm năng lượng, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và không gây ô nhiễm môi trường.

Ðặc biệt, với phương châm kinh doanh gắn liền với các hoạt động cộng đồng, NAM A BANK còn triển khai dự án “Tôi chọn sống xanh” hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường. Ðây là dự án cộng đồng lớn của doanh nghiệp trong năm 2019 nhằm tác động đến nhận thức của người dân về xu hướng lựa chọn sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; công nghệ, thiết bị thân thiện với môi trường; tiết kiệm năng lượng…

Ðại diện NAM A BANK cho biết: “Trong chiến lược phát triển kinh doanh, NAM A BANK luôn hướng đến mục tiêu phát triển bền vững gắn liền với bảo vệ môi trường. Chúng tôi tin rằng, những hoạt động trên sẽ tạo ra giá trị thiết thực trong việc kết nối giữa ngân hàng, khách hàng và cộng đồng cùng chung tay bảo vệ môi trường, góp phần không nhỏ vào sự phát triển bền vững của đất nước”.                                                                           

Tin bài liên quan