Suy thoái kinh tế Mỹ: Ai là người hưởng lợi?

Suy thoái kinh tế Mỹ: Ai là người hưởng lợi?

(ĐTCK-online) Nền kinh tế trì trệ là một tin xấu đối với nhiều người Mỹ, nhưng không phải cho tất cả mọi người.

Nền kinh tế Mỹ đã trượt dài trong thời gian gần đây, gợi lên những lo ngại về một cuộc suy thoái kép. Hầu hết các nhà kinh tế đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại của năm 2011 và năm 2012, dựa trên tiêu dùng yếu kém, tình trạng thất nghiệp, vấn đề nợ ở châu Âu và sự rối loạn về chính trị có thể làm tổn thương nền kinh tế nhiều hơn là vực dậy nó. Trong bối cảnh đó, không có nhiều hy vọng có thể giúp 14 triệu người Mỹ thất nghiệp tìm được việc làm. Nền kinh tế dễ bị tổn thương hơn trước những cú sốc so với một năm trước đây.

Tuy nhiên, nền kinh tế suy thoái đôi khi lại là "vị cứu tinh" của một số người, đặc biệt là những người đủ may mắn để có công việc an toàn. Dưới đây là những người sẽ được hưởng lợi từ nền kinh tế Mỹ đang lung lay suy thoái:

Người đi vay: Lãi suất thường tăng trong giai đoạn suy thoái kinh tế, khi mà chi tiêu và nhu cầu của các khoản vay tăng lên. Tuy nhiên, điều đó có thể sẽ không sớm xảy ra bởi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) gần đây đã thông báo sẽ giữ lãi suất ngắn hạn ở mức thấp kỷ lục cho tới ít nhất là năm 2013, có nghĩa là các DN và những người phụ thuộc vào các khoản vay ngắn hạn sẽ tiếp tục được hưởng khoản tiền rẻ đáng kể. Công ty dự báo HIS Global Insight còn cho rằng, lãi suất dài hạn sẽ giảm nhẹ trong năm 2012 và quay trở lại mức hiện tại vào năm 2013. Nếu nền kinh tế trở nên yếu hơn dự đoán, tỷ lệ lãi suất còn có thể giảm hơn nữa.

Đây cũng là tin tốt đối với những người mua xe, nhà ở và ở một mức độ thấp hơn là tốt đối với những người thực hiện cân bằng thẻ tín dụng. Chẳng hạn như lãi suất thế chấp trung bình hiện nay đang ở mức dưới 4,5%, mức thấp nhất trong hơn 50 năm qua. Cái khó đối với nhiều người mua nhà tiềm năng là những tiêu chuẩn cho vay ngặt nghèo hơn sẽ khiến họ không nhận được mức lãi suất tốt nhất, thậm chí là không nhận được khoản vay nào. Đó là lý do lớn nhất khiến thị trường nhà ở vẫn trong tình trạng suy thoái. Tuy nhiên, các ngân hàng đang dần dần xóa bỏ những quy định khắt khe, nhằm giúp vực dậy thị trường nhà ở.

Người điều khiển phương tiện: Giá dầu nói chung thường đi lên khi nền kinh tế toàn cầu phát triển mạnh và ngược lại. Hiện tại, giá dầu thô đã xuống mức trên dưới 80 USD/thùng từ mức đỉnh 113 USD/thùng vào tháng 5/2011; giá gas cũng giảm từ 4 USD/gallong vào tháng 5 xuống 3,55 USD và có thể giảm hơn nữa.

Người mua sắm: Lạm phát có thể không phải là một vấn đề đối với nền kinh tế suy yếu. Cho dù lạm phát tăng cao trong thời gian gần đây và hiện nay đang ở mức trên 3%, HIS vẫn dự đoán rằng, lạm phát sẽ giảm trở lại ở mức 2% trong năm 2012 và 2013, chủ yếu do chi phí lao động, một trong các yếu tố đầu vào lớn nhất đối với nhiều hàng hóa và dịch vụ, có thể không tăng nhiều do tỷ lệ thất nghiệp còn quá cao. Người mua hàng sẽ được hưởng lợi từ giá cả ổn định và thậm chí giá giảm đối với một số mặt hàng tiêu dùng hàng ngày.

Những người có tiền mặt: Nếu bạn đã tiết kiệm được tiền trong vài năm gần đây, nó có thể sớm được sử dụng. Một số nhà phân tích cho rằng, giá cổ phiếu đã giảm 17% từ mức đỉnh tháng 4/2011. Với mức định giá thấp này, các nhà đầu tư thông minh nên thêm cổ phiếu vào danh mục đầu tư của họ trong vài tháng tới. Nếu có nhiều hơn chương trình "nới lỏng định lượng" của Fed, hoặc việc bất ngờ kích thích tài chính của Washington, thậm chí có thể sẽ tạo ra một đợt tăng khiêm tốn đối với TTCK. Tiền mặt cũng sẽ giúp những người mua nhà có thể tận dụng đáng kể khả năng thanh toán, bởi vì họ có nhiều cơ hội để hội đủ điều kiện thế chấp và tận dụng lợi thế của khả năng chi trả của mình.

Những nhà xuất khẩu: Một nền kinh tế suy yếu có thể sẽ giữ giá trị của đồng USD thấp so với các loại tiền tệ lớn khác, đó sẽ là một lợi ích cho xuất khẩu và bất cứ ai bán hàng bằng đồng USD. Điều đó bao gồm cả ngành du lịch Mỹ, với lợi ích là chi phí rẻ cho người nước ngoài đi du lịch sang nước này.

Đảng Cộng hòa: Cơ hội tái đắc cử của Tổng thống Obama có thể phụ thuộc phần nào vào diễn biến nền kinh tế Mỹ. Các tỷ lệ cược đang nghiêng về phía chống lại Obama, bởi có vẻ rất có khả năng tỷ lệ thất nghiệp sẽ ít nhất là 9% và có thể lên mức 10% vào thời điểm diễn ra cuộc bầu cử tháng 11/2012. Và hệ quả là đối thủ của Obama thuộc Đảng Cộng hòa sẽ là người hưởng lợi. Tuy nhiên, đã có ý kiến cho rằng, những tranh cãi gần đây liên quan đến việc nâng trần nợ chủ yếu phục vụ mục tiêu chính trị. Theo các nhà quan sát, nền kinh tế tự nó đã đủ xấu, mà không cần phải chờ đến các chính trị gia làm cho nó tồi tệ hơn nữa.