Chứng khoán Mỹ bị đẩy lùi - Ảnh: AP

Chứng khoán Mỹ bị đẩy lùi - Ảnh: AP

Thất nghiệp tăng cao, đẩy lui chứng khoán Mỹ

Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu bất ngờ tăng lên mức cao nhất trong 3 tháng, doanh số bán lẻ tháng 7 không như kỳ vọng, đã khiến sự lạc quan trên thị trường giảm bớt, đẩy lùi đà tăng của các chỉ số chứng khoán Mỹ.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 5/8, chỉ số công nghiệp Dow Jones hạ 5,45, tương ứng 0,05%, xuống 10.674,98 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,43 điểm, tương ứng 0,13%, xuống 1.125,81 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 10,51 điểm, tương ứng 0,46%, xuống 2.293,06 điểm.

 

Thị trường mất đi sự lạc quan trong phiên trước, sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần trước, tăng thêm 19.000 người, lên 479.000 người, cao nhất trong 3 tháng qua, vượt quá con số 460.000 người tuần trước nữa và mức dự báo 455.000 của giới phân tích.

 

Báo cáo này được đưa ra ngay trước thềm công bố số liệu việc làm tháng 7 của Bộ Lao động nước này, khiến nhà đầu tư trở nên thận trọng, bất kể trong phiên liền trước, thị trường nhận được sự hỗ trợ từ hãng dịch vụ việc làm ADP khi cho biết khu vực tư nhân đã tuyển mới 42.000 lao động trong tháng 7.

 

Theo khảo sát của hãng tin Reuters, báo cáo việc làm tháng 7 của Bộ Lao động Mỹ có thể cho thấy số lao động trong lĩnh vực phi nông nghiệp có thể giảm 65.000 người, trong khi khối doanh nghiệp tư nhân có khả năng đã tuyển mới thêm 90.000 việc làm. Ngoài ra, cũng có đồn đoán rằng, tỷ lệ thất nghiệp tháng 7 sẽ tăng lên 9,6%.

 

Một yếu tố khác cũng kéo lùi đà tăng điểm của các chỉ số chứng khoán Mỹ phiên giao dịch 5/8 là xu thế tiêu dùng của người dân, khi Reuters công bố doanh số bán lẻ tháng 7 (dựa trên kết quả khảo sát 28 hãng bán lẻ) chỉ tăng 2,9%, thấp hơn mức kỳ vọng 3,1% của giới phân tích.

 

Bên cạnh những yếu tố tác động từ khu vực kinh tế, giới đầu tư cũng thận trọng hơn trước khả năng phục hồi của chỉ số S&P 500. Kể từ ngày 2/7 tới nay, chỉ số này đã tăng được 10%. Tuy nhiên, theo các biểu đồ phân tích kỹ thuật, khả năng duy trì lâu dài đà phục hồi của chỉ số này rất thấp.

 

Khối lượng giao dịch trên ba sàn New York, American và Nasdaq chỉ đạt 6,47 tỷ cổ phiếu, thấp hơn mức 7,3 tỷ cổ phiếu trong phiên trước, và thấp hơn nhiều so với mức trung bình hàng ngày năm ngoái 9,65 tỷ cổ phiếu. Số cổ phiếu giảm điểm nhiều hơn số tăng điểm với tỷ lệ 17:13 tại sàn New York, trong khi ở sàn Nasdaq, cứ 2 cổ phiếu giảm điểm thì có 1 cổ phiếu tăng điểm.

 

Các thị trường châu Âu tiếp tục có sự xáo trộn giữa tăng và giảm điểm. Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm nhẹ 20,38 điểm, tương ứng 0,38%, xuống 5.365,78 điểm. Trong khi, chỉ số CAC 40 của Pháp tăng 3,47 điểm, tương ứng 0,09%, lên 3.764,19 điểm. Chỉ số DAX của Đức cộng 2,25 điểm, tương ứng 0,04%, lên 6.333,58 điểm.

 

Mặc dù lạc quan với việc Toyota nâng dự báo lợi nhuận cả năm, các chỉ số dịch vụ và việc làm tại Mỹ có tín hiệu tích cực, song các thị trường châu Á vẫn cho kết quả đan xen khi kết thúc phiên giao dịch 5/8. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 1,73%, Straits Times của Singapore tăng 0,18%, Hang Seng của Hồng Kông tăng 0,01%. Trong khi, Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 0,67%, Kospi của Hàn Quốc hạ 0,3%.

Thất nghiệp tăng cao, đẩy lui chứng khoán Mỹ ảnh 1