Kiểm soát chặt tín dụng bất động sản

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục kiểm soát chặt tín dụng để hạn chế rủi ro với lĩnh vực bất động sản, nhất là phân khúc cao cấp, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.
Việc vốn tín dụng vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản bị siết chặt thời gian qua đã buộc các doanh nghiệp phải tìm nguồn vốn khác, trong đó có phát hành trái phiếu.

Việc vốn tín dụng vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản bị siết chặt thời gian qua đã buộc các doanh nghiệp phải tìm nguồn vốn khác, trong đó có phát hành trái phiếu.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng vừa có văn bản trả lời cử tri liên quan đến thị trường bất động sản và việc kiểm soát tín dụng vào thị trường này.

Theo đó, Thống đốc NHNN dẫn số liệu mới nhất cho thấy, đến nay, tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đã được kiểm soát ở mức hợp lý, khi chiếm 32,12% tổng dư nợ cho vay lĩnh vực bất động sản, tăng 8,11% so với cuối năm 2018; tín dụng phục vụ tiêu dùng bất động sản chiếm 67,88% dư nợ cho vay lĩnh vực này, tăng 25,69% so với cuối năm 2018.

Thời gian qua, để hỗ trợ thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, trong điều hành tín dụng, NHNN đã thực hiện nhiều giải pháp kiểm soát tín dụng để hạn chế rủi ro đối với lĩnh vực này, đặc biệt là kiểm soát tín dụng đối với các dự án phân khúc cao cấp, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, hướng dòng vốn vào nhu cầu thực.

Cụ thể, NHNN đã quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng theo hướng giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn và áp dụng hệ số rủi ro cao hơn đối với các khoản vay mua nhà có giá trị lớn, nhằm hướng dòng vốn tín dụng vào phân khúc nhà ở trung bình, nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội.

Theo đó, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn hiện nay là 40%; từ ngày 1/0/2020 đến ngày 30/9/2021 là 37%; từ ngày 1/10/2021 đến 30/9/2022 là 34% và từ ngày 1/10/2022 sẽ là 30%.

Theo Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), ông Nguyễn Quốc Hùng, tín dụng vào bất động sản trong thời gian qua đã được sàng lọc và đầu tư vào những dự án có hiệu quả.

Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, việc vốn tín dụng vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản bị siết chặt thời gian qua đã buộc các doanh nghiệp phải tìm nguồn vốn khác, trong đó có phát hành trái phiếu. Báo cáo thị trường tiền tệ trong tháng 2/2020 của SSI Research cho thấy, có 15 doanh nghiệp phát hành trái phiếu với tổng lượng phát hành là 5.574 tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp bất động sản chiếm tới 72% lượng phát hành trong tháng.

Thế nhưng, trước diễn biến của đại dịch Covid-19 đang tiếp tục gia tăng, doanh nghiệp bất động sản khó tránh ảnh hưởng và kiến nghị được giảm, giãn, cơ cấu nợ.

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNRea) vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Cụ thể, kiến nghị ngành ngân hàng có phương án giảm lãi suất đối với hợp đồng vay đầu tư cho dự án kinh doanh các sản phẩm căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú…, như giảm 50% lãi suất trong thời gian diễn ra dịch và 30% lãi suất cho thời gian 1 năm sau khi dịch bệnh được kiểm soát; xem xét cơ cấu thời hạn trả nợ, hoãn, giãn nợ cho doanh nghiệp…

VNRea cũng kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu các giải pháp, chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp như giãn thời gian nộp các nghĩa vụ thuế vào ngân sách 6 tháng đối với mỗi kỳ nộp sau 1 năm dịch bệnh được kiểm soát; miễn tiền phạt chậm nộp khi doanh nghiệp đã nộp đủ thuế; giãn tiến độ nộp tiền thuê đất sau khi dịch được kiểm soát, giảm thuế giá trị gia tăng và lùi thời gian nộp thuế.

Tin bài liên quan