Kinh tế toàn cầu năm 2020 sẽ suy giảm mạnh với thương mại giảm trên dưới 20%

Kinh tế toàn cầu năm 2020 sẽ suy giảm mạnh với thương mại giảm trên dưới 20%

“Khủng hoảng là đứt gãy nhất thời, hệ thống ngân hàng vẫn vận hành ổn định”

(ĐTCK) Đó là quan điểm của TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính - ngân hàng khi đánh giá về tác động của đại dịch Covid-19 đến hệ thống ngân hàng. 

Nhìn lại hệ thống ngân hàng năm 2019, ông có nhận xét gì?

Sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008, Việt Nam mất 10 năm để khôi phục lại và đến năm 2018 mới phục hồi được các chỉ tiêu tài chính. Theo đó, nợ xấu ước tính xuống dưới 5% theo chuẩn kế toán quốc tế, còn theo chuẩn kế toán Việt Nam là dưới 3%. ROA (lợi nhuận ròng trên tổng tài sản) ngấp nghé 1%, thay vì chỉ 0,5 - 0,6% như thời gian trước, thậm chí có ngân hàng đạt được từ 1 - 2%. ROE (lãi ròng trên vốn tự có) lên tới 14 - 15%, thay vì khoảng 6 -7% trước đó, có những ngân hàng đạt tới 17 - 18%.

Bên cạnh đó, thanh khoản toàn hệ thống khá dồi dào, thị trường liên ngân hàng ổn định với mức lãi suất thấp. Hệ thống đã có bước thay đổi đột phá về quản trị với hầu hết tổ chức tín dụng bắt đầu xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu để phát triển dịch vụ ngân hàng. Dịch vụ ngân hàng chuyển dịch mạnh mẽ sang ngân hàng số, thậm chí một số ngân hàng đã xây dựng được hệ sinh thái số. Đặc biệt, đã có những bước đi ban đầu giảm thiểu lưu thông tiền mặt với việc nhiều công ty thanh toán điện tử ra đời hỗ trợ hệ thống
ngân hàng.

Đáng chú ý, nhờ có tăng trưởng lớn về xuất khẩu, thặng dư thương mại của Việt Nam rất cao trong 2 năm vừa qua. Cùng với đó, uy tín của Việt Nam trên thế giới ngày càng được củng cố nên đầu tư nước ngoài vào Việt Nam khá mạnh, giúp cán cân thanh toán tổng thể đạt thăng dư. Do đó, dự trữ ngoại tệ tăng nhanh gần 80 tỷ USD (thời điểm cuối năm 2019), bằng 2,5 tháng (11 tuần) nhập khẩu. Dự trữ ngoại hối quốc gia lớn hỗ trợ dự phòng rủi ro hối đoái, rủi ro thanh toán quốc tế vững và tạo “đệm” giảm sốc cho thị trường ngoại hối. Hơn thế, rủi ro hối đoái giảm liên tục tạo lòng tin không chỉ đối với nhà đầu tư trực tiếp, mà cả nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài.

Năm 2019 là năm thành công nhất của hệ thống ngân hàng, sau 10 năm phục hồi kể từ năm 2008. Điều này còn được minh chứng qua những ngân hàng nhỏ trước đây gặp khó khăn lớn liên quan đến vấn đề nợ xấu đã phần nào vượt qua được nhờ chương trình tái cơ cấu khá toàn diện của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Với bối cảnh hiện nay, ông nhận định như thế nào về hệ thống ngân hàng Việt năm 2020?

Phải khẳng định rằng, với nền tảng của năm 2019, nếu năm 2020 không gặp khủng hoảng lớn đến từ đại dịch Covid-19, thì sẽ tiếp tục là năm thành công. Tuy nhiên, với sự xuất hiện chủng mới virus Corona đã thay đổi các kế hoạch không chỉ của hệ thống ngân hàng, mà của tất cả các ngành nghề khác.

fig come hereKhủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 không phải khủng hoảng cơ cấu hay do cấu trúc thị trường mang lại, mà là một tai họa, nên khả năng phục hồi sẽ nhanh hơn.- TS. Lê Xuân Nghĩa

Mặc dù hệ thống ngân hàng đã phục hồi mạnh trong 2 năm qua, nhưng thực tế nền tảng tài chính mới chỉ bằng mức trung bình của ngân hàng các nước trong khu vực Đông Nam Á. Còn theo đánh giá của các tổ chức tài chính quốc tế, hệ thống ngân hàng Việt Nam mới chuyển từ ổn định lên tích cực trong năm 2019. Sức chống chịu rủi ro của hệ thống cũng chưa phải là lớn, nền tảng tài chính đã phục hồi nhưng chưa vững mạnh vì chưa đủ thời gian tích luỹ ít nhất 5 năm. Trong tình trạng “sức khoẻ” tài chính như vậy, hệ thống ngân hàng gặp đại dịch Covid-19 là đối diện với cú sốc lớn.

Thực tế cho thấy, đại dịch đã trở thành thảm họa toàn cầu, thậm chí chuyên gia của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) còn đưa ra nhận định, hậu quả có thể kéo dài 10 năm, ngang bằng khủng hoảng tài chính 2008. Tuy nhiên, tôi không cho rằng hậu quả của dịch Covid-19 sẽ nặng nề đến vậy. Kinh tế toàn cầu năm 2020 sẽ suy giảm mạnh với thương mại giảm trên dưới 20%, GDP giảm trên dưới 2%. Song, khủng hoảng kinh tế này không phải khủng hoảng cơ cấu hay do cấu trúc thị trường mang lại, mà là một tai họa, nên khả năng phục hồi sẽ nhanh hơn.

Nói một cách đơn giản, khi hết dịch, mọi hoạt động trở lại bình thường, khu vực dịch vụ được phục hồi do có nhu cầu thực sự, nên chuỗi cung ứng đứt gãy tạm thời sẽ hồi phục. Vấn đề quyết định nhất của khủng hoảng này là hệ thống ngân hàng không bị rơi vào tình trạng đóng băng tín dụng, suy kiệt tín dụng do người dân mất niềm tin không gửi tiền vào ngân hàng, hay ngân hàng mất lòng tin không cho doanh nghiệp vay tiền. Đây chỉ là đứt gãy nhất thời, hệ thống ngân hàng toàn cầu vẫn vận hành ổn định, thanh khoản USD trên toàn cầu vẫn tốt. Đặc biệt, lòng tin của nhà đầu tư tạm thời dừng lại, chứ không phải mất niềm tin và chờ đợi cơ hội phục hồi.

Theo ông, trong đại dịch, hệ thống ngân hàng sẽ cần thận trọng với vấn đề nào nhất?

Tôi cho rằng, thanh khoản của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong năm 2020 vẫn tốt, tiếp tục nền tảng quản trị tốt của năm trước, tỷ lệ đảm bảo tính an toàn tối thiểu vẫn trong sự kiểm soát, ngoại trừ 4 ngân hàng quốc doanh đang đợi tăng vốn điều lệ. Tuy nhiên, hệ thống sẽ gặp khó khăn liên quan đến suy giảm lợi nhuận do tín dụng giảm, nợ xấu sẽ tăng và đây là vấn đáng lo ngại nhất. Dù vậy, nợ xấu đến từ khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ gia đình, tiểu thương, nhà hàng, khách sạn, du lịch, cá nhân… không đáng lo bởi dư nợ trải đều tại tất cả các ngân hàng thương mại.

Bên cạnh đó, khu vực này sẽ phục hồi rất nhanh bởi nền tảng sản xuất, dịch vụ không bị hủy hoại. Lo ngại lớn nhất là nợ xấu của các tập đoàn tư nhân lớn, điều này gây khó khăn tài chính, rủi ro lớn đối với những ngân hàng có tỷ lệ cho vay cao tại đây. Các tập đoàn kinh tế lớn, vốn dĩ là rường cột của nền kinh tế, nếu có vấn đề sẽ sinh chuyện. Do đó, nợ xấu là điều NHNN, Chính phủ cần có sự giám sát tài chính đồng thời với việc có chính sách hỗ trợ trong trường hợp cần thiết để bảo vệ, tạo điều kiện cho các tập đoàn trụ được trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Đánh giá về các chính sách hiện nay của NHNN, ông có bình luận gì?

Chính sách hiện nay của NHNN đạt được yêu cầu trong bối cảnh tai nạn bất ngờ, khiến cả cung và cầu chưa thể phục hồi, doanh nghiệp đang cố gắng duy trì hoạt động ở mức tối thiểu để chuẩn bị cho thời điểm mới. Nhưng, chuẩn bị cho thời gian sắp tới khi dịch bệnh được kiểm soát, tập trung khôi phục nền kinh tế, cơ quan quản lý cần có chính sách, bước đi mạnh mẽ hơn ngoài biện pháp các ngân hàng thương mại khoanh nợ, giãn nợ, cho vay mới. Cụ thể, NHNN nên có động thái giảm thêm lãi suất điều hành, lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu, mở rộng nghiệp vụ thị trường mở, giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại… để hỗ trợ thanh khoản cho thị trường.

Đặc biệt, NHNN nên mua trái phiếu chính phủ bởi các lý do: Thứ nhất, không bị khống chế kỳ hạn; thứ hai, mua trái phiếu là thông lệ quốc tế tất cả các ngân hàng trung ương vẫn đang triển khai nhằm hỗ trợ các gói kích thích kinh tế của chính phủ; thứ ba, NHNN có thể sử dụng trái phiếu vào nghiệp vụ thị trường mở như là một công cụ để điều hành chính sách tiền tệ, phục vụ mục tiêu chống lạm phát; thứ tư, giảm áp lực trả nợ của Chính phủ trong giai đoạn khó khăn.

Như vậy, các chính sách liên quan đến hệ thống ngân hàng chắc chắn phải rất thận trọng thời gian tới?

Đúng vậy, các chính sách tiền tệ giai đoạn này phải rất thận trọng để bảo đảm 2 mục tiêu: Ổn định được thanh khoản và thể trạng tài chính ngân hàng; kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, để có thể thực hiện được mục tiêu đặt ra, Việt Nam cần kiểm soát chặt chẽ, dập dịch nhanh, trên cơ sở đó tận dụng cơ hội của các quốc gia khác, phục hồi nhanh sau dịch. Chúng ta có thể nhìn thấy một minh chứng trong khó khăn có cơ hội, đó là ngành dệt may Việt Nam tưởng chừng gặp khủng hoảng nặng do đại dịch thì lại có cơ hội từ sản xuất khẩu trang. Đây là cơ hội lớn của ngành dệt may Việt Nam không chỉ trong dịch và sau dịch, bởi không loại trừ khả năng chưa tìm ra vắc-xin và virus Corona sẽ tồn tại trên cơ thể con người ở mức nhỏ và lâu, nên khẩu trang sẽ là vật dụng cần thiết và sử dụng lâu dài. Do đó, hiện tại, cuộc đua áp dụng biện pháp mạnh để dập dịch là rất quan trọng, nếu không Việt Nam sẽ mất thời cơ.

Đồng thời với đó, đại dịch cũng là cơ hội tăng cường số hóa nền kinh tế, điện tử hóa các giao dịch, thủ tục, tạo ra cơ hội cải cách thủ tục hành chính, minh bạch hóa môi trường đầu tư, sản xuất - kinh doanh. Đặc biệt, đối với ngành ngân hàng, đây là cơ hội phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, giao dịch trực tuyến, công nghệ, ví điện tử… bên cạnh việc giữ các thị trường truyền thống.

Tin bài liên quan