TS. Andreas Stoffers

TS. Andreas Stoffers

Tái cấu trúc ngân hàng: Không chỉ là sáp nhập

(ĐTCK-online) "Các biện pháp có thể được thực hiện để giải cứu những ngân hàng gặp rắc rối thường là sáp nhập, tái cơ cấu… Tuy nhiên, nếu không thiết lập một hệ thống minh bạch, mọi thay đổi trong hệ thống ngân hàng đều trở nên vô giá trị".

Đó là một trong những quan điểm của TS. Andreas Stoffers, thành viên HĐQT Hiệp hội Doanh nghiệp Đức (GBA), trong cuộc phỏng vấn với ĐTCK về chủ đề tái cấu trúc.

 

Tái cấu trúc ngân hàng: cấp bách

Theo ông, ở Việt Nam, việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng có thực sự cần thiết?

Quá nhiều ngân hàng được thành lập trong những năm qua mà không có nguồn tài chính và trình độ quản lý tốt. Thực tế đó dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các ngân hàng và làm tăng trưởng nóng tài sản của các ngân hàng, nhưng lại thiếu chất lượng bền vững. Các ngân hàng đôi khi quá nhỏ và đôi lúc - thậm chí cả những ngân hàng lớn (thuộc tư nhân hay có vốn Nhà nước) - quá yếu để đóng góp hợp lý đối với việc cấp vốn cho nền kinh tế. Hơn thế nữa, các tổ chức tín dụng ngày càng khó khăn trong việc thu hút thanh khoản và sự thiếu thanh khoản đang trở thành thách thức đặc biệt. Cùng với đó là sự giám sát chưa thực sự chặt chẽ của cơ quan quản lý và quy định yếu khiến cho rủi ro đối với khách hàng và toàn nền kinh tế ngày càng lớn.

Ngoài ra, đồng Việt Nam đang chịu nhiều áp lực, trong đó một phần phản ánh sự thiếu niềm tin của công chúng. Trong tháng 10, USD ngoài thị trường tự do được giao dịch cao hơn nhiều so với thị trường chính thức, tiền đồng mất giá 0,62% so với đồng USD. Trên thị trường liên ngân hàng thì sự mất giá này thậm chí còn cao hơn (1,72%). Nhờ có sự can thiệp của NHNN nên áp lực này đã giảm xuống một chút vào cuối tháng 10. Tuy nhiên, tình hình lạm phát cao hiện nay, nếu không được kiềm chế tốt, vẫn sẽ là một rủi ro đối với việc mất giá hơn nữa của tiền đồng Việt Nam và là một nguy cơ đối với ngành ngân hàng, khiến cho việc tái cấu trúc càng trở nên cần thiết.

Hơn thế nữa, nợ xấu - hậu quả của sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các ngân hàng trong việc gia tăng các khoản vay trong những năm vừa qua - tiếp tục là một thách thức lớn cho ngành ngân hàng hiện nay. So sánh với năm 2010, một số ngân hàng rõ ràng đã có tỷ lệ nợ xấu tăng cao hơn. Lý do có thể vì nhiều ngân hàng có khả năng quản trị yếu, đặc biệt trong quản trị rủi ro. Mặc dù một số ngân hàng đã bắt đầu thiết lập bộ phận quản lý rủi ro, nhưng đôi khi, họ chỉ tập trung vào xây dựng khuôn khổ trong khi khả năng triển khai lại chưa được tăng cường. Những thông tin gần đây về một số vụ lừa đảo tại một số ngân hàng là những ví dụ cho việc quản lý rủi ro yếu, đó là một thách thức lớn cho ngành ngân hàng.

Tóm lại, cần thiết phải cơ cấu lại các ngân hàng và ngành ngân hàng để tạo ra một đối tác hiệu quả, mạnh mẽ, có tiềm lực trên con đường tăng trưởng kinh tế.

 

Việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thường được tiến hành với những mức độ khác nhau, tự ngân hàng tái cấu trúc, sáp nhập, mua bán... Tại Việt Nam, quá trình tái cấu trúc nên ở mức độ nào để hệ thống ngân hàng đi vào ổn định?

Một số ngân hàng Việt Nam hiện nay có nguồn vốn thấp, một số ngân hàng khác lại chỉ hoạt động trong một vài phân khúc nhất định trên thị trường. Tất nhiên, hoạt động trong lĩnh vực phù hợp với mình không có gì là sai nhưng trong trường hợp ngân hàng không có khả năng tài chính lành mạnh, thì việc tái cơ cấu là cần thiết, phải được thực hiện một cách tự nguyện và đặt dưới sự giám sát của các cơ quan quản lý có thẩm quyền. Đồng thời, trong một số trường hợp thì quy mô vốn cũng là một vấn đề đáng lưu ý. Nhiều ngân hàng đã thành công trong việc đạt tới mức giới hạn vốn tối thiểu của NHNN là 3.000 tỷ đồng, thậm chí còn có phần vượt quá chỉ tiêu. Tuy nhiên, vẫn còn một số không nhỏ các ngân hàng chưa thể đạt đủ yêu cầu mặc dù hạn đạt vốn tối thiểu đã sắp tới. Quá trình tái cấu trúc chỉ có thể bắt đầu khi đã chắc chắn về sự minh bạch của các ngân hàng trên thị trường. Các ngân hàng được xác định là có thanh khoản kém nên sáp nhập với những ngân hàng khác để hoạt động có hiệu quả tốt hơn. Hơn nữa, các quy tắc và quy định hành chính cần được thực thi tốt hơn bởi các cơ quan có thẩm quyền.

 

3 bước tái cấu trúc hiệu quả

Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng nên bắt đầu từ đâu?

Không chỉ bản thân các ngân hàng nên được cơ cấu lại mà trên thực tế, toàn bộ hệ thống ngân hàng cũng cần được tái cơ cấu.

Thứ nhất, cần thiết tăng cường vai trò của NHNN. Thời gian trước, một số cố gắng của NHNN trong việc thực hiện trần lãi suất đã bị suy yếu một phần bởi các ngân hàng. Tuy nhiên, chúng tôi quan sát thấy, Thống đốc mới của NHNN đã có những hành động tích cực, cam kết một sự thay đổi trong tư duy NHNN và đã được thực hiện trong thực tế. Vì vậy, những nỗ lực có giá trị này cần được hỗ trợ... Điều quan trọng là NHNN phải là một tổ chức minh bạch, độc lập, mạnh mẽ để phục vụ thị trường và nền kinh tế quốc gia.

Thứ hai, cần củng cố và giám sát thực hiện những quy định, tiêu chuẩn về các yêu cầu tối thiểu đối với lãnh đạo một ngân hàng khi ở vị trí quản lý cấp cao.

Thứ ba, tạo sự minh bạch trong hệ thống ngân hàng là điểm cốt lõi để bắt đầu cơ cấu lại. Hiện nay, không phải lúc nào cũng có các thông tin minh bạch về các ngân hàng yếu trong khi thị trường có quyền được biết ngân hàng nào đang gặp khó khăn và ngân hàng nào không. Tiếp sau đó, các biện pháp có thể được thực hiện để giải cứu những ngân hàng gặp rắc rối là sáp nhập, tái cơ cấu… Tuy nhiên, nếu không thiết lập một hệ thống minh bạch, mọi thay đổi trong hệ thống ngân hàng đều trở nên vô giá trị. Tóm lại, một mặt NHNN cần được độc lập, mạnh mẽ và mặt khác toàn bộ hệ thống ngân hàng cần được vận hành một cách minh bạch.

 

Việt Nam nên áp dụng các thông lệ quốc tế trong việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng như thế nào?

Do những thách thức từ tình hình kinh tế vĩ mô, ngành tài chính ngân hàng đã và đang bị lệ thuộc quá nhiều vào một số chính sách hạn chế, điều này gây ra những ảnh hưởng không mấy tích cực tới hoạt động của ngành. Một ví dụ điển hình là hạn chế mức tăng trưởng tín dụng, mặc dù mức hạn chế như vậy là tương đối phù hợp trong bối cảnh lạm phát cao. Tuy nhiên, việc áp dụng cùng một mức giới hạn tăng trưởng tín dụng đối với tất cả các tổ chức hiện nay chỉ có lợi đối với các tổ chức có quy mô lớn mà gây bất lợi cho tổ chức có quy mô nhỏ. Rất nhiều ngân hàng nước ngoài đưa vốn vào Việt Nam cuối năm 2010 để thực hiện theo quy định mới về vốn tối thiểu, nhưng quy định này đã hạn chế khả năng sử dụng vốn một cách hiệu quả. Quy định về phân bổ tăng trưởng tín dụng trong tương lai nên phụ thuộc vào năng lực quản lý và mức độ lành mạnh về tài chính của ngân hàng.

Một điểm khác cần chú ý là nên cho phép các ngân hàng Việt Nam giới thiệu những khoản đầu tư mới đến khách hàng. Sản phẩm đầu tư tốt, theo tiêu chuẩn quốc tế, có thể ngăn người gửi tiết kiệm rút tiền từ trong hệ thống ngân hàng chuyển sang các hình thức phân bố tài sản khác rủi ro và bất hợp pháp. Hiện nay, những loại hình đầu tư này vẫn còn thiếu trên thị trường Việt Nam. Và việc giới thiệu chúng đến với khách hàng sẽ là một bước nhảy vọt đáng kể trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Như vậy, các ngân hàng có thể thu hút và giữ chân khách hàng cũng như đa dạng hóa doanh thu của họ nhờ các khoản thu từ phí tăng thêm.

Bên cạnh đó, những kinh nghiệm đã được tích lũy trong môi trường quốc tế sẽ giúp Việt Nam rất nhiều trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Đội ngũ tư vấn nước ngoài cũng như là các nhà đầu tư, đặc biệt là các ngân hàng có thể hỗ trợ rất nhiều trong quá trình thực hiện những ý tưởng mới, sản phẩm phù hợp, quy trình và quy định có hiệu quả và mang tầm quốc tế. Học hỏi không bao giờ là thừa. GBA sẵn sàng hỗ trợ cũng như giới thiệu các kinh nghiệm của Đức trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.