Ảnh: Dũng Minh

Ảnh: Dũng Minh

“Tác dụng phụ” của Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Covid-19 xuất hiện làm đảo lộn biết bao thói quen sinh hoạt, suy nghĩ, thái độ sống, nết ăn ở của mọi người.

1. Một trong những thay đổi thấy rõ nhất là ý thức vệ sinh và tự bảo vệ sức khỏe của từng người được nâng lên. Thói quen ít rửa tay hoặc rửa tay qua loa vốn có ở nhiều người giờ đã thay đổi. Việc đưa tay chạm vào bề mặt đồ vật rồi thoải mái chạm vào người, cọ vào mắt vào miệng… vốn có thói quen gần như vô thức cũng được cân nhắc để hạn chế hơn. Hay một số người vô ý khạc nhổ giờ phải đeo khẩu trang cũng tự kiềm chế thói quen đó.

Ngoài ra, phải kể đến người dân đã hình thành ý thức đeo khẩu trang khi ra đường, đến những nơi công cộng.

Trước đây, sau giờ làm việc, nhiều người, nhất là các đấng mày râu hay có thói quen bù khú bạn bè, lê la vỉa hè làm ly cà phê, hay mấy vại bia. Thói quen này vừa lãng phí thời gian, tiền bạc và cả sức khỏe. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã hạn chế phần nào thói quen này của nhiều người, kể cả đi bar, hát karaoke… Việc “lập hội” tán dóc trực tiếp với nhau của các “hội bà tám” cũng giảm hẳn.

Trong việc ăn uống, thói quen uống chung nhau ly bia, ly rượu, gắp thức ăn cho nhau, chấm chung chén chấm, uống xong thì bắt tay nhau… giờ cũng vắng hẳn, từ đây có thể tập dần một thói quen mới lịch sự hơn, vệ sinh hơn.

Thói quen hiếu kỳ, chen chân vào đám đông cũng giảm rõ rệt, vì hầu như ai cũng ý thức được rằng ở đám đông đó đầy rủi ro nhiễm bệnh. Hay ở các chỗ đông người, trong các không gian công cộng, việc “đi nhẹ nói khẽ” cũng được thể hiện nhiều hơn, không chỉ từ sự tự điều chỉnh, mà còn do… vướng cái khẩu trang!

“Tác dụng phụ” của Covid-19 ảnh 1

Ảnh: Dũng Minh

Trước đây, bữa cơm tối của gia đình hôm đủ, hôm thiếu thành viên. Người thì do bận công việc, người thì còn mải mê tụ tập quán xá, giao lưu với bạn bè... Mọi thứ cứ diễn ra như vậy hết ngày này đến ngày khác, khiến mọi người trong gia đình mất đi thói quen trò chuyện, chia sẻ với nhau.

Thế nhưng, từ khi thực hiện giãn cách, cách ly xã hội vì dịch Covid-19 đến nay, mọi thành viên đã "xích lại gần nhau" hơn. Tan giờ học, giờ làm việc là vợ chồng, con cái quây quần, chia sẻ việc nhà hay cùng tập thể dục, thể thao, vui chơi.

Không những vậy, dường như văn hóa giao thông cũng dần thay đổi theo hướng tích cực hơn nhờ dịch Covid-19. Vẫn những tuyến đường vậy, nhưng cảnh chen lấn, vội vàng đã ít hơn. Mọi người dường như có ý thức tuân thủ luật giao thông nhiều hơn. Thời gian giãn cách trước đây, lưu lượng giao thông tại Hà Nội giảm 60 - 80%, giúp chất lượng không khí được cải thiện đáng kể.

Nhưng kể cả khi giãn cách chấm dứt trở lại tới bây giờ, các chỉ số ô nhiễm môi trường ở Thủ đô cũng ở ngưỡng xanh, thông số bụi mịn PM 2.5 đều có xu hướng giảm so với trước đây. Điều này cho thấy, sự chuyển biến không chỉ đến từ giao thông, mà từ chính những thay đổi nhỏ của mỗi người.

Cũng cần nói thêm, với những chuyển biến phức tạp, dịch Covid-19 đã khiến đời sống của nhiều người bị đảo lộn, ảnh hưởng nặng nề nhất là về vấn đề tài chính. Do đó, thay vì đi du lịch, ăn uống sang trọng, mua sắm đồ hiệu…, nhiều người giãn cách xã hội vừa qua đã giúp nhiều người chuyển từ chuyện ăn ngoài sang tự nấu nướng, từ đó chi tiêu được giảm từ 20 - 40%.

2. Dịch bệnh từ lâu đã không còn là câu chuyện “của xã hội”, mà đã trở thành vấn đề “của mỗi cá nhân” và dịch bệnh Covid-19 có thể xem là phép thử tốt nhất cho ý thức của toàn xã hội. Khi mọi người dân đều có ý thức bảo vệ bản thân mình và chung tay gìn giữ cho cả cộng đồng, việc dập dịch chỉ còn là vấn đề thời gian.

Tất nhiên, phần nào đó những thay đổi vừa qua cũng có phần không nhỏ sự can thiệp của pháp luật, nhưng đó chỉ là một nhân tố. Quan trọng là nhận thức, dân trí và trình độ của con người đã có sự thay đổi rõ rệt. Ngay cả văn hóa ứng xử trên mạng xã hội cũng đã thay đổi rõ nét trong thời gian vừa qua khi những phát ngôn gây sốc, sai lệch đã dần bớt đi mà thay vào đó là những ứng xử chuẩn mực hơn trên không gian mạng.

“Tác dụng phụ” của Covid-19 ảnh 2

Ảnh: Dũng Minh

Nói một cách khác, nhiều người trong chúng ta, theo những cách nhỏ bé của mình, đã kết nối lại với một thứ vốn đang ngày càng mất đi trong cuộc sống hiện đại bận tối mắt tối mũi của chúng ta. Họ tự làm mọi thứ cho mình từ con số không, và nhận ra việc đó khiến cho họ cảm thấy mãn nguyện và viên mãn một cách sâu sắc đến mức nào.

Các cụ xưa sống trong chuẩn mực cụ thể: Công - Dung - Ngôn - Hạnh; Tu thân - Tề gia - Trị quốc - Bình thiên hạ… Có thể một số người chưa thực hiện được chuẩn mực này, nhưng ít nhất cũng đã có một chuẩn mực nhất định để cùng soi vào và mang tới những hiệu quả nhất định, ít nhất là đỡ phần nào gánh nặng cho việc hạn chế dịch bệnh lây lan mạnh mẽ.

Trong cuộc chiến chống dịch, thế giới bày tỏ sự ngưỡng mộ Việt Nam, một quốc gia tuy còn nhiều khó khăn, nhưng đã làm được nhiều điều không tưởng. Sức mạnh chính là sự đoàn kết, đặc biệt là ý thức cộng đồng, một người vì mọi người.

Và Covid-19 một lần nữa nhắc nhở mọi người cần thay đổi tư duy về lợi ích, hạnh phúc, mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng, cũng như cả những nguy cơ đe dọa cuộc sống của cá nhân mình để cùng nhau xây dựng nên một xã hội tốt đẹp hơn.

Tin bài liên quan