Fed hạ lãi suất về 0%: Nguy cơ “bẫy” thanh khoản

Fed hạ lãi suất về 0%: Nguy cơ “bẫy” thanh khoản

(ĐTCK) Các ngân hàng trung ương có thể phải đối mặt với tình trạng “bẫy” thanh khoản nếu tiếp tục hạ lãi suất để kích thích nền kinh tế, đối phó với dịch Covid-19. 

Trong cuộc họp khẩn cấp được tổ chức vào ngày 15/3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã có một quyết định gây bất ngờ cho giới đầu tư, đó là cắt giảm lãi suất xuống 0-0,25%.

Một câu hỏi được đặt ra là nếu như lãi suất đã hạ xuống 0% mà những vấn đề liên quan đến dịch Covid-19 vẫn chưa được xử lý thì điều gì có thể cứu vãn nền kinh tế Mỹ thoát khỏi nguy cơ suy thoái?

Thông thường, khi một nền kinh tế đứng trước sự suy giảm về tăng trưởng thì ngân hàng trung ương sẽ kích thích tăng trưởng trở lại bằng việc thực hiện chính sách tiền tệ nới nỏng.

Hành động rõ ràng nhất là hạ nhanh các lãi suất chính sách, bơm tiền qua các nghiệp vụ thị trường mở (OMO), như cách mà Fed thực hiện trong hai tuần vừa qua.

Ðôi khi các ngân hàng trung ương sẽ sử dụng công cụ cứng rắn hơn như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc - cách mà Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đang thực hiện.

Nhưng có những thời điểm giống như năm 2008 (khủng hoảng tài chính toàn cầu), hay như thời điểm hiện tại, việc lãi suất danh nghĩa duy trì ở mức quanh 0% cộng với kỳ vọng lạm phát ở mức thấp khiến tiền mặt trở thành một công cụ tài chính hấp dẫn nhất.

Do vậy, nỗ lực của ngân hàng trung ương trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích đầu tư và tiêu dùng không phát huy được tác dụng.

Lượng tiền bơm thêm vào hệ thống tài chính chủ yếu nằm yên trong các tài khoản ngân hàng, thay vì được đưa ra nền kinh tế.

Thậm chí, một bộ phận nhà đầu tư có thể sẽ chuyển số tiền này ra nước ngoài để mua tài sản tài chính với lợi tức cao hơn, càng làm chậm quá trình mở rộng tín dụng trong nước mà ngân hàng trung ương cố gắng đạt được.

Trong những trường hợp như vậy, chính sách tiền tệ thông thường trở nên mất tác dụng. Ðây là điều mà chính Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell ám chỉ trong mỗi phát biểu của mình cách đây cả nửa năm, nhưng dường như Tổng thống Trump không quan tâm đến điều đó, mà vẫn muốn Fed phải “tung những cú đánh cuối cùng”, với tham vọng gây dựng một nước Mỹ vĩ đại trở lại.

Fed hạ lãi suất về 0%: Nguy cơ “bẫy” thanh khoản ảnh 1

Hiện tại, ngoài Mỹ thì châu Âu, Nhật Bản, Thụy Ðiển, Thụy Sĩ và nhiều nền kinh tế khác cũng đang phải đối mặt với tình trạng bẫy thanh khoản. Lãi suất của EU đang ở mức 0%, Nhật Bản là -0,1%, Thụy Sĩ giảm còn -0,75%, nhưng nền kinh tế vẫn tăng trưởng chậm.

Hình ảnh về “một thập kỷ mất mát” bây giờ đã không còn là của riêng nước Nhật.

Tại Việt Nam, cũng có ý kiến cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nếu tiếp tục hạ lãi suất để tiếp sức cho nền kinh tế đối phó với Covid-19, nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với tình trạng bẫy thanh khoản.

Tuy nhiên, đâu là giải pháp để xử lý được câu chuyện thúc đẩy tăng trưởng mà không bị vướng vào bẫy thanh khoản thì vẫn chưa ở đâu có câu trả lời rõ ràng.

Biện pháp mà Mỹ và EU thực hiện trong giai đoạn khủng hoảng 2007 - 2008 là tung ra gói nới nỏng định lượng (QE), song song với đó là các gói cứu trợ tài khóa.

Ðây là cách mà Nhật Bản thực hiện vào những năm 90 khi nền kinh tế nước này rơi vào bẫy thanh khoản và bước vào “thập kỷ mất mát”.

Thực tế, đến năm 2002, nền kinh tế Nhật Bản đã thoát khỏi ám ảnh “thập kỷ mất mát” nhờ những biện pháp trên. Nền kinh tế Mỹ cũng đã phục hồi rõ nét từ khủng hoảng năm 2008 sau 3 gói QE và hàng loạt gói cứu trợ tài khóa mạnh tay.

Châu Âu cũng mạnh mẽ vượt qua nguy cơ khủng tài chính toàn cầu, khủng hoảng nợ và Brexit…

Chứng khoán tương lai của Mỹ đã giảm rất mạnh khi Dow Jones futures giảm hơn 1.000 điểm, S&P 500 và Nasdaq 100 futures cũng giảm mạnh khi đón nhận tin Fed cắt giảm lãi suất.

Nhà đầu tư tại đây có lý do để thiếu niềm tin vào khả năng phục hồi của nền kinh tế thông qua các giải pháp tiền tệ và tài khóa, khi mà dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa tìm ra thuốc chữa và chưa biết được bao giờ mới dừng lại.

Bẫy thanh khoản xảy ra khi nào?

 Bẫy thanh khoản là hiện tượng xảy ra khi chính sách tiền tệ được nới lỏng bằng biện pháp giảm lãi suất xuống thấp quá một mức nhất định. Khi lãi suất xuống quá thấp, theo thuyết ưa chuộng tính thanh khoản, người ta sẽ giữ tiền mặt chứ không gửi vào ngân hàng hay mua chứng khoán. Hậu quả là đầu tư tư nhân khó có thể được thúc đẩy. Chính sách tiền tệ trở nên bất lực trong việc thúc đẩy đầu tư tư nhân và do đó là bất lực trong kích thích tổng cầu. Đây là một trong những lý luận của kinh tế học Keynes.

Kinh tế học Keynes cho rằng, khi nền kinh tế rơi vào tình trạng này thì chỉ có cách sử dụng tích cực chính sách tài khóa (giảm thuế, tăng chi tiêu công cộng), tăng xuất khẩu ròng, khuyến khích tư nhân đầu tư để đổi mới công nghệ.

Tin bài liên quan