Theo đó, năm 2014, SVC đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất đạt 7.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 65 tỷ đồng, cả hai chỉ tiêu đều tăng khoảng 6% so với năm 2013. Cổ tức dự kiến là 12%, giữ nguyên so với năm 2013.
Kết thúc năm 2013, SVC đạt 6.595 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, lợi nhuận trước thuế 84,71 tỷ đồng đều vượt kế hoạch đề ra.
Theo SVC, Dự án Hiệp Bình Phước- Tam Bình gồm 2 khu gồm 60 căn nhà liên kế và 1.500 căn hộ chung cư đã được chuyển nhượng gần hết trong năm 2013. Cụ thể, SVC đã chuyển nhượng 1.500 căn hộ cho Công ty Đất Xanh (DXG) và bán theo phương thức góp vốn nhà liên kế 32 căn. Trong năm 2014, công ty sẽ bán hết số nhà liên kế này, với doanh thu ước đạt là 223 tỷ đồng, giá vốn khoảng 172 tỷ đồng, tức SVC sẽ thu về khoản 51 tỷ đồng lãi.
Đối với dự án 56 Bến Vân Đồn, SVC đã ký kết hợp tác với Công ty Xuất nhập khẩu Khánh Hội (KHA) từ năm 2008. Sau thời gian dài thay đổi hình thức kinh doanh từ cho thuê, bán… cộng thêm với tình hình khai thác văn phòng ở thị trường TP.HCM vào cuối năm 2012 thấp, nên SAV chủ trương thoái vốn tại dự án này. Kết quả thoái vón SVC lãi 7 tỷ đồng, so với tổng vốn đầu tư bỏ ra là 100 tỷ đồng. Như vậy 2 dự án đã thu về mức lợi nhuận là 58 tỷ đồng.
Ý kiến một số cổ đông cho rằng, SVC đặt kế hoạch thấp so với tiềm năng của Công ty, bởi chỉ riêng mảng chuyển nhượng dự án Hiệp Bình Phước - Tam Bình và 56 Bến Vân Đồn đã thu về từ 50-60 tỷ đồng. Nếu đặt kế hoạch là lãi 65 tỷ đồng thì các lĩnh vực khác chỉ mang về khoảng hơn 6 tỷ đồng là không hiệu quả.
Ông Nguyễn Vĩnh Thọ, Chủ tịch HĐQT SVC cho biết, đây chỉ là kế hoạch tối thiểu mà SVC cần đạt được, khi cơ hội đến SVC sẽ tranh thủ bằng mọi cách để có được lợi nhuận cao nhất cho cổ đông.
Công ty cũng có chủ trương “cắt, giảm, bán” khỏi các dự án có đầu tư lớn và chi phí tài chính cao để tập trung đầu tư vào lĩnh vực cốt lõi là ngành hàng ô tô và xe gắn máy. Mục tiêu là giữ vị trí số 1 trong việc phân phối ô tô tại thị trường trong nước.
Trong năm 2012, hoạt động bán xe ô tô của SVC lỗ toàn bộ nhưng được bù lại chủ yếu bởi dịch vụ và năm 2013, có khoảng 50% lợi nhuận đến từ dịch vụ ô tô. Do đó, phương hướng của SVC sẽ là gia tăng lợi nhuận từ dịch vụ.
Kế hoạch năm nay, SVC sẽ thoái vốn tại Dự án Quốc lộ 13, bởi khả năng đầu tư tiếp vào dự án nhà ở cấp trung bình là không khả thi. Có thể, SVC sẽ phải chấp nhận khoản lỗ từ 30 - 40 tỷ đồng. Dự án này được đầu tư khá lâu, đến nay giá vốn khoảng 200 tỷ đồng.
Đối với Trung tâm thương mại Savico MegaMall, SVC gặp phải bất lợi khi phải cạnh tranh với Vincom, tuy nhiên, SVC cũng có niềm tin ở phân khúc phổ thông và đang cải tiến theo phân khúc này. Dự kiến, MegaMall sẽ mang về khoản lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng trong năm nay, khoản lợi nhuận này không như kỳ vọng của SVC, nên về lâu dài SVC vẫn tiếp tục tìm đối tác để chuyển nhượng.
Do thoái vốn lỗ nên SVC đặt chỉ tiêu kế hoạch vừa phải, phù hợp với tình hình hiện tai. Tuy nhiên, SVC cũng đề ra mục tiêu phải đạt được tối thiểu 38 tỷ đồng từ mảng bất động sản.
Về mảng taxi, năm 2013, mảng này lỗ trước thuế 4,8 tỷ đồng do là năm đầu tiên của chu kỳ đầu tư mới, nên chi phí đầu tư đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả công ty. Theo ông Thọ, cứ chu kỳ 1 đến 5 năm, nếu rơi vào chu kỳ đầu sẽ lỗ, nhưng 5 năm sau, tính cả thanh lý sẽ bù hết lỗ và lãi khoảng 5-7%. Đối với quan điểm thoái vốn, HĐQT SVC rất chú ý nhưng hiện tại không tìm được đối tác nào muốn mua lại.
Về mảng dịch vụ tài chính, trong năm 2013, SVC đã thanh lý danh mục đầu tư, thu về hơn 300 tỷ đồng, bao gồm tổng số tiền thu về từ đầu tư tài chính và bất động sản. Trong đó, có khoản thoái vốn lớn nhất là 11 triệu cổ phiếu OCB, tổng giá trị đầu tư 126 tỷ đồng, sau khi bán hết SVC có khoản lãi khoảng 6,8 tỷ đồng. Khoản thứ hai là 2,4 triệu cổ phiếu ORS, trong thời gian nắm giữ SVC đã phải trích lập dự phòng giảm giá lớn, nhưng đến cuối năm 2013, SVC bán và lãi 1 tỷ đồng.
Hiện SVC không còn đầu tư chứng khoán, danh mục đầu tư tài chính khoảng 47 tỷ đồng chủ yếu là góp vốn tại các DN trong hệ thống Tổng công ty Bến thành là 26 tỷ đồng, góp vốn bên ngoài là 21 tỷ đồng.