VietCredit được cho là sẽ khó hoàn thành kế hoạch tăng trưởng tín dụng thẻ vay 110% trong năm nay.

VietCredit được cho là sẽ khó hoàn thành kế hoạch tăng trưởng tín dụng thẻ vay 110% trong năm nay.

Cầu tín dụng tiêu dùng khó tránh sụt giảm mùa dịch

(ĐTCK) Trong khi các ngân hàng khó đẩy mạnh vốn cho vay sản xuất - kinh doanh, thì tín dụng tiêu dùng cũng đang có dấu hiệu giảm do cùng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tín dụng trong 2 tháng đầu năm chỉ tăng 0,06%, trong khi cùng kỳ năm trước tăng 1%.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng cho hay, phần lớn dư nợ vào các ngành đều giảm, trong đó chủ yếu giảm tại các lĩnh vực dịch vụ, thương mại, du lịch, vận tải. Một số lĩnh vực sản xuất ghi nhận tăng nhờ còn nguyên liệu sản xuất dự trữ, nhưng khi hết thì cũng khó tránh sự sụt giảm.

Trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, lãnh đạo nhiều ngân hàng cũng cho hay, cầu tín dụng đang có chiều hướng giảm. Ngân hàng đang chờ Thông tư hướng dẫn của NHNN để cơ cấu lại nợ cho khách hàng bị ản hưởng bởi dịch Covid-19, đồng thời đẩy mạnh vốn giá rẻ ra thị trường để kích cung.

Thế nhưng, theo tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại TP.HCM, trong bối cảnh hiện nay, để đẩy mạnh cho vay là điều không dễ dàng, dù ngân hàng đã giảm lãi suất đầu ra.

Ông Phan Ðức Tú, Chủ tịch HÐQT BIDV cũng cho biết, huy động vốn và dư nợ cho vay của Ngân hàng đến hết tháng 2/2020 lần lượt giảm 1,6% và gần 2% do ảnh hưởng “kép” của tính thời vụ và dịch bệnh.

BIDV sẽ cân nhắc điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận năm 2020 nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục bất lợi đến hết tháng 3.

Thực tế, không chỉ hoạt động tín dụng của ngân hàng gặp khó, tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính cũng không mấy tích cực bởi mùa cao điểm tiêu dùng dịp Tết đã qua, nay còn thêm tác động từ dịch bệnh.

Phó tổng giám đốc một công ty tài chính chia sẻ, dư nợ cho vay của công ty trong 3 tháng đầu năm sẽ khó tránh sự sụt giảm, thậm chí có thể ảm đạm hơn trong tháng 4 nếu dịch bệnh chưa sớm được khống chế.

Hiện tại, nhiều công ty tài chính như FE Credit, Home Credit, HD Saison, VietCredit... đều đang nỗ lực đẩy mạnh cho vay tín chấp với kỳ vọng hoạt động tín dụng tiêu dùng sẽ khả quan hơn trong những tháng tới.

Ðược biết, VietCredit đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng thẻ vay năm 2020 là 110%, sau đó giảm mạnh trong 3 năm tới, cụ thể là giảm về mức 45% năm 2021, 30% năm 2022 và 25% năm 2023.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khả năng hoàn thành kế hoạch năm 2020 là không dễ.

Thêm vào đó, quy định mới về cho vay tiêu dùng cũng là yếu tố tác động không nhỏ lên hoạt động này.

Theo Thông tư 18/2019/NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 43/2016/TT-NHNN về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính có hiệu lực từ 1/1/2020, các công ty tài chính chỉ được giải ngân trực tiếp cho khách hàng không có nợ xấu theo báo cáo quan hệ tín dụng tra cứu tại Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) tại thời điểm gần nhất so với thời điểm ký kết hợp đồng cho vay.

Tỷ lệ giải ngân trực tiếp bằng tiền mặt tại các công ty tài chính cũng sẽ giảm mạnh theo lộ trình, từ 70% hiện nay xuống 30% vào năm 2024. Cụ thể, từ ngày 1/1/2021 đến ngày 31/12/2021 là 70%; từ ngày 1/1/2022 đến ngày 31/12/2022 là 60%; từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2023 là 50%; từ ngày 1/1/2024 là 30%.

Quy định mới còn điều chỉnh hoạt động thu hồi nợ khi quy định rõ thời gian, số lần, đối tượng nhắc nợ.

Theo đó, công ty tài chính chỉ được nhắc nợ đối với chủ nợ, thay vì thông tin đến cả những người liên quan tới cá nhân vay nợ như thời gian qua.

Một điểm đáng chú ý nữa tại Thông tư 18 là yêu cầu công khai, minh bạch hoạt động của các công ty tài chính, đặc biệt liên quan tới lãi suất, các loại phí, hồ sơ vay vốn, phương pháp tính lãi….

Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng Bùi Quang Tín, trong bối cảnh hiện tại, cầu vốn tiêu dùng giảm là khó tránh, nhưng để đảm bảo hoạt động cho vay tiêu dùng lành mạnh, hiệu quả hơn thì việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động này là cần thiết. 

Tin bài liên quan