Đã nới lỏng hơn...
Động thái chính sách như hạ trần lãi suất, giảm lãi suất chiết khấu, tái cấp vốn, hay yêu cầu các ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho vay… của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong thời gian cuối năm 2019 được thị trường dẫn giải rằng, nhà điều hành đã chủ động đón đầu những biến động bất trắc của kinh tế toàn cầu; với độ trễ chính sách, giải pháp này đang và sẽ hỗ trợ giảm bớt khó khăn lên hoạt động kinh tế trong thời điểm hiện nay.
Với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, NHNN đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh.
Đồng thời chủ động nắm bắt tình hình sản xuất - kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của dịch để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay...
Bản thân các ngân hàng thương mại, ngay khi dịch Covid-19 diễn ra, cũng nhanh chóng rà soát khách hàng chịu ảnh hưởng và tự đưa ra các giải pháp hỗ trợ như hạ lãi suất cho vay, ưu đãi phí dịch vụ thanh toán… theo nguyên tắc “hỗ trợ khách hàng chính là hỗ trợ mình”. Khách hàng vượt qua khó khăn thì dòng vốn huy động cho vay sẽ ổn định, rủi ro nợ xấu giảm đi.
Mặc dù mới có những đánh giá sơ bộ ban đầu, nhưng phải thừa nhận rằng, dịch Covid-19 chắc chắn sẽ tạo ra khó khăn nhất định cho nền kinh tế.
Đánh giá của Nhóm Nghiên cứu BIDV đưa ra 3 kịch bản, kịch bản nào cũng đều khiến tăng trưởng GDP năm nay giảm so với dự kiến. Báo cáo của các công ty chứng khoán như VNDirect, KBSV... cũng cho kết quả tương tự.
Công ty Chứng khoán KB (KBSV) còn dự báo về khả năng NHNN có thể nới tăng trưởng tín dụng vượt mức đề ra (14%) nếu mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% của Chính phủ gặp khó khăn.
Nới lỏng tiền tệ là cách phổ biến nhất để kích cầu: Trung Quốc và Singapore bơm lần lượt 1.700 tỷ nhân dân tệ và 5,6 tỷ USD Singapore để kích cầu; Trung Quốc cũng hạ hạ lãi suất 10 điểm cơ bản đối với khoảng 200 tỷ nhân dân tệ (28,65 tỷ USD) giá trị các khoản vay trung hạn có kỳ hạn một năm (MLF), tức từ 3,25%/năm trước đây xuống 3,15%/năm như hiện nay.
Tương tự, Ngân hàng Trung ương Thái Lan giảm lãi suất cơ bản xuống mức kỷ lục 1%/năm để hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 đang làm suy giảm nghiêm trọng du lịch của nước này.
Tương tự, Ngân hàng Trung ương Philippines cũng giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm xuống còn 3,75%/năm.
Đánh giá về thị trường tiền tệ một tháng vừa qua, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho biết: “Việc các ngân hàng tuyên bố các gói hỗ trợ theo hướng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và tiếp tục cho vay mới sẽ khiến dư nợ tín dụng tăng nhanh hơn. Trong khi việc bơm thêm thanh khoản để hỗ trợ các nhà băng ổn định lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay, xét ở một góc độ nào đó, cũng là một biện pháp nới lỏng tiền tệ rồi”.
... Nhưng có cần thêm động thái mạnh?
Vào nửa cuối năm ngoái, NHNN đã điều hành theo hướng nới lỏng, cụ thể là tháng 9/2019 đã hạ một loạt lãi suất điều hành, gồm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu và lãi suất cho vay qua thị trường mở (OMO).
Tiếp đó đến 18/11/2019, cơ quan này đã có quyết định lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1%/năm xuống 0,8%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,5%/năm xuống 5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6%/năm xuống 5,5%/năm.
Tuy nhiên trước tình hình dịch bệnh hiện nay, câu hỏi được đặt ra là liệu Việt Nam có cần những gói kích thích, hay một động thái nới lỏng mạnh mẽ hơn như một số nước đang áp dụng?
Để tìm hiểu câu trả lời, Báo Đầu tư Chứng khoán đã trao đổi với một lãnh đạo cao cấp trong lĩnh vực ngân hàng, thông điệp được đưa ra có thể tóm tắt lại rằng, với dịch Covid-19 thì cần có thêm thời gian để đánh giá tác động của dịch đối với các hoạt động của nền kinh tế, cũng như với khách hàng vay vốn.
Vị lãnh đạo này lấy ví dụ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), để tăng hay hạ lãi suất, Fed cần rất nhiều dữ liệu, từ chỉ số lạm phát, tăng trưởng... đến tỷ lệ việc làm, đơn trợ cấp thất nghiệp, bảng lương phi nông nghiệp…
“Việt Nam cũng tương tự, kinh nghiệm quá khứ cho thấy, thắt chặt tiền tệ quá mức có thể dẫn đến sản xuất đình trệ, nhưng nới lỏng tiền tệ quá đà có thể dẫn đến hệ lụy lớn là lạm phát cao trong tương lai”, vị lãnh đạo này nói và cho biết:
“Chúng tôi theo dõi tình hình hàng ngày, điều hành thị trường theo các kịch bản đã đề ra và thực tế cho thấy, thanh khoản hệ thống ngân hàng rất dồi dào, lãi suất vẫn ổn định trong xu hướng hạ từ cuối năm ngoái hỗ trợ cho doanh nghiệp, các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch đã nhận được các hỗ trợ trực tiếp từ các ngân hàng thương mại”.
Hiện vẫn cần thêm các dữ liệu để xem xét vào cuối tháng này như tăng trưởng GDP, chỉ số giá tiêu dùng CPI, chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI, kim ngạch xuất nhập khẩu, ảnh hưởng của dịch tới các ngành… thì mới có thể quyết định.
“Ví dụ, trong nông nghiệp, quy mô của ngành nông nghiệp là bao nhiêu và phần vay ngân hàng là bao nhiêu thì mới bắt đầu tính được ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trên cơ sở đó mới biết được có cần điều chỉnh kỳ hạn trả nợ hay lãi suất không”, vị lãnh đạo này nói và chia sẻ thêm: “Theo quan sát của chúng tôi, hệ thống ngân hàng không hạn chế về khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp”.
“Cơ quan quản lý cần đánh giá kỹ lưỡng ở hai phía cung - cầu và quan sát thêm diễn biến của tháng 2 và tháng 3, có tính đến yếu tố mùa vụ. Hiện tại, cơ quan quản lý vẫn đang điều hành thị trường theo kịch bản đã đề ra để đảm bảo thực hiện mục tiêu chung theo chỉ tiêu của Quốc hội, Chính phủ”, vị lãnh đạo trên nói.
Đánh giá về tác động của dịch, một lãnh đạo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), đơn vị phải xem xét kỹ nhất khía cạnh vốn vay của nền kinh tế, cho biết đã nhận được báo cáo sơ bộ từ các ngân hàng thương mại.
Tổng số doanh nghiệp bị ảnh hưởng, hoặc có thể ảnh hưởng bởi dịch đang vay ngân hàng khoảng 900.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thời điểm dịch năm nay trùng với giai đoạn thấp điểm về sản xuất, sử dụng dịch vụ ngân hàng sau Tết nên mức độ ảnh hưởng thế nào tới hoạt động cho vay của ngân hàng ở từng lĩnh vực giao thông, vận tải, nông nghiệp, dịch vụ, thương mại… chưa thể có số liệu cụ thể.
“Ngành ngân hàng chủ động xác định dư nợ ước tính chịu ảnh hưởng, nhưng đánh giá thiệt hại cụ thể là chưa xác định được. Chúng ta cần hết sức bình tĩnh đánh giá, xác định thực tế thiệt hại trên cơ sở đó mới đề xuất giải pháp”, lãnh đạo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế nói.
Về phía các ngân hàng thương mại, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho biết, ảnh hưởng của dịch cúm Covid-19 là có, nhưng chưa đến mức quá nghiêm trọng.
Điều quan trọng nhất là đánh giá tổng thể ảnh hưởng như thế nào, sâu sắc ra sao, thời gian ngắn hay dài, tổn thương đến những nhóm doanh nghiệp gì… nên chưa thể có ngay thông tin.
Ông Tùng chia sẻ, trong một tháng vừa qua, cửa hàng vắng khách vài ngày thì không thể nói là tổn thương trong hoạt động, mà chỉ là cũng chịu ảnh hưởng.
Cần phải chờ thống kê doanh nghiệp bị ảnh hưởng, còn ngân hàng sẽ chuẩn bị trước các giải pháp để tình hình xấu hơn bắt đầu triển khai như khoanh nợ, giãn nợ…
“Tình hình trong nước và thế giới hiện nay đang có những thông tin tích cực hơn nên tôi cho rằng, sẽ không có vấn đề nghiêm trọng đối với nền kinh tế thời gian tới”, ông Tùng nói.
Ngân hàng nhà nước sẵn sàng các phương án linh hoạt
Thực tế giao dịch trên thị trường cho thấy, thanh khoản trên thị trường khá dồi dào, NHNN thậm chí còn đang hút tiền về. Trong tuần từ 10 - 14/2/2020, NHNN đã thực hiện hút ròng 25.000 tỷ đồng qua thị trường mở.
Cụ thể, NHNN đã phát hành mới 25.000 tỷ đồng tín phiếu mới (kỳ hạn 91 ngày với mức lãi suất duy trì ở mức 2,65%) và không có lượng tín phiếu đáo hạn nào. Số dư tín phiếu NHNN hiện đã ở mức trên 100.000 tỷ đồng.
Trên kênh OMO, NHNN tiếp tục không thực hiện hoạt động phát hành mới và không có lượng đáo hạn nào.
“Tăng cường thực hiện hút ròng tiền, mục tiêu của NHNN là kiểm soát cung tiền trong bối cảnh lạm phát đang dần tăng cao trở lại”, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB nhận định.
Cũng trong tuần, lãi suất liên ngân hàng giảm nhẹ ở cả 3 kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần. Cụ thể, lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần giảm lần lượt 0,3%/năm; 0,2%/năm và 0,3%/năm xuống tương ứng 2%/năm; 2,3%/năm và 2,32%/năm.
Trạng thái dư thừa thanh khoản tiếp tục khiến lãi suất liên ngân hàng giảm sâu.
Trong cuộc trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, các lãnh đạo ngân hàng đều cho biết, tiền nhàn rỗi trong dân cư có thừa và dòng tiền gửi tiết kiệm vào ngân hàng khá thoải mái nên chính sách tiền tệ không phải giảm hay bơm tiền, mà thậm chí phải siết lại.
“Ngân hàng tôi thậm chí còn có ý định giảm lãi suất huy động. Lãi suất huy động giảm thì giá vốn sẽ thấp, nên lãi suất đầu ra thấp, theo đó lãi suất cho vay sẽ hạ. 1-2 tuần tới, nếu tình hình vẫn ổn định như hiện nay, chắc chắn ngân hàng sẽ hạ lãi suất”, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần nói.
Ngoài tìm hiểu về câu hỏi có nên nới lỏng tiền tệ mạnh hơn không, Báo Đầu tư Chứng khoán cũng đặt câu hỏi về việc liệu Việt Nam có cần một gói kích thích như bơm tiền thêm vào nền kinh tế.
Vị lãnh đạo cao cấp trong lĩnh vực ngân hàng cho rằng, cũng giống như câu chuyện có hay không nới lỏng tiền tệ bằng cách hạ lãi suất, việc bơm thêm tiền vào nền kinh tế hay thường gọi là gói kích thích, cũng tương tự việc kê thuốc bổ của bác sỹ.
Đầu tiên phải xác định thể trạng của người khám bệnh có thực sự cần thuốc bổ hay không đã, nếu cần thì cũng phải đảm bảo đúng liều lượng.
Nền kinh tế cần phải được đánh giá toàn diện bằng dữ liệu, từ đó mới xác định có cần gói kích cầu hay không và nếu có thì là bao nhiêu. Những quyết sách lớn như nới lỏng tiền tệ hay kích cầu đều có tác động lâu dài, không thể nhìn một vài hiện tượng mà ra quyết định ngay được.