Đó là những hình ảnh đang dần trở nên phổ biến mà người ta có thể bắt gặp ở Dubai (một thành phố giàu có và đồng thời là một trong bảy tiểu vương quốc của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất).
Câu chuyện “xe hơi hạng sang phủ bụi” nói trên là một minh chứng cho thấy những khó khăn kinh tế đang “gặm nhấm” Dubai như thế nào. Rất nhiều người mắc nợ đã quyết định rời bỏ thành phố này trong bối cảnh suy giảm kinh tế tác động mạnh tới hoạt động kinh doanh của họ.
"Sự suy giảm kinh tế đã và vẫn đang diễn ra, mà giá dầu thấp là nguyên nhân quan trọng"
- Simon Williams, nhà kinh tế trưởng HSBC phụ trách khu vực Trung Đông
Không chỉ tại Dubai, mà trên toàn bộ khu vực Trung Đông giàu dầu mỏ, sự sụt giảm của giá “vàng đen” đã khiến các chính phủ phải cắt giảm chi tiêu và trì hoãn nhiều dự án phát triển cơ sở hạ tầng, trong khi các công ty tư nhân sa thải bớt nhân viên, thậm chí trong một số trường hợp phải đóng cửa hoàn toàn.
“Sự suy giảm kinh tế đã và vẫn đang diễn ra, mà giá dầu thấp là nguyên nhân quan trọng. Mặc dù Dubai không phải là nhà sản xuất dầu mỏ chủ chốt, song tiểu vương quốc này giữ vai trò quan trọng trong các dịch vụ xuất khẩu của mình cho toàn bộ khu vực vùng Vịnh, nơi nhu cầu tiêu thụ đang ngày càng yếu đi”, Simon Williams, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng HSBC phụ trách khu vực Trung Đông đánh giá.
Xe hơi bỏ hoang cũng từng là một hình ảnh biểu tượng trong cuộc khủng hoảng tại Dubai hồi năm 2009, thời điểm tiểu vương quốc này phải nhận khoản cứu trợ 20 tỷ USD từ “người anh em” giàu dầu mỏ Abu Dhabi, thủ đô của Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Cho dù những khó khăn kinh tế hiện nay vẫn chưa sánh bằng giai đoạn khủng hoảng trước đây và Dubai gánh chịu ít tác động từ giá “vàng đen” hơn so với Qatar hay Abu Dhabi, song tiểu vương quốc này vẫn phải “oằn mình” với gánh nặng nợ nần lên tới 140% GDP và đối mặt với khoản thanh toán trái phiếu đáo hạn trị giá 22 tỷ USD vào năm 2018.
Bên cạnh đó, sự vật lộn của các công ty tư nhân hiện nay đang làm trầm trọng hơn những vấn đề mà chính quyền Dubai nói riêng và Chính phủ UAE nói chung phải giải quyết. Theo Công ty Bảo hiểm Coface, hãng giám sát hoạt động tín dụng thương mại của 20.000 công ty tại UAE, trong giai đoạn từ quý III/2015 cho đến quý I/2016, đã có 237 chủ doanh nghiệp nhỏ quyết định rời bỏ UAE khi gặp khó khăn trong thanh toán nợ đáo hạn. Con số này nhiều gấp ba lần so với các trường hợp từng xảy ra trong quá khứ.
Trong lĩnh vực xây dựng, nhiều công ty cũng đang phải giải quyết khoản thanh toán bị trì hoãn từ các khách hàng, đồng nghĩa với họ phải chờ đợi hàng tháng mới nhận được tiền mặt. Số công ty bị phá sản dần ổn định hơn, khi các doanh nghiệp yếu kém bị loại bỏ. Giới phân tích dự đoán triển vọng sáng sủa hơn đối với ngành xây dựng của UAE khi quốc gia này sẽ chi tiêu mạnh hơn để phát triển cơ sở hạ tầng chuẩn bị cho Triển lãm World Expo vào năm 2020.
Đối với các hộ gia đình, phí sinh hoạt cao, trong đó có chi phí nhà ở và giáo dục, khiến cuộc sống trở nên khó khăn hơn trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại. Chuyên gia Raghu at Markaz tại Ngân hàng đầu tư Kuwaiti cho biết: “Hoạt động tạo việc làm mới đã bị đình trệ khi các công ty trên toàn khu vực phải thích ứng với môi trường tăng trưởng kinh tế chậm, cũng như tái cơ cấu các hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, tình hình lạm phát và chi phí sinh hoạt tăng cao là những quan ngại. Đó còn là chưa kể đến mức lương cho người lao động không tăng, là những nguyên nhân khiến nhiều người rời bỏ quốc gia này”.
Trước tình hình đó, các chuyên gia cho rằng, trừ khi đồng USD yếu đi, thanh khoản được cải thiện và một số cú huých kinh tế rõ nét xảy ra, bằng không thị trường Dubai nói riêng và UAE nói chung vẫn sẽ “dậm chân” ở mức yếu.