Dấu ấn “người cho vay cuối cùng”

Dấu ấn “người cho vay cuối cùng”

(ĐTCK) Người cho vay cuối cùng là một trong những chức năng quan trọng của các ngân hàng trung ương trong việc hỗ trợ kịp thời thanh khoản cho các tổ chức tín dụng nhằm ổn định thị trường tiền tệ. 

Chức năng này đã được Ngân hàng Nhà nước thực hiện rất tốt trong thời gian qua để điều tiết cung tiền, ổn định thanh khoản hệ thống nhằm kiểm soát lạm phát, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Ðiều đó một lần nữa được khẳng định qua diễn biến thị trường tiền tệ tuần qua.

Thanh khoản của hệ thống đã có dấu hiệu bớt dư thừa hơn ngay từ đầu tháng 11. Nguyên nhân một phần là theo quy định của Thông tư 58/2019/TT-NHNN, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2019, toàn bộ số dư tiền gửi kho bạc phải được kết chuyển về Ngân hàng Nhà nước, thay vì để ở một số ngân hàng thương mại lớn như trước đây.

Bên cạnh đó, giai đoạn này, thanh khoản của hệ thống cũng thường căng hơn do những tháng cuối năm, nhu cầu vốn tăng cao để phục vụ mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, trong khi doanh nghiệp, người dân lại có xu hướng rút tiền gửi về để chi dùng.

Trước thực tế này, để hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển sang bơm ròng tiền vào thị trường, thay vì hút ròng tiền về như thời gian trước.

Khối lượng bơm ròng cũng tăng dần, tùy thuộc vào nhu cầu thanh khoản của hệ thống, nhưng chủ yếu vẫn thông qua việc giải phóng lượng tiền đã bị tạm giữ trong kênh tín phiếu trước đó. Theo đó, trong tuần từ 4  - 8/11, cơ quan này đã bơm ròng 6.000 tỷ đồng vào thị trường; tuần từ 11 - 15/11 là 8.000 tỷ đồng và tuần từ 18 - 22/11, lượng bơm ròng đạt tới 25.000 tỷ đồng.

Thế nhưng, càng về cuối tháng, dấu hiệu khó khăn cục bộ về thanh khoản càng lộ rõ, đẩy lãi suất liên ngân hàng bật tăng rất mạnh, thậm chí có thời điểm, lãi suất cho vay qua đêm giữa các ngân hàng vọt lên 4,55%/năm, kỳ hạn 1 tuần là 4,92%/năm.

Tình trạng này nếu kéo dài có thể ảnh hưởng tới mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường 1, đe đọa phá vỡ chủ trương giảm lãi suất mà Ngân hàng Nhà nước vừa triển khai.

Bởi vậy, Ngân hàng Nhà nước đã tăng mạnh lượng bơm ròng hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng.

Theo đó, nhà điều hành đã tái khởi động công cụ cho vay cầm cố sau một thời gian dài tạm ngừng, kết hợp với lượng vốn được giải phóng qua kênh đáo hạn tín phiếu.

Trong phiên ngày 25/11, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ra 4.000 tỷ đồng qua kênh mua kỳ hạn giấy tờ có giá, cộng thêm 5.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn, tổng cộng đã có 9.000 tỷ đồng được bơm vào thị trường trong phiên này.

Thậm chí, trong phiên ngày 26/11, nhà điều hành còn bơm tới 26.000 tỷ đồng vào thị trường, bao gồm 23.000 tỷ đồng qua kênh thị trường mở (OMO( và 3.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.

Ðặc biệt, lãi suất OMO đã được nhà điều hành giảm mạnh từ 4,5%/năm xuống còn 4%/năm mà theo đánh giá của Công ty Chứng khoán KB, “mức điều chỉnh này là có chủ đích của Ngân hàng Nhà nước nhằm tác động trực tiếp đối với chi phí vay vốn ngắn hạn của các ngân hàng trên kênh OMO khi nhu cầu vốn mùa cao điểm đang đến gần”.

Sau động thái bơm ròng mạnh của Ngân hàng Nhà nước, thanh khoản của hệ thống dần ổn định trở lại, lãi suất liên ngân hàng cũng hạ nhiệt.

Bằng chứng là trong phiên ngày 27/11, nhà điều hành chào mua 7.000 tỷ đồng giấy tờ có giá, song các tổ chức tài chính chỉ hấp thụ được có 4.000 tỷ đồng, trong khi lãi suất qua đêm liên ngân hàng cũng giảm xuống còn 3,83%/năm; lãi suất 1 tuần còn 4,0%/năm.

Thậm chí, phiên ngày 28/11, Ngân hàng Nhà nước tạm dừng hoạt động bơm ròng khi không chào mua giấy tờ có giá, trong khi số dư tín phiếu cũng đã giảm về 0 trong phiên ngày 27/11.

Thế nhưng, lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm về còn 3,64%/năm đối với cho vay qua đêm và 3,97%/năm đối với kỳ hạn 1 tuần.

Để hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống trong những tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước đã bơm 18.000 tỷ đồng vào thị trường qua kênh OMO, đặc biệt, nhà điều hành đã nâng kỳ hạn cho vay lên 14 ngày, lãi suất OMO vẫn được giữ ở mức 4%/năm.

Tính chung trong tuần 25/11 - 29/11, nhà điều hành đã bơm thêm 62.000 tỷ đồng vào thị trường.

Những cơn nóng lạnh trên thị trường tiền tệ là điều khó tránh, nhưng như TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá, điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước ngày càng khéo léo và thông minh hơn.

Việc “bơm, hút tiền” kịp thời của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua đã đảm bảo tốt thanh khoản của hệ thống ngân hàng, vừa duy trì mức cung tiền phù hợp với yêu cầu ổn định vĩ mô, trong khi vẫn giúp mua vào ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối quốc gia.

Điều này sẽ là bệ đỡ quan trọng cho sự ổn định của thị trường chứng khoán trong giai đoạn cuối năm và xa hơn nữa.

Tin bài liên quan