Suy thoái toàn cầu lộ diện

Suy thoái toàn cầu lộ diện

(ĐTCK-online) Các chỉ số tổng hợp đánh giá hoạt động kinh tế (CLIs) của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) vừa được công bố cho thấy, tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tiếp tục chậm lại.

Các chuyên gia hàng đầu của OECD phát biểu hôm thứ Hai rằng, chỉ số chính đánh giá hoạt động kinh tế của 34 thành viên OECD đã giảm xuống còn 100,4 điểm trong tháng 9 từ mức 100,9 điểm của tháng 8. Ngoài ra, theo OECD, chỉ số đo lường mức độ tạo lập các hoạt động kinh doanh mới (như thành lập mới doanh nghiệp) đã giảm xuống trong năm nay, sau khi tăng lên trong năm 2010.

Đây là tháng giảm thứ 7 liên tiếp của chỉ số CLI, qua đó phản ánh tình trạng ì ạch của tăng trưởng ở các nền kinh tế phát triển kể từ quý III năm ngoái. Số liệu liên quan đến các nền kinh tế đang phát triển cũng phản ánh tình trạng tương tự.

“So với số liệu của tháng trước, các chỉ số CLI vừa được tính toán cho thấy rõ ràng hơn hiện tượng suy giảm tăng trưởng ở tất cả các nền kinh tế chủ chốt”, OECD nhận định.

Các chỉ số đánh giá Nhật Bản, Nga và Mỹ đã giảm thấp hơn tháng 8, những vẫn ở trên mức 100, cho thấy, hoạt động kinh tế tại các nước này vẫn nằm trong xu hướng dài hạn – tỷ lệ trung bình về tăng trưởng trong hàng thập kỷ gần đây. Với 3 nền kinh tế này, theo OECD, “mức chậm về tăng trưởng còn nằm trong xu hướng dài hạn”, tức là chưa thực đáng ngại.

Tuy nhiên, các chỉ số CLI của Canada, Pháp, Ý, Vương quốc Anh, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ và Khu vực đồng euro đã giảm sâu dưới mức 100.

Cuối tháng trước, các chuyên gia của OECD đã cảnh báo, các nền kinh tế phát triển đã có hai năm tăng trưởng yếu và tỷ lệ thất nghiệp cao, nhưng triển vọng còn có thể tồi tệ hơn, trừ khi Khu vực đồng euro khắc phục được cuộc khủng hoảng nợ công của mình.

Các chỉ số chủ chốt của OECD được thiết kế để cung cấp các dấu hiệu cảnh báo sớm về khả năng các hoạt động kinh tế chuyển từ tăng trưởng sang suy giảm. Chúng được tính toán dựa trên một khối lượng lớn các dữ liệu khác nhau về những lần chuyển trạng thái kinh tế trong lịch sử.

CLIs bổ sung vào vô khối các bằng chứng (ngày càng nhiều lên) về việc tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại. Những số liệu này từng thúc giục các phản ứng khác nhau từ các ngân hàng trung ương “lớn”, như đợt nới lỏng định lượng lần hai của Ngân hàng Anh; chương trình “Operation Twist” – mua trái phiếu mới bằng tiền thu từ thanh toán trái phiếu đã đáo hạn - của Quỹ Dự trữ liên bang Mỹ và việc cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu.

Các chính phủ thì không còn nhiều dư địa để can thiệp vào nền kinh tế khi hầu hết đều đang chịu áp lực mạnh mẽ từ các nhà đầu tư trái phiếu về việc cắt giảm thâm hụt ngân sách và nợ. Với chính sách tiền tệ và tài khoá phải kìm nén, trách nhiệm kích thích tăng trưởng giờ chất lên vai khu vực tư nhân. Nhưng OECD nói rằng, tỷ lệ công việc mới vẫn giảm xuống trong hai quý đầu năm nay.

“Ở giai đoạn đỉnh điểm của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tỷ lệ tạo mới công việc kinh doanh rơi thẳng đứng ở tất cả các nước OECD”, các chuyên gia của OECD nói. “Trong các quý sau đó, tỷ lệ này bắt đầu hồi phục, hướng về mức trước khủng hoảng, nhưng trong những quý gần đây, chuyển động này có dấu hiệu chững lại”. Chỉ có Australia là không rơi vào xu hướng trên, mặc dù Na Uy và Tây Ban Nha cũng có tỷ lệ thành lập mới doanh nghiệp nhích lên, nhưng không đáng kể. Trong khi không có nhiều doanh nghiệp mới được thành lập, thì việc phá sản lại làm giảm đi số lượng doanh nghiệp đang tồn tại.

Số liệu của các cơ quan khác như Liên minh châu Âu (EU), Uỷ ban châu Âu (EC) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng phản ánh triển vọng như OECD mô tả.

Theo số liệu của EU, được công bố hôm thứ Hai, sản lượng của các nhà máy thuộc Khu vực đồng euro đã giảm trong tháng 9 với mức giảm mạnh nhất trong vòng 2 năm rưỡi qua. Sản lượng công nghiệp giảm 2%, mạnh hơn cả mức tăng trong tháng 8 (tăng 1,4%), một mức đảo chiều sụt giảm lớn nhất kể từ tháng 2/2009.

Sản xuất đã yếu đi đáng kể ở 3 nền kinh tế lớn của khu vực. Sản lượng của Đức, động lực chính của nền sản xuất khu vực, đã giảm 2,9%; Pháp giảm 1,9% và Ý giảm tới 4,8%.

“Mức giảm sản lượng công nghiệp trong tháng 9 của Khu vực đồng euro là dấu hiệu mạnh mẽ nhất cho thấy sự phục hồi của khu vực này đã kết thúc”, Ben May, kinh tế gia của Capital Economics nói. “Những dữ liệu này đã củng cố thêm cho quan điểm của chúng tôi rằng, khu vực đồng euro sẽ sớm rơi trở lại một giai đoạn suy thoái khá sâu khác”.

Uỷ ban châu Âu (EC) tuần trước đã giảm mức dự báo tăng trưởng của Khu vực đồng euro trong năm 2012 xuống 0,5%, từ mức 1,8% trước đó. Triển vọng trong những tháng tới là tồi tệ. Dữ liệu trong những tuần gần đây cho thấy, sản lượng sẽ tiếp tục giảm trong quý IV năm nay. Hồi đầu tháng 11, tân Chủ tịch của ECB, ông Mario Draghi cũng đã cảnh báo rằng, Khu vực đồng euro đang đối mặt với một cuộc “suy thoái nhẹ”.