T+3 không tạo tác động thực sự tích cực

T+3 không tạo tác động thực sự tích cực

(ĐTCK) Việc áp dụng rút ngắn thời gian giao dịch xuống T+3 đã không thể tạo tác động thực sự tích cực đến diễn biến thị trường trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 9.

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 5/9/2012.

Lực cầu vẫn còn yếu

(CTCK BIDV - BSC)

Thị trường tăng lại trong phiên 4/9 tuy nhiên mức tăng không đồng đều trên 2 sàn. Sàn HNX chỉ lình xình trên mức tham chiếu 1 chút trong khi sàn HSX tăng khá ấn tượng với đa số các bluechip đều tăng giá.

Kết thúc phiên giao dịch, Vn-Index tăng 6,06 điểm (+1,53%) lên 402,08 điểm; HNX-Index tăng 0,22 điểm (+0,36%) lên 61,65 điểm. Loại trừ giao dịch thỏa thuận, khối lượng khớp lệnh chỉ đạt 22 triệu đơn vị trên HSX và 19 triệu trên HNX. Tổng giá trị giao dịch trên cả 2 sàn xuống mức 650 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng 19,5 tỷ đồng trên HSX tuy nhiên lại bán ròng hơn 500 triệu đồng trên HNX. Trong đó, các mã GAS, VCB, HSG, HAG, MSN được mua vào nhiều nhất trong khi BVH, EIB bị bán ròng mạnh.

Thị trường nhận được 1 số thông tin tích cực đáng chú ý như : Từ ngày 4/9, thời gian chờ thanh toán cổ phiếu được rút ngắn về 9 giờ ngày T+3 thay vì trước đó là 15 giờ. Điều này có nghĩa là các nhà đầu tư có thể thực hiện giao dịch trong ngay trong phiên T+3 thay vì phải đợi thêm 1 ngày nữa (T+4) như trước. Rút ngắn thời gian chờ thanh toán cổ phiếu cũng đồng nghĩa với việc giảm bớt rủi ro cho nhà đầu tư, điều này có ý nghĩa tích cực trong việc kích thích nhà đầu tư tham gia thị trường, giúp làm tăng thanh khoản.

Ngoài ra, chỉ số PMI do HSBC công bố trong tháng 8 tăng lên 47,9 điểm từ mức 43,6 điểm tháng trước. Do chỉ số PMI vẫn ở dưới mức 50 nên điều này cho thấy tình trạng ngành sản xuất trong nước đã bớt xấu đi và mang lại hy vọng về việc hồi phục trong các tháng tiếp theo.

Dù sao, điểm chưa được của thị trường phiên 4/9 là thanh khoản đã giảm sút khá mạnh so với tuần trước. Điều này thể hiện lực cầu vẫn còn yếu, do đó khó tạo động lực tăng điểm bền vững cho thị trường.

 

T+3 không tạo tác động thực sự tích cực

(CTCK FPT - FPTS)

Như chúng tôi đã nhận định, việc áp dụng quy trình thanh toán T+3 đã không thể tạo tác động thực sự tích cực đến diễn biến thị trường trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 9.

Mặc dù các chỉ số đều bật tăng trở lại ngay từ đầu phiên nhưng đà tăng xuất phát từ nỗ lực kéo giá của nhóm bluechips vẫn chưa cho thấy tín hiệu khả quan hơn về xu thế.

Thanh khoản tiếp tục đi xuống và dừng lại ở mức thấp. Điều này cho thấy tâm lý nhà đầu tư tham gia thị trường vẫn khá thận trọng trong giai đoạn này. Giao dịch tiếp diễn trạng thái lình xình, đi ngang khiến cho các chỉ số chưa có sự bứt phá lên khỏi các ngưỡng kháng cự mạnh ngắn hạn.

Mặc dù thị trường đã cân bằng hơn sau giai đoạn giảm mạnh và nhiều cổ phiếu đang có mức giá khá hấp dẫn nhưng dòng tiền vào thị trường vẫn bị hạn chế bởi sự thiếu vắng thông tin vĩ mô hỗ trợ. Theo đó, ở góc độ thận trọng, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn chỉ nên xem xét mua vào nếu thị trường tạo đáy thứ hai cao hơn mức đáy cũ vừa qua kèm theo thanh khoản thị trường được cải thiện. Mặt khác, nhà đầu tư trung và dài hạn vẫn có thể tiến hành chọn lọc và mua vào những cổ phiếu tiềm năng đã có mức giảm mạnh trong giai đoạn vừa qua.

 

Một số mã dẫn dắt đang ảnh hưởng xấu đến HNX-Index

(CTCK ACB - ACBS)

Bên bán đã không có nỗ lực nào đáng kể trong phiên 4/9, giúp VN-Index có phiên tăng khá đầu tuần. Nhìn toàn bộ đợt hồi phục hiện tại, khối lượng giao dịch liên tục giảm khi VN-Index leo lên các mức giá cao hơn, cho thấy sự bất ổn. Trong khi lực cầu không mạnh, mức giá cao hấp dẫn sự tham gia của bên bán, nhiều khả năng sẽ khiến VN-Index sớm đảo chiều. Hiện VN-Index đang giao dịch ở mức Fibonacci 38,2%. Tuy nhiên, chúng tôi đáng giá cao mức Fibonacci 50% hơn do đây cũng là vùng kháng cự 405-410. Hiện có khá nhiều mã vốn hóa lớn như GAS, FPT, HSG, STB … đang giao dịch gần vùng kháng cự nên có thể sẽ đảo chiều trong các phiên tới, ảnh hưởng tiêu cực đến VN-Index.  Tương tự, VN30-Index nhiều khả năng sẽ sớm đảo chiều khi chạm vùng kháng cự 480-490.

Tiêu cực hơn VN-Index, HNX-Index có phiên giao dịch chậm chạp ngày 4/9. Mặc dù HNX-Index chuyển sang sắc đỏ gần cuối phiên, nhưng lực cầu hồi phục ngay sau đó, giúp chỉ số này đóng cửa tăng nhẹ. Xét toàn phiên, HNX-Index chủ yếu đi ngang trong vùng hẹp. Khối lượng thấp cho thấy sự do dự của bên bán và mua. Trong các phiên tới, xu hướng nói trên có thể tiếp tục cho đến khi HNX-Index vượt kháng cự 63-64. Ở chiều ngược lại, chỉ số này có thể quay về đáy trước ở 59. Diễn biến một số mã dẫn dắt như KLS, PGS, PVG, SCR … đang trở nên tiêu cực hơn, ảnh hưởng xấu đến HNX-Index trong thời gian tới.

 

Kích hoạt tín hiệu mua ngắn hạn đối với VNINDEX

(CTCK Woori CBV)

Hai sàn tăng điểm vào ngày đầu tiên thực hiện giao dịch T+3, khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/9/2012 chỉ số VN INDEX tăng 6.06 điểm (1.53%) lên 402.08 điểm. Khối lượng cổ phiếu được chuyển nhượng khoảng 29.6 triệu cổ phiếu tương đương với giá trị giao dịch là 453.4 tỷ đồng. Tương tự chỉ số HNX INDEX tăng 0.23 điểm (0.37%) lên 61.66 điểm, khối lượng chuyển nhượng khoảng 22.8 triệu cổ phiếu tương đương với giá trị giao dịch là 208.9 tỷ đồng. Hai sàn tăng điểm kể từ đầu phiên do MSN và FPT tăng giá mạnh. Tuy giữa phiên có sự chùng xuống bởi áp lực chốt lời, nhưng tình trạng này diễn ra không lâu và 2 chỉ số nhanh chóng bứt phá trở lại ở cuối phiên. Các cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục thu hút dòng tiền khá mạnh, tạo động lực giúp thị trường tăng điểm. Ngoài ra kỳ vọng về việc giao dịch T+3 sẽ góp phần hạn chế rủi ro, và gia tăng vòng quay vốn tới 25% đã giúp thị trường có phiên khởi đầu tháng 9 khá tốt. Những cổ phiếu dẫn đầu giai đoạn tăng đầu tháng 8 cũng chính là những cổ phiếu dẫn đầu trong giai đoạn hiện nay như GAS, DPM, VPK, VNM…vv

Về phương diện kỹ thuật, thị trường có 1 phiên tăng điểm 4/9 đã kích hoạt tín hiệu mua ngắn hạn đối với chỉ số VNINDEX, trong khi đó HNX INDEX vẫn ở trong trạng thái ít biến động. Sở dĩ có sự khác nhau này, như chúng tôi đã đề cập trong 1 báo cáo ngày là do “sự lệch pha trong chất lượng cổ phiếu ở 2 sàn”. Các cổ phiếu vốn hóa lớn bên HSX có kết quả kinh doanh khá tốt như DPM, VNM, GAS…vv, trong khi đấy bên HNX thì không có gì nổi bật. Ngoài ra chúng tôi cũng nhận thấy sự tương đồng trong giao dịch hiện tại với thời điểm sóng tăng cuối năm 2010, và vì vậy chúng tôi chỉ khuyến nghị mua đối với những mã vốn hóa lớn như trên trong đợt hồi phục lần này. Chỉ giải ngân vào dòng vốn hóa lớn bên HSX, có kết quả kinh doanh ấn tượng như DPM, VNM, GAS, DHG…vv

 

Hai chỉ số tiến gần vùng kháng cự quan trọng

(CTCK Mirae Asset)

Thị trường đã tăng điểm trở lại sau phiên điều chỉnh nhẹ vào cuối tuần trước, đây là tín hiệu cho thấy lực mua cân bằng với áp lực bán tại vùng hiện tại. Thị trường vẫn đang trong kiểm tra tính bền vững của đợt phục hồi và diễn biến này sẽ còn tiếp tục trong phiên mai. Với KLGD tiếp tục giảm trong sự cân bằng chúng tôi kì vọng áp lực cung đang được hấp thụ tốt và cơ hội thị trường tiếp tục tăng vẩn được chúng tôi đánh giá cao hơn. Hai chỉ số đang tiến gần những vùng kháng cự quan trọng, do đó những đợt dao động trong phiên có thể xảy ra, NĐT có thể xem xét tích lũy tại vùng giá thấp, không nên mua đuổi giá.

 

Chưa nhận thấy có thông tin lạc quan

(CTCK Rồng Việt - VDSC)

Trên TTCK, nhóm cổ phiếu bluechips giữ vai trò dẫn dắt thị trường tăng điểm trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 9. Độ rộng thị trường nghiêng theo hướng tích cực với 262 mã tăng giá và 144 mã giảm giá trên cả hai sàn. Mặc dù vậy, NĐT chủ yếu giao dịch với trạng thái thăm dò sau kỳ nghỉ lễ, thanh khoản giảm mạnh trên cả hai sàn. Mức độ tham gia của NĐT nước ngoài cũng giảm mạnh so với cuối tuần trước và giao dịch của khối này chủ yếu tập trung vào GAS (chiếm khoảng 26% tổng giá trị mua của NĐT nước trên HSX).

Ngoại trừ thời gian giao dịch chứng khoán chính thức được rút ngắn từ T+4 xuống T+3, chúng tôi chưa nhận thấy có thông tin đáng lạc quan hơn được công bố để hỗ trợ thị trường. Sự thận trọng của NĐT có thể sẽ tiếp diễn và với sự hậu thuẫn từ các bluechips, VNIndex có thể giữ vững mốc 400 điểm trong khi HNIndex sẽ tiếp tục giằng co trong tuần này