Bộ GTVT sẽ chủ trì xây dựng phương án phân chia nguồn thu phí sử dụng đường bộ nộp ngân sách trung ương cho công tác quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ và đường địa phương. Ảnh: Đức Thanh

Bộ GTVT sẽ chủ trì xây dựng phương án phân chia nguồn thu phí sử dụng đường bộ nộp ngân sách trung ương cho công tác quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ và đường địa phương. Ảnh: Đức Thanh

Hiệu chỉnh khiếm khuyết thu - chi Quỹ Bảo trì đường bộ

Việc vận hành, chi tiêu Quỹ Bảo trì đường bộ ở cả trung ương và một số quỹ địa phương vẫn còn khá nhiều khiếm khuyết cần phải sớm chỉnh sửa để nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn.

Vốn thiếu, nhưng dư chi nhiều

Hàng loạt nhiệm vụ “không thể không làm” vừa được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) giao tới các đơn vị liên quan để triển khai kết luận mới nhất của Kiểm toán Nhà nước về thông báo kết quả kiểm toán hoạt động quản lý, sử dụng kinh phí đường bộ giai đoạn 2017 - 2018.

Theo đó, Bộ GTVT giao Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương tiến hành thu hồi, nộp ngân sách nhà nước số tiền 2,9 tỷ đồng, bao gồm khoản chi không đúng định mức, đơn giá 1,8 tỷ đồng; thu tiền đền bù của chủ phương tiện gây hư hỏng cầu Hòa An nhưng chưa nộp ngân sách nhà nước 485 triệu đồng; thu tiền thanh lý tài sản đường bộ 113 triệu đồng.

Các Quỹ Bảo trì đường bộ địa phương gồm TP.HCM, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Điện Biên có trách nhiệm thu hồi, nộp ngân sách nhà nước tổng số tiền 221 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là kinh phí hết nhiệm vụ chi 220 tỷ đồng.

“Tổng cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm đôn đốc và chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện thu hồi để nộp ngân sách nhà nước, giảm giá trị thanh toán, giảm giá trị hợp đồng và chủ trì nghiên cứu, trình Bộ GTVT để được ban hành quy trình quản lý, bảo dưỡng và khai thác các cầu có chiều dài hơn 300 m”, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT yêu cầu.

Mặc dù là hoạt động thường xuyên từ nhiều năm, nhưng việc lập, phê duyệt kế hoạch bảo trì đường bộ để chi tiền cho các gói thầu bảo trì các tuyến đường vẫn tiếp tục chậm tiến độ. Cụ thể, đối với kế hoạch chi năm 2018, đến hết quý I/2018, Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương mới giao kế hoạch lần đầu. Việc giao kế hoạch chi một số công trình thậm chí không nằm trong danh mục rà soát kế hoạch bảo trì của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

“Lỗi chậm trễ này xuất phát từ việc lập, phê duyệt kế hoạch bảo trì đường bộ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam chưa chuyên nghiệp”, Kiểm toán Nhà nước đánh giá.

Một số đơn vị có số chi bảo trì lớn cũng lặp lại lỗi giao dự toán chậm hoặc không sát thực tế như Quỹ Bảo trì đường bộ Hà Nội và Quỹ Bảo trì đường bộ TP.HCM, dẫn đến trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh, cuối năm kinh phí dư tương đối lớn, nhưng không thể chuyển sang nhiệm vụ chi năm sau.

Giải thể Quỹ và Hội đồng Quản lý quỹ

Trong số hạn chế lưu cữu khá lâu thuộc trách nhiệm của Tổng cục Đường bộ Việt Nam - cơ quan được giao nhiệm vụ triển khai hoạt động bảo trì các tuyến quốc lộ, việc đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, đơn vị cung cấp dịch vụ là điểm gợn lớn nhất.

Theo Kiểm toán Nhà nước, giai đoạn 2017 - 2018, một số dự án bảo trì phải phê duyệt điều chỉnh, bổ sung kế hoạch lựa chọn nhà thầu do bổ sung gói thầu, thay đổi thời gian lựa chọn nhà thầu, thay đổi thời gian thực hiện hợp đồng. Nội dung kế hoạch lựa chọn nhà thầu chưa quy định cụ thể thời gian lựa chọn nhà thầu hoặc không quy định rõ thời gian cấp vốn cho nhà thầu. Hai đơn vị thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam bị nêu đích danh cho các lỗi trên là Cục Quản lý đường bộ 4 và Cục Quản lý đường bộ 2.

Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, Tổng cục Đường bộ Việt Nam không theo dõi, tổng hợp đủ tình hình chậm tiến độ theo đề nghị cung cấp tài liệu, mà chỉ cung cấp báo cáo của 42 đơn vị. Qua kiểm toán một số báo cáo của đơn vị, có 68/1.309 dự án chậm tiến độ theo quyết định phê duyệt dự án đầu tư ban đầu.

Liên quan đến một số bất cập về tổ chức bộ máy quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì đường bộ, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, Hội đồng Quản lý Quỹ không có nhiều vai trò trong quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì đường bộ. Cụ thể, với nguồn địa phương, việc xây dựng kế hoạch bảo trì do Sở GTVT thực hiện, UBND tỉnh phê duyệt và giao kinh phí, Bộ Tài chính thực hiện cấp trực tiếp về ngân sách địa phương trong tỷ lệ 35% từ nguồn thu phí ô tô. Với nguồn trung ương, việc lập kế hoạch do Tổng cục Đường bộ Việt Nam xây dựng, Bộ GTVT phê duyệt, Bộ Tài chính cấp thẳng không qua cấp trung gian là Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương như trước đây.

Với bất cập này, trên cơ sở đề xuất của Bộ GTVT, ngày 13/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 09/2020/NĐ - CP về việc bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật về Quỹ bảo trì đường bộ. Theo đó, Quỹ Bảo trì đường bộ và Hội đồng Quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ trung ương sẽ được giải thể.

Với quy định mới, Bộ Tài chính sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT quy định việc thu, nộp và sử dụng phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ô tô thống nhất trong cả nước, gồm cả đường bộ thuộc trung ương quản lý và đường bộ thuộc địa phương quản lý theo quy định của pháp luật về phí, ngân sách nhà nước. Phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ô tô được nộp toàn bộ vào ngân sách trung ương, sử dụng để quản lý, bảo trì đường bộ.

Trên cơ sở số thu thực tế, Bộ GTVT sẽ chủ trì xây dựng phương án phân chia nguồn thu phí sử dụng đường bộ nộp ngân sách trung ương cho công tác quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ và đường địa phương; nguyên tắc, tiêu chí phân chia nguồn thu phí sử dụng đường bộ dành cho công tác quản lý, bảo trì đường địa phương cho từng địa phương, gửi Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ xem xét, trình cấp có thẩm quyền quyết định để thực hiện từ năm 2021

“Quy định mới sẽ nâng cao hiệu quả chi bảo trì, góp phần giảm thiểu các thủ tục hành chính đối với công tác quản lý và tuân thủ theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước”, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết.

Ngân sách mới đáp ứng một phần yêu cầu

Về nguyên tắc, ngân sách nhà nước cấp bổ sung cho Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương trên cơ sở cân đối thu chi do Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương lập. Tuy nhiên, theo ghi nhận của Kiểm toán Nhà nước, năm 2017, ngân sách nhà nước mới chỉ đáp ứng được 32%; năm 2018 chỉ đáp ứng được khoảng 20% so với nhu cầu vốn còn thiếu, đã ảnh hưởng trực tiếp tới việc tổ chức thực hiện kế hoạch bảo trì được phê duyệt.

Tin bài liên quan