Tái cấu trúc nền kinh tế: Nhiệm vụ cần làm ngay

Tái cấu trúc nền kinh tế: Nhiệm vụ cần làm ngay

(ĐTCK-online) Trong cuộc trao đổi với ĐTCK, PGS, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, để kiềm chế lạm phát và tái lập ổn định vĩ mô vững chắc, Chính phủ cần xử lý vấn đề quan trọng nhất của nền kinh tế Việt Nam trong trung, dài hạn là cấu trúc lại nền kinh tế. Hồng Dung thực hiện.

Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng phải tái cấu trúc lại nền kinh tế. Vậy phải hiểu vấn đề đó thế nào?

Một điều rõ ràng là nền kinh tế đang mất cân đối nghiêm trọng. Sự mất cân đối này bắt nguồn từ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, dựa quá nhiều vào vốn đầu tư, trong khi hiệu quả lại thấp. Thế nên, càng tăng trưởng, sức ép lạm phát càng lớn và các mất cân đối càng nghiêm trọng. Vì vậy, phải tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng để giải quyết tận gốc những căn bệnh của nền kinh tế như lạm phát, nhập siêu... Hiện nay, kinh tế thế giới cũng đang trong quá trình tái cấu trúc, nên chúng ta lại càng phải cấu trúc lại nền kinh tế nếu muốn hội nhập với kinh tế thế giới.

Một ví dụ là năm 1986, khi lạm phát lên rất cao, bất ổn vĩ mô đặc biệt nghiêm trọng cũng là lúc các mất cân đối lộ ra và đó là cơ hội để giải quyết các vấn đề. Giải quyết vấn đề căn bản và triệt để bằng cách đổi mới thực chất là tái cấu trúc nền kinh tế.

Mấy năm qua, lạm phát cứ lặp đi lặp lại, có yếu tố khách quan song chủ yếu là do chúng ta chưa thực sự bắt tay tái cấu trúc nền kinh tế mà chỉ lo đối phó ngắn hạn. Cứ chống lạm phát ngắn hạn, giữ nguyên cơ cấu thì không thể giải quyết triệt để lạm phát trong dài hạn. Nguồn lực cũng như dư địa chính sách để chống lạm phát ngày càng ít đi và bị thu hẹp. Sức khỏe của doanh nghiệp ngày càng giảm, sức của dân cũng giảm đi nhiều. Trong Hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam vừa rồi, các nhà tài trợ đã khuyến cáo, nếu chúng ta không cẩn thận, những thành tích xóa đói giảm nghèo sẽ bị tình trạng lạm phát kéo dài làm xói mòn, triệt tiêu.

 

Vậy theo ông, để tái cấu trúc nền kinh tế, cần thực hiện các công việc gì?

Thứ nhất, thay đổi hệ thống chi tiêu ngân sách. Thứ hai, tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng. Không thể để tình trạng một nền kinh tế Việt Nam còn nhỏ bé mà có rất nhiều ngân hàng - to nhỏ, mạnh yếu đủ cả, gây rủi ro rất lớn. Thứ ba, ưu tiên phát triển thị trường đất đai và bất động sản. Thứ tư, thay đổi hệ thống khuyến khích lao động trả lương trong khu vực nhà nước, một nhiệm vụ theo tôi thậm chí còn ưu tiên trước cả việc tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp nhà nước. Thứ năm, khẩn trương tái cơ cấu hệ thống phân quyền, phân cấp quản lý trung ương - địa phương.

 

Đầu tư dàn trải, kém hiệu quả có phải chủ yếu do đầu tư công và vì thế, trong tái cơ cấu kinh tế, cần chú trọng giảm dần lĩnh vực đầu tư này?

Đúng là như vậy. Việc tập trung cắt giảm chi tiêu công có ý nghĩa quyết định trong thời điểm hiện nay. Để lạm phát giảm xuống, chi tiêu ngân sách, đặc biệt là đầu tư công phải giảm xuống, bù lại bằng cách phải hiệu quả hơn, giúp cho nền kinh tế vẫn tăng trưởng bình thường, tạo việc làm thực mà không gây hệ quả lạm phát.

 

Nhưng quan điểm của chúng ta là "Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo", thưa ông?

Cần tổng kết vai trò chủ đạo của DNNN thực sự thế nào? Chức năng chủ đạo cụ thể là gì? Khu vực nhà nước đã làm được những gì để thực hiện những chức năng đó và chứng tỏ được vai trò chủ đạo? Cái gì thuộc chức năng chủ đạo mà chưa làm được? Vì sao? Bây giờ nếu phát huy thì phát huy cái gì để chủ đạo tốt hơn? Nếu không có một sự tổng kết, đánh giá một cách nghiêm túc thì sẽ câu chuyện chủ đạo vẫn mông lung, không cụ thể, thiếu rõ ràng. Khi đó, không thể có chuyện cải thiện vấn đề một cách thực sự, có lợi cho việc phát huy vai trò chủ đạo được.

Công bằng mà nói, các doanh nghiệp nhà nước cũng đã làm một số việc rất quan trọng tại một số thời điểm rất quan trọng. Nhưng liệu khối doanh nghiệp nhà nước đã thực sự hoàn thành tốt các chức năng của vai trò chủ đạo trong nền kinh tế hay chưa lại là một chuyện khác.

 

Vậy theo ông, đâu là điểm mấu chốt để giải quyết bài toán ổn định kinh tế vĩ mô?

Nói đến ổn định vĩ mô là phải nhìn đến những giải pháp cơ bản giải quyết không phải chỉ trong một năm mà phải tái lập mục tiêu để cân đối dài hạn, nghĩa là gắn với một quá trình tái cơ cấu, ví dụ như trong hệ thống phân bổ nguồn lực. Hiện có ý kiến cho rằng, kinh tế Việt Nam đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất với một số chỉ số cơ bản khá lạc quan. Tuy nhiên, tôi cho rằng, sau mấy năm bất ổn, lạm phát cao, nền kinh tế đã bị suy yếu nghiêm trọng. Nợ công lớn, lãi suất cho vay đang rất cao, lạm phát vẫn cao, nhập siêu vẫn lớn...