Làn sóng dịch Covid-19 thứ tư tấn công mạnh vào các vùng kinh tế trọng điểm, đặc biệt là Đông Nam Bộ và đang diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước, khiến nhà đầu tư lo ngại về triển vọng kinh tế nửa cuối năm.
Nói như nhà đầu tư Trần Văn Khoa thì đại dịch tác động tới thị trường trước mắt là vấn đề tâm lý, sau khi VN-Index đã trải qua giai đoạn tăng điểm ấn tượng từ đầu năm.
Những yếu tố kỳ vọng trong quý III/2021 trở nên xấu đi, kết quả kinh doanh các doanh nghiệp có thể suy giảm.
Thứ hai là những yếu tố kỳ vọng trong quý III/2021 trở nên xấu đi, kết quả kinh doanh các doanh nghiệp có thể suy giảm. Trong khi đó, kết quả kinh doanh tích cực nửa đầu năm đã được công bố gần hết nên thị trường có ít dư địa tăng trưởng, dòng tiền trở nên dè dặt hơn.
Đại dịch khiến triển vọng kinh tế vĩ mô trở nên kém lạc quan hơn. Trong đó, nhiều tổ chức uy tín như Ngân hàng Thế giới, ADB, Standard Chartered dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 từ 5,5 - 6,2%, thấp hơn khá nhiều so với dự báo trước đó.
Việc thu hút dòng vốn FDI cũng gặp thách thức khi dịch xuất hiện ở các địa phương có tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp ở mức cao như Bắc Ninh, Bắc Giang, TP.HCM, Bình Dương, Long An… Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong tháng 6 đã giảm xuống mức thấp nhất 1 năm, dự kiến chỉ có thể hồi phục khi dịch bệnh được kiểm soát.
Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán VietinBank cho rằng, nhóm ngân hàng - chiếm tỷ trọng lớn nhất trong VN30, đã bắt đầu chịu ảnh hưởng tiêu cực khi các khách hàng, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ đang trong tình thế khó khăn hơn rất nhiều so với năm 2020, khiến khả năng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu theo Thông tư 03/2021/TT-NHNN là khá cao.
Ngoài ra, với việc dư địa giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước không còn nhiều, hoạt động giảm lãi vay để hỗ trợ khách hàng sẽ khiến biên lợi nhuận (NIM) nhiều ngân hàng sụt giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận từ mảng tín dụng.
Về dòng tiền đầu tư, theo ông Trung, trong bối cảnh hoạt động sản xuất bị đình trệ, hai kênh đầu tư được ưa chuộng nhất vẫn sẽ là chứng khoán và bất động sản, với ưu thế là khả năng đạt được tỷ suất lợi nhuận cao, hành lang pháp lý rõ ràng và có tính thanh khoản.
Tuy nhiên, đợt dịch Covid-19 lần này được nhìn nhận sẽ có những tác động sâu rộng hơn tới nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán, không như những đợt dịch trước đây.
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng cao cấp Phòng Nghiên cứu và Phân tích Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định, ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 thứ tư lên tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong nửa cuối 2021 sẽ rõ rệt.
Bộ phận vĩ mô VCSC trong báo cáo gần nhất đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm nay từ 6,7% xuống 5,5%. Mặc dù vậy, đây chỉ là ảnh hưởng mang tính thời điểm và GDP được kỳ vọng tăng trưởng trên 6,5% trong 2 năm tiếp theo.
“Đối với thị trường chứng khoán, yếu tố ảnh hưởng đến dòng tiền vào thị trường không phải dịch bệnh, mà là kỳ vọng hay niềm tin vào xu hướng tăng trưởng của thị trường còn mạnh hay không”, ông Đức nói.
Thực tế, kỳ vọng hay niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chủ yếu dựa trên các yếu tố của nền kinh tế thực.
Tình hình dịch bệnh chưa có dấu hiệu hạ nhiệt làm dấy lên các mối lo ngại về quốc kế dân sinh và hoạt động kinh doanh của hàng loạt ngành nghề trong cả nước. Trong tình thế hiện tại, hầu như ngành nào cũng bị ảnh hưởng và sẽ dần tác động trực tiếp lên kết quả kinh doanh các doanh nghiệp.
“Đôi khi chúng ta tính toán P/E thị trường dựa trên dự báo lạc quan, doanh nghiệp sẽ tăng trưởng lợi nhuận lũy tiến theo quý, nhưng với tình hình dịch bệnh kéo dài thì buộc chúng ta phải tính toán lại những tác động lên doanh nghiệp trong các quý còn lại của năm 2021. Đó chính là điều mà nhà đầu tư lo ngại nhất và có thể ảnh hưởng đến dòng tiền đầu tư vào thị trường trong thời gian tới”, ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam chia sẻ góc nhìn.
Thị trường trong ngắn hạn, thậm chí kéo dài đến cuối năm, nếu không có cú huých mạnh mẽ, hay các chính sách kích cầu thì cổ phiếu trên sàn chứng khoán khó có thể quay lại xu hướng tăng như giai đoạn đầu năm.
Thị trường được dự báo sẽ có sự phân hóa mạnh, tức nhiều cổ phiếu giảm giá, dòng tiền chủ yếu tập trung vào một số nhóm ngành và doanh nghiệp chủ chốt có khả năng vượt “bão” Covid-19 thành công.