Hầu hết các nhà sản xuất cà phê tại Buôn Mê Thuột khá lạ lẫm với giao dịch kỳ hạn

Hầu hết các nhà sản xuất cà phê tại Buôn Mê Thuột khá lạ lẫm với giao dịch kỳ hạn

Cơ chế hoạt động của BCEC: “Chiếc áo” quá chật?

(ĐTCK-online) Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuật (BCEC) vừa tổ chức đánh giá sơ kết tình hình hoạt động thí điểm giao dịch cà phê kỳ hạn từ ngày khai trương đến giữa tháng 6/2011. Theo BCEC, bên cạnh một số điểm sáng, cơ chế hoạt động của Trung tâm đã nổi lên nhiều vấn đề khiến giao dịch ngày càng trầm lắng.

Theo thống kê của BCEC, trong ba tháng đầu tiên triển khai thí điểm giao dịch cà phê kỳ hạn, tổng giá trị giao dịch đạt gần 250 tỷ đồng, trung bình 5 tỷ đồng/phiên. Tổng số lượng khớp lệnh trên sàn là 1.274 lô (một lô tương ứng với 2 tấn). Trong 45 phiên giao dịch đầu tiên, trung bình mỗi phiên giao dịch chỉ có 56,5 tấn cà phê được giao dịch qua sàn (khối lượng giao hàng tối thiểu theo quy định hiện nay của BCEC là 18 tấn). Trong thời gian hoạt động thí điểm, BCEC đã chính thức huỷ bỏ niêm yết các hợp đồng: tháng 4/2011, tháng 5/2011 và tháng 6/2011 trên sàn giao dịch BCEC. Tất cả các trạng thái mở của những hợp đồng trên đều được tất toán vào cuối phiên giao dịch của ngày giao dịch cuối cùng trong tháng và không phát sinh hoạt động giao nhận hàng, cũng như có bất kỳ trạng thái mở nào rơi vào mức bị xử lý theo quy định của BCEC.

Trong số các điểm sáng tích cực, BCEC đánh giá, người sản xuất từng bước làm quen với hoạt động mua bán qua sàn giao dịch của Trung tâm. Đội ngũ cán bộ làm việc tại BCEC từng bước nâng cao hiểu biết về công tác quản lý hoạt động sàn giao dịch cà phê thông qua công tác đào tạo, học tập kinh nghiệm sàn giao dịch của các quốc gia khác. Tuy nhiên, theo BCEC, vấn đề nổi cộm nhất của hoạt động giao dịch khớp lệnh là tính thanh khoản. Tại Trung tâm, thời gian qua, các thành viên môi giới tự lập nên thị trường ban đầu để khuyến khích khách hàng tham gia. Tuy nhiên, hầu hết các các thành viên môi giới vẫn chưa đủ năng lực tài chính, điều này dẫn đến tâm lý mất niềm tin khiến các đối tượng tham gia giao dịch giảm nhiệt tình dần do trên sàn không có lệnh đối ứng để khớp. Điều này cho thấy sự cần thiết phải có nhà tạo lập thị trường mới nhằm tạo ra sự mua bán sôi động hơn (có người bán thì phải có người mua và ngược lại). Từ đó, thanh khoản của thị trường mới tăng lên, mới có thể thu hút các thành viên tham gia bảo hiểm và đầu tư. Đây vẫn là vấn đề khó khăn nhất với BCEC.

Trao đổi với ĐTCK, ông Võ Thanh Châu, Phó tổng Giám đốc BCEC cho biết, một trong các khó khăn khiến hoạt động của sàn giao dịch cà phê chưa sôi động là sự bất cập về cơ chế và khả năng tài chính eo hẹp. Theo ông Châu, BCEC đang đưa vào khai thác hợp đồng giao ngay và giao sau. Để có thể thu hút được các nhà sản xuất tham gia giao ngay thì hệ thống cơ sở vật chất của Trung tâm phải đồng bộ và sẵn sàng. Tuy nhiên, về mô hình, hiện nay BCEC hoạt động phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách, nên việc đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ và có chiều sâu chưa thể thực hiện được. Cũng do hoạt động phụ thuộc vào ngân sách nhà nước nên BCEC khó có điều kiện tuyển dụng các nhân sự giỏi, am tường lĩnh vực tài chính phái sinh. Chưa thể làm tốt công tác tuyên truyền và xây dựng cơ sở vật chất tương xứng với hoạt động, nên các nhà sản xuất giam gia các hợp đồng giao ngay qua Trung tâm còn thưa thớt. Đương nhiên, khi hoạt động giao dịch hàng hóa thật sự còn kém sôi động thì cũng khó lòng thu hút được nhóm nhà sản xuất có nhu cầu bảo hiểm giá, nhóm nhà đầu tư tài chính… tham gia hợp đồng kỳ hạn. Bên cạnh các khó khăn khách quan này, theo ông Châu, khái niệm các công cụ giao dịch phái sinh còn quá mới mẻ với đại đa số các nhà sản xuất cà phê tại Buôn Mê Thuột. Tháo gỡ sự bế tắc này chỉ có cách tuyên truyền, quảng bá, nhưng công việc cũng không thể thực hiện trong ngày một, ngày hai.

Trong báo cáo 6 tháng đầu năm, BCEC đã đề ra một nhóm kiến nghị trong thời gian tới. Về hành lang pháp lý, cơ quan này kiến nghị Bộ Công Thương cần sớm ban hành hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, cơ chế hoạt động của nhà tạo lập thị trường và mối quan hệ giữa nhà tạo lập thị trường với Sở giao dịch hàng hoá. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ cho phép các CTCK được phép giao dịch trên Sở Giao dịch hàng hoá, nhằm tạo nguồn vốn vào thị trường và làm tăng tính thanh khoản trên thị trường hàng hóa kỳ hạn. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương nên đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm ban hành quy định hướng dẫn hoạt động của trung tâm thanh toán bù trừ các giao dịch qua Sở giao dịch hàng hoá. Đồng thời, Bộ Công Thương có thể chủ trì, cùng các cơ quan có thẩm quyền xây dựng chính sách khuyến khích các DN kinh doanh cà phê tham gia thị trường, chẳng hạn như chính sách thuế, tài chính, phí, lệ phí...

Ông Châu cho biết, hiện tại BCEC đã hoàn thiện phương án chuyển đổi hoạt động Trung tâm theo mô hình công ty cổ phần. Mô hình mới được kỳ vọng sẽ khắc phục các hạn chế hiện nay. Tuy nhiên, chắc chắn việc chuyển đổi đòi hỏi khá nhiều thời gian. Trước mắt, trung tâm này vẫn phải đối mặt với thách thức từ mô hình hoạt động đang có nhiều bất cập.