Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt các doanh nghiệp công nghiệp trước những thách thức thay đổi to lớn. Ảnh: Đức Thanh

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt các doanh nghiệp công nghiệp trước những thách thức thay đổi to lớn. Ảnh: Đức Thanh

Tác động của công nghiệp 4.0 trong tái cơ cấu công nghiệp

Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), quá trình tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và sản xuất công nghiệp nói riêng sẽ cần có thay đổi trên cơ sở nhận diện được bản chất của CMCN 4.0 để chỉ ra được những yêu cầu đối với quá trình tái cơ cấu lĩnh vực công nghiệp trong thời gian tới.

Nhìn nhận lại mô hình tăng trưởng và công nghiệp hóa

Việt Nam đã duy trì trong thời gian dài mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên và nhân công giá rẻ, tiến hành công nghiệp hóa - hiện đại hóa trên cơ sở thu hút vốn FDI và xuất khẩu sản phẩm từ những ngành thâm dụng lao động có kỹ năng thấp.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ trọng xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Bằng tốc độ tăng trưởng luôn cao hơn mức tăng trưởng chung, khối FDI đã đóng góp vai trò quyết định duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu cao của cả nước. Dẫu vậy, không khó để nhận thấy rằng, phần lớn các lĩnh vực thu hút vốn ngoại là các ngành thâm dụng lao động kỹ năng thấp như dệt may, da giày, gia công, lắp ráp thiết bị điện tử...

CMCN 4.0 sẽ tạo ra một nền sản xuất công nghiệp có tính cạnh tranh cao, duy trì tăng trưởng và phát triển dựa trên nền tảng của tri thức và ứng dụng mạnh mẽ của khoa học công nghệ hiện đại

Rõ ràng, đầu tư FDI chưa gắn liền với chuyển giao công nghệ hiện đại, kỹ năng quản lý và khâu tổ chức sản xuất của các nước phát triển. Trong bối cảnh của CMCN 4.0, khi tri thức và khoa học công nghệ mới đã dần thay thế và tiết giảm vai trò của các yếu tố đầu vào truyền thống là lao động, tài nguyên thì việc xem xét lại mô hình tăng trưởng là tất yếu.

Theo đó, dưới tác động của CMCN 4.0, lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Việt Nam phải tiến hành tái cơ cấu theo hướng dịch chuyển mạnh mẽ những ngành công nghệ cao, sản xuất để tạo các sản phẩm giá trị gia tăng cao.

Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ không thể làm khác đi nếu muốn hàng hóa có khả năng cạnh tranh ở phạm vi quốc tế, đồng thời định hướng lại thị trường theo hướng tập trung vào thị trường trong nước với hơn 93 triệu dân, thu nhập không ngừng gia tăng và là động lực quan trọng của nền sản xuất trong nước.

Về xuất khẩu, lựa chọn và tập trung vào nhóm các sản phẩm Việt Nam có lợi thế, giảm nhanh việc xuất khẩu tài nguyên, khoáng sản thô và các sản phẩm gia công lắp ráp.

Yêu cầu tái cơ cấu với các DN công nghiệp

Cuộc CMCN 4.0 đang đặt các doanh nghiệp công nghiệp trước những thách thức thay đổi to lớn, điều này xuất phát từ “sức khỏe” nội tại của doanh nghiệp Việt Nam.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện chiếm 97% tổng số doanh nghiệp của Việt Nam với nhiều hạn chế cơ bản như: Hầu hết DNVVN có quy mô từ nhỏ đến siêu nhỏ, với quy mô vốn chỉ ở mức 4 - 7 tỷ đồng/DN; chưa tham gia vào được chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, trình độ KHCN và đổi mới còn thấp.

Đến nay, 80 - 90% máy móc sử dụng trong các DN Việt Nam là nhập khẩu và 76% từ thập niên 1980 - 1990, 75% máy móc và trang thiết bị đã hết khấu hao, hiệu quả sản xuất thấp, hàng tồn kho lớn, trình độ lao động thấp.

Một thực tế nữa đang tồn tại trong các ngành sản xuất là năng suất lao động còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực, khoảng cách tuyệt đối đang ngày càng có xu hướng tăng lên.

Các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực đều có chung nhận định rằng, cuộc CMCN 4.0 sẽ làm thay đổi cách thức sản xuất, phân phối, tiêu dùng và thải loại sản phẩm.

80 - 90% máy móc sử dụng trong các DN Việt Nam là nhập khẩu và 76% từ thập niên 1980 - 1990, 75% máy móc và trang thiết bị đã hết khấu hao, hiệu quả sản xuất thấp, hàng tồn kho lớn, trình độ lao động thấp.    

Với nền tảng của công nghệ số, kết nối thông minh cùng với những tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, vật lý, công nghệ sinh học… buộc các doanh nghiệp phải có những cuộc chuyển đổi mạnh mẽ trong đầu tư và sản xuất, kinh doanh.

Để thích ứng và xa hơn nữa là đón đầu, DN cần có nguồn lực tài chính, công nghệ, con người để tập trung đầu tư hạ tầng công nghệ số, CNTT, nâng cao tỷ lệ ứng dụng CNTT trong quản lý và tổ chức sản xuất trong các DNVVN.

Ưu tiên, khuyến khích, hỗ trợ các DN trong nước tiếp nhận chuyển giao các công nghệ mới, công nghệ cơ bản của CMCN 4.0, thay vì chú trọng đến việc hỗ trợ mua máy móc, trang thiết bị (phần cứng), cần có những hỗ trợ nhiều hơn đối với những hoạt động chuyển giao phần mềm như tri thức, kỹ năng vận hành cũng như năng lực cải tiến các công nghệ được chuyển giao.

Nhận diện những đặc trưng của nền sản xuất công nghiệp 4.0

CMCN 4.0 sẽ tạo ra một nền sản xuất công nghiệp có tính cạnh tranh cao, duy trì tăng trưởng và phát triển dựa trên nền tảng của tri thức và ứng dụng mạnh mẽ của khoa học công nghệ hiện đại.

Khi đó, các nhà máy thông minh (Smart factories) với nền tảng của công nghệ tự động hóa và kết nối vạn vật giữa thế giới thực - ảo sẽ trở thành trung tâm của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Công nghệ bigdata, trí tuệ nhân tạo sẽ cho phép các hệ thống sản xuất tối ưu hóa, tự cấu trúc, hiệu chỉnh những thay đổi trong toàn bộ quá trình sản xuất từ việc hiệu chỉnh đơn hàng, quản lý biến động về chất lượng sản phẩm đầu ra, máy móc, các yếu tố đầu vào tới các hoạt động bảo trì bảo dưỡng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, năng suất lao động sẽ được gia tăng đáng kể.

Theo các nhà nghiên cứu của Ngân hàng DZ (CHLB Đức), năng suất lao động ở các nhà máy sẽ tăng bình quân 11,5% nhờ vào việc ứng dụng các công nghệ mới.

Đối với các ngành công nghiệp, ngành công nghiệp hóa chất và cơ khí chế tạo máy sẽ được hưởng lợi nhiều nhất với dự báo mức tăng năng suất lao động sẽ lên tới 30%, tiếp theo là ngành công nghiệp ô tô tăng 20%, ngành công nghệ thông tin tăng 20%.

Không chỉ trong hệ thống sản xuất, các chuỗi cung cấp từ vận chuyển trong nước, tiếp thị và bán hàng cho tới hậu cần bên ngoài và các dịch vụ hạ nguồn cũng sẽ được kết nối. Với điều này, việc đáp ứng cụ thể các yêu cầu của khách hàng cá biệt có thể được thực hiện, không chỉ trong sản xuất mà còn trong việc đặt hàng, lập kế hoạch và phân phối, tạo điều kiện cho các yếu tố như chất lượng, rủi ro, giá cả… được xử lý tự động, trong thời gian thực và ở tất cả các khâu trong chuỗi giá trị.

Bởi vậy, các yếu tố tạo nên giá trị truyền thống như tài nguyên, lao động sẽ được thay thế bởi tri thức và công nghệ cao để tạo ra một nền sản xuất có tính cạnh tranh và mức độ sàng lọc cao.

Với nền tảng là sự phát triển tích hợp các công nghệ hiện đại trên nền công nghệ số, CMCN 4.0 “dồn nén” chuỗi giá trị - sản xuất cả về không gian và thời gian, hình thành nên chuỗi giá trị có sự gắn kết hết sức chặt chẽ. Mô hình nhà máy thông minh được tự động hóa không phải là một viễn cảnh quá xa vời. Công nghệ phát triển nhanh, chi phí đầu tư tự động hóa ngày càng rẻ đi, năng suất lao động tăng lên, tỷ lệ sai sót giảm đi.

Đơn cử, Nhà máy Sản xuất Điện tử Siemens Thành Đô (SEWC), Trung Quốc, mọi công đoạn tại nhà máy đều được tính toán đến từng chi tiết, số hóa toàn bộ quy trình quản lý, từ đơn hàng, cấp vốn, thiết kế sản phẩm đến sản xuất, hậu cần và chất lượng.

Chỉ với 3.100 m2 và 450 nhân viên, mỗi năm sản lượng của nhà máy đạt 2,5 triệu sản phẩm với nhiều đặc điểm vượt trội: tốc độ trung bình 10 giây/1 đơn vị sản phẩm.

Tin bài liên quan