“Chúng tôi rất lạc quan về tiềm năng mở rộng thanh toán số tại Việt Nam”

“Chúng tôi rất lạc quan về tiềm năng mở rộng thanh toán số tại Việt Nam”

(ĐTCK) Đó là chia sẻ của bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Quốc gia Visa tại Việt Nam và Lào với Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng 2020.

Tỷ lệ giao dịch thanh toán điện tử thời gian qua tăng trưởng khá nhanh, bên cạnh đó, thực tế cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam cũng đã sẵn sàng đón nhận các phương thức thanh toán số thay cho tiền mặt. Bà đánh giá thế nào  về thị trường thanh toán kỹ thuật số Việt Nam hiện tại cũng như tiềm năng trong tương lai?

Chúng tôi rất lạc quan về tiềm năng mở rộng thanh toán số tại Việt Nam. Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam ngày càng có nhiều người gia nhập tầng lớp trung lưu, mức thu nhập khả dụng cao hơn và sẵn sàng nắm bắt các công nghệ mới.

Tuy nhiên, sự lạc quan của chúng tôi không chỉ dựa trên những xu hướng nhân khẩu học mà bởi vì nhiều số liệu đã cho thấy điều này.

Năm 2019, mạng lưới xử lý thanh toán tiên tiến của Visa đã ghi nhận tổng giá trị giao dịch của người tiêu dùng Việt Nam bằng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ Visa tăng 38% so với cùng kỳ năm 2018, trong khi tổng số giao dịch tăng 54%.

Khảo sát về thái độ thanh toán của người tiêu dùng (CPA) gần đây của Visa cũng đã đưa ra những kết quả, dự đoán tích cực cho tương lai của thanh toán kỹ thuật số. Khảo sát đã tổng hợp nhân khẩu học ở các nước Đông Nam Á, dựa trên quan điểm và kỳ vọng của người tiêu dùng về các chủ đề khác nhau liên quan đến các phương thức thanh toán.

74% người tiêu dùng tại Việt Nam kỳ vọng tăng cường sử dụng các phương thức thanh toán không tiền mặt trong vòng 12 tháng tới - tỷ lệ cao nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á được khảo sát.   

Một trong những kết quả nổi bật từ khảo sát là 74% người tiêu dùng tại Việt Nam kỳ vọng tăng cường sử dụng các phương thức thanh toán không tiền mặt trong vòng 12 tháng tới - tỷ lệ cao nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á được khảo sát.

Khảo sát cũng cho thấy xu hướng tích cực trong các công nghệ thanh toán mới.

Có thể kể đến thanh toán không tiếp xúc, cho phép người dùng chỉ cần chạm thẻ, điện thoại hoặc các thiết bị đeo vào máy đọc thẻ POS để thực hiện giao dịch.

Trong số 37% người tiêu dùng đang thanh toán không tiếp xúc và 42% người dùng sử dụng thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại di động, có 85% người đang sử dụng ít nhất một lần một tuần. Mặc dù thanh toán không tiếp xúc chỉ mới ra mắt tại Việt Nam, chúng tôi ghi nhận sự đón nhận tích cực từ những người tiêu dùng sử dụng công nghệ thanh toán này.

Tuy nhiên, thách thức hiện tại lớn nhất của chúng ta là Việt Nam vẫn là một xã hội phụ thuộc vào tiền mặt.

Tiền mặt đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của người tiêu dùng, vì vậy, cần tập trung vào việc giúp người tiêu dùng và các điểm chấp nhận thanh toán không tiếp xúc hiểu thêm về lợi ích của thanh toán số.

Tiềm năng của thanh toán số đồng nghĩa với việc có nhiều cơ hội lớn về phát triển dịch vụ, tăng hiệu quả kinh doanh và các mô hình kinh doanh sáng tạo mới tại thị trường Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam cũng có những mục tiêu để tiến đến nền kinh tế không tiền mặt dựa trên sự dịch chuyển tích cực về nhận thức và hành vi người tiêu dùng, các điều kiện thuận lợi cho sự bùng nổ thương mại điện tử.

Công nghệ thanh toán không tiếp xúc quả thực đang được phát triển mạnh tại Việt Nam và thực tế đã cho thấy sự hữu hiệu, đặc biệt trong đại dịch Covid-19…

bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Quốc gia Visa tại Việt Nam và Lào.

Đúng vậy, thanh toán không tiếp xúc giúp mọi người thực hiện các giao dịch hiệu quả hơn, bất kể trong việc trả tiền xăng, mua hàng tạp hóa hàng tuần hay mua áo quần ở các cửa hàng thời trang.

Chỉ với một thao tác “chạm” đơn giản, giao dịch có thể được hoàn thành trong vài giây.

Phương thức thanh toán này đem đến những lợi ích to lớn cho thị trường bán lẻ và áp dụng công nghệ này vào lĩnh vực giao thông công cộng sẽ mang đến những tác động và chuyển biến tích cực tới thói quen thanh toán không dùng tiền mặt của người dân.

Hiện tại, Việt Nam đang tập trung vào một số hạ tầng giao thông chính như tàu điện ngầm ở cả Hà Nội và TP.HCM, hệ thống xe buýt tốc độ cao và một số tuyến đường cao tốc mới trên cả nước.

Mục tiêu chính của những kế hoạch này là giảm thiểu lượng giao dịch tiền mặt, bởi giao dịch tiền mặt sẽ làm gián đoạn quá trình thanh toán, đặc biệt khi tính đến số lượng lớn hành khách sẽ sử dụng dịch vụ giao thông công cộng, hay trong trường hợp đường cao tốc.

Thông qua các công nghệ không tiếp xúc, hành khách sẽ không còn gặp trở ngại trong việc kiểm tra số tiền khi sử dụng tàu điện ngầm, mà còn giúp việc di chuyển trong thành phố thuận lợi hơn, điều này cho phép những nhà quản lý hạ tầng giao thông có thể điều chỉnh hợp lý các tuyến đường và giá vé.

Đây là lúc giao thông trở nên “thông minh” hơn, vì thanh toán kỹ thuật số cung cấp nhiều dữ liệu để nâng cao chất lượng dịch vụ.

Theo Khảo sát CPA Việt Nam năm 2019, 37% người Việt Nam hiện đang dùng thanh toán thẻ không tiếp xúc. Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng chênh lệch đáng kể giữa các nhóm người tiêu dùng khi chỉ có 33% người tiêu dùng nhóm "đại trà" so với 50% người tiêu dùng nhóm "thượng lưu" sử dụng phương thức thanh toán này. Bà có bình luận gì về những con số này?

Chúng tôi luôn khuyến khích áp dụng rộng rãi phương thức thanh toán này và hiểu rằng một trong những hướng tiếp cận hiệu quả nhất cho phát triển thanh toán không dùng tiền mặt chính là tạo ra nhiều cơ hội thanh toán bằng công nghệ không tiếp xúc cho người tiêu dùng ở mọi phân khúc.

Điều này bao gồm các hoạt động phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng thanh toán, các điểm chấp nhận thanh toán để triển khai công nghệ và dịch vụ thanh toán không tiếp xúc, hợp tác với các ngân hàng để phát hành nhiều thẻ không tiếp xúc hơn và giúp người tiêu dùng hiểu thêm về những lợi ích của công nghệ không tiếp xúc.

Khi thực hiện khảo sát thái độ người tiêu dùng Việt Nam, đối với nhóm người dùng mang theo ít tiền mặt, lý do chính là vì ngày càng có nhiều nơi cung cấp các lựa chọn thanh toán kỹ thuật số.

Chúng tôi cũng nhận thấy rằng mặc dù chỉ có hơn một phần ba người tiêu dùng thanh toán không tiếp xúc, 80% người tiêu dùng chưa từng sử dụng thanh toán không tiếp xúc lại có quan tâm đến việc sử dụng phương thức thanh toán này trong tương lai, điều này cho thấy người tiêu dùng có mức độ quan tâm nhất định đối với thanh toán không tiếp xúc.

Các giải pháp để tăng cường thanh toán không tiếp xúc cũng tương tự với giải pháp thúc đẩy sự tăng trưởng của các phương thức thanh toán kỹ thuật số: chúng tôi cần chứng minh với người tiêu dùng rằng thanh toán kỹ thuật số không chỉ dành cho các giao dịch giá trị cao, như đồ nội thất hoặc đồ điện tử đắt tiền, mà còn có thể giúp cuộc sống dễ dàng hơn thông qua đơn giản hóa trải nghiệm của người tiêu dùng với các giao dịch thiết yếu hàng ngày như mua hàng tạp hóa, thực phẩm, trả tiền taxi…

Khảo sát cũng cho thấy người tiêu dùng yêu thích công nghệ thanh toán không tiếp xúc ở điểm tiện lợi, đơn giản và đem lại trải nghiệm với tính sáng tạo cao.

Cũng theo Khảo sát CPA, hơn 70% người Việt Nam quan tâm đến ngân hàng số vì tính tiện lợi và nhanh chóng trong quá trình thực hiện dịch vụ ngân hàng. Tuy nhiên, vẫn còn tới 30% trực tiếp đi đến các chi nhánh ngân hàng để thực hiện các dịch vụ. Giải pháp nào để giảm dần con số 30%, theo bà?

Bằng cách thúc đẩy thanh toán số, chúng ta sẽ khuyến khích nhiều người tiêu dùng sử dụng ngân hàng số hơn, bởi khi người tiêu dùng thường xuyên sử dụng thẻ hay điện thoại để thanh toán, việc truy cập các báo cáo chi tiêu trên nền tảng kỹ thuật số sẽ tiện lợi hơn là đến ngân hàng để nộp tiền hoặc rút tiền mặt.

Vấn đề nằm ở thói quen, nhiều người tiêu dùng vẫn còn phụ thuộc vào tiền mặt. Vì vậy, để có thể hỗ trợ chuyển sang thanh toán số, chúng ta cần giúp người tiêu dùng hiểu được cách tận dụng tối đa các dịch vụ ngân hàng số.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng Việt Nam thực sự rất am hiểu công nghệ, nên chúng tôi tin rằng, đây chỉ là vấn đề thời gian để chúng ta đạt được mục tiêu chuyển đổi sang dịch vụ ngân hàng số ở quy mô lớn.

Nghị quyết số 02/NQ-CP nêu rõ 7 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020, trong đó có việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Theo bà, liệu tiềm năng của nền thanh toán Việt Nam cùng với sự đổ bộ của hàng loạt công nghệ thanh toán mới có thể giúp đất nước tiến đến “xã hội không tiền mặt” trong tương lai gần?

Việc triển khai thanh toán số cho các dịch vụ của Chính phủ đánh dấu một bước tiến lớn cho tính hiệu quả của quy trình quản lý hành chính ở nhiều cấp độ, cũng như việc đón nhận rộng rãi các phương thức thanh toán không tiền mặt và tạo ra các trải nghiệm, chất lượng dịch vụ tốt hơn tới người tiêu dùng.

Trên phương diện hành chính, thanh toán kỹ thuật số giúp cắt giảm khối lượng công việc trong khâu giải quyết các thủ tục giấy tờ và xử lý tiền mặt, đảm bảo tính minh bạch, giúp hàng hóa và dịch vụ có thể đến tay người tiêu dùng một cách nhanh chóng.

Đối với người dân, thanh toán kỹ thuật số giúp giảm thiểu thời gian họ phải dành để thực hiện các thủ tục hành chính ở các cơ quan nhà nước, không phải đem theo nhiều tiền mặt đến các phòng ban hay các văn phòng dịch vụ công ích của nhà nước, hoặc việc giải ngân vốn, tiền hỗ trợ hưu trí, bảo hiểm… cho người dân cũng sẽ được thực hiện nhanh hơn.

Theo đó, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ các kế hoạch của Chính phủ Việt Nam nhằm giảm sử dụng tiền mặt và sẵn sàng hợp tác với Chính phủ để hỗ trợ áp dụng các công nghệ này.

Ngoài ra, các công ty Fintech có thể nắm giữ chìa khóa thúc đẩy việc ứng dụng thanh toán số và mở ra cơ hội lớn để thay thế thanh toán bằng tiền mặt tại khu vực Đông Nam Á.

Với sự phát triển của ngành Fintech, chúng tôi nhận thấy rằng, nhiều doanh nghiệp mới nổi đang nghiên cứu những sáng kiến để xây dựng một thế giới thương mại dễ tiếp cận hơn với mọi người ở mọi nơi.

Visa cam kết phối hợp với các tổ chức tài chính, các công ty Fintech thiết lập các tiêu chuẩn mang tính toàn cầu và có thể tương tác với nhau, kết nối người mua với người bán trên nhiều kênh thương mại đang phát triển.

Thêm vào đó, Việt Nam là 1 trong 10 thị trường du lịch phát triển nhanh nhất thế giới, tuy nhiên, ngành công nghiệp này vẫn đối mặt với nhiều thách thức lớn, trong đó có việc mở rộng chấp nhận các phương thức thanh toán điện tử tới mạng lưới rộng các điểm thu hút khách du lịch.

Hiện tại, vẫn còn nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng trên toàn quốc mà khách du lịch chỉ có thể thanh toán bằng tiền mặt.

Để tối đa hóa chi tiêu du lịch tại Việt Nam, điều đặc biệt quan trọng là chúng ta phải trang bị cơ sở hạ tầng thanh toán phù hợp, đặc biệt tại các điểm đến thường xuyên của khách du lịch như khách sạn, nhà hàng, công ty lữ hành, chợ đêm...

Tin bài liên quan