Sức sống bàng vuông…

Sức sống bàng vuông…

(ĐTCK) Trái bàng vuông, món quà của trung tá Phạm Ngọc Sơn, Trưởng ban Kỹ thuật đảo Trường Sa Lớn, tôi mang về ươm ở trường làng, mới mấy tháng mà nay đã nhú lên vài gang tay. Nhìn những mầm xanh khỏe khoắn kiêu hãnh vươn lên trong đất liền, lại nhớ đến sự tích cây bàng vuông ở đảo mà người lính hải quân già, đại tá Nguyễn Hải Triều, thường trực phía Nam Cục Chính trị Quân chủng Hải quân đã kể trong cuộc hải trình.

Đại tá Triều bảo, nhiều người, kể cả lính hải quân vẫn lầm tưởng cây bàng vuông có mặt ở Trường Sa từ xa xưa, nhưng thực chất chỉ mới đây thôi và bởi chính từ bàn tay những người lính biển. Đó là những năm 78 - 79 của thế kỷ trước, trong một lần tuần tra, đảo trưởng đảo Trường Sa Lớn Lê Văn Tấn chợt nhìn thấy một quả lạ, hình vuông dạt vào bờ biển. Anh Tấn mới nhặt về ươm trồng, nhưng cũng chẳng mấy hy vọng trái cây lạ đã nhiều ngày trôi dạt trên biển có  thể lên mầm trong khắc nghiệt đảo xa….

Thế nhưng, thật diệu kỳ, chỉ chừng non tháng, mầm xanh bắt đầu nhú lên và vài năm sau nở bung những cánh hoa tuyệt đẹp. Đặc biệt, loài hoa mang sắc trắng pha tím đến nao lòng đó, rất khiêm nhường chỉ nở về đêm, mỗi lần chỉ nở một bông và cứ thế kế tiếp nhau khoe sắc. Từ đó, bàng vuông, với sức sống kiên cường của mình, được nhân giống ra khắp các đảo lớn, đảo nhỏ. Bàng vuông Trường Sa tuyệt nhiên không hề có sâu, cứ xanh ngăn ngắt giữa nắng và gió mặn mòi. Và từ cánh hoa nở về đêm đó, khi thành quả rồi rụng xuống và quánh lại một màu nâu lẫn với đất mẹ, ẩn tàng trong đó một sức sống mãnh liệt. 

Hơn cả một loài cây, bàng vuông cùng với phong ba đã trở thành biểu tượng về sự kiên cường nhưng thầm lặng của người lính biển!

Sức sống diệu kỳ là thế, nhưng dường như bàng vuông thích bó bện mà không ưa sự chia lìa, tan đàn xẻ nghé. Chỉ có những mầm cây mọc lên từ hạt mới chắc rễ xanh cành, còn những ai thích “ăn xổi” mà đem chiết cành thì nếu cây có sống cũng rất èo uột.

Người xưa hay vận cái câu “cùng hội cùng thuyền” để nói về sự đoàn kết, bó bện. Nhưng chắc rằng, không ai thấm cái phương ngôn ấy bằng những người làm nghề đi biển. Đại tá Nguyễn Công Sơn, Chủ nhiệm Chính trị Vùng 4 Hải quân từng kể rằng, có chuyến tàu đi gặp bão, trong 2 giờ đồng hồ chỉ xoay trở được 60 độ. Trong những phút giây căng thẳng ấy, nếu thủy thủ đoàn không gắn thành một khối thì học phí phải trả cho biển xanh chắc sẽ vô cùng đắt đỏ.

Mà đâu chỉ đại dương mới đòi học phí cho những sai lầm. Ở trên thương trường, học phí kinh doanh cũng đắt chẳng kém. Không biết có phải ngẫu nhiên, người ta thường ví mỗi DN như những con thuyền, có thuyền trưởng và có thủy thủ đoàn. Vài năm nay, bão gió suy thoái nổi lên, đã có hàng ngàn, hàng vạn “thương thuyền” Việt lạc bến vì nhiều lý do, trong đó có cả sự mất đoàn kết và đi nhầm luồng lạch. Với rất nhiều DN còn lại, tồn tại được trong thời gian qua cũng được coi như là một chiến thắng.

Nhưng sứ mệnh hình thành của các DN không chỉ để tồn tại, cũng như sứ mệnh của thủy thủ đoàn không chỉ để giúp con thuyền nổi trên mặt nước!

Trong nghề sông biển, có dạng thuyền thúng ven bờ câu con tôm con mực, nhưng cũng có những con tàu lừng lững vươn khơi săn cá ngừ, cá nhám. Thuyền thúng nếu biết làm ăn cũng tốt, nhưng chỉ có những đoàn tàu hùng dũng mới có thể vươn khơi.

Đây không chỉ là một hình ảnh ẩn dụ, dù nhiều người đã từng ví von các DN Việt như những đoàn thuyền thúng nhấp nhô bơi ra thương trường quốc tế. Hãy nói về nghĩa đen của nền kinh tế biển khi thế kỷ 21 được hầu hết các nhà chiến lược quốc tế cho là thế kỷ đại dương. Và với một đất nước có 3.260 km đường bờ biển và vùng biển hơn 1 triệu km2 thì kinh tế biển không thể chỉ là… “nền kinh tế thuyền thúng”.

Hãy cùng nhìn lại vài con số. Hàng năm, hơn một nửa lượng hàng hóa vận chuyển bằng tàu biển của thế giới sau khi qua eo biển Malacca, eo biển Sunda, và eo biển Lombok, đều tiếp tục hành trình qua Biển Đông. Tổng trữ lượng dự báo địa chất về dầu khí của toàn thềm lục địa Việt Nam đạt xấp xỉ 10 tỷ tấn dầu quy đổi, trữ lượng khai thác khoảng 2 tỷ tấn... Ngoài ra, không thể không nói đến các nguồn lợi thủy sản. Biển Đông có hơn 2.000 loài cá, trong đó có gần 130 loài cá có giá trị kinh tế cao với tổng trữ lượng hải sản khoảng 3 - 4 triệu tấn/năm.

Làm thế nào để biến những tiềm năng biển này thành đòn bẩy đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo?

Một câu hỏi quá lớn, nhưng chắc chắn cần lời giải đáp!

Chủ trương hỗ trợ đóng tàu sắt cho ngư dân của Chính phủ vừa rồi được quyết rất nhanh đã đề cập một phần lời giải đáp này. Có tàu to, ngư cụ hiện đại, ngư dân không chỉ cá đầy khoang, tôm đầy đáy, mà cũng an toàn hơn, bớt xo dúi hơn trước sóng gió thiên tai, và cả sự thù địch của nhân tai.

Đó là Nghị định 67/2014/NĐ-CP - một văn bản quy phạm tầm Chính phủ được đánh giá là có tốc độ ban hành kỷ lục, chỉ vẻn vẹn vài tháng từ khi có chủ trương đến lúc có hiệu lực. Có thể nói, mong muốn của cả dân tộc về việc xây dựng một nền kinh tế biển mạnh để từ đó vững chủ quyền dấy lên từ những ngày tháng 5 nóng bỏng vừa rồi chính là chất xúc tác để một chính sách phát triển thủy sản căn cơ, bền vững nhanh chóng hình thành.

Tất nhiên, sẽ là ảo tưởng nếu cho rằng Nghị định 67 có hiệu lực từ đầu tuần qua ngay lập tức thay đổi diện mạo ngành thủy sản. Nhưng với cách tiếp cận, hỗ trợ những khâu trọng yếu nhất của ngành, từ phương tiện đánh bắt, cơ sở hạ tầng dịch vụ nghề cá…, cả đầu vào - đầu ra con cá, con tôm đã được tính đến…

Nhưng kinh tế biển không chỉ là đánh bắt, dù biển cho người Việt hàng triệu tấn cá tôm mỗi năm. Nghề cá hay kể cả dầu khí cũng chỉ là tài nguyên hữu hạn. Trong khi đó, vận tải hàng hải, logistic… mới là những ngành tiềm năng vô tận. Nhưng thực tế là, các ngành này của ta hầu như chưa có sức cạnh tranh nào đáng kể.

Rồi còn cả dải bờ biển với những bãi biển đầy nắng vàng, cát trắng có đai có đẳng trong làng du lịch quốc tế. Nhưng đáp lại lợi thế ấy là những con số rất lạnh lùng khi hơn 85% du khách quốc tế rời Việt Nam không quay trở lại. Và theo đánh giá của Tổ chức Du lịch thế giới năm 2013, trong tổng số 185 quốc gia, Việt Nam đứng thứ 8 về tiềm năng phát triển du lịch, nhưng thực trạng phát triển thì lại chỉ đứng thứ 89/185 quốc gia.

Những con số ấy nói lên những yếu kém, nhưng nó cũng thể hiện một tiềm năng lớn còn khuất lấp, đang chờ được khơi gợi. Chứng kiến sự tấp nập của Vinpearl Nha Trang, sự trầm trồ của du khách khi đến Đà Nẵng hoặc bãi biển Phú Quốc dần đông vui trở lại, có thể thấy, trong một mặt bằng chung còn khá thấp, những nhà đầu tư nào có cách nghĩ, cách làm căn cơ, bền vững sẽ dễ dàng vượt lên.

Như Chuẩn Đô đốc Đặng Minh Hải, Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân đã từng tâm sự với người viết, cá tôm hay cả dầu khí là những nguồn lực hữu hạn. Nhưng nếu như ta không biết dùng ngay những nguồn lực sẵn có để từ đó phát triển lên thì rất khó. Cũng như xây một ngôi nhà, phải bắt đầu từ mảnh đất có sẵn. Lấy cái hữu hạn để phát triển cái vô hạn, lấy cái ngắn hạn để phát triển cái dài hạn là tôn trọng quy luật.

“Đối với biển, không nắm được quy luật thì học phí phải trả sẽ rất đắt. Không gì mềm mại như nước, nhưng cũng không gì có sức tàn phá mạnh như nước. Biển rất mạnh mẽ, nhưng biển cũng biết nâng đỡ con người, nâng đỡ cả một dân tộc. Quan trọng là ta phải biết lựa, phải biết dùng chính sức mạnh đó để nâng mình lên, chứ không phải là tìm cách chế phục nó. Câu chuyện về một ngư dân Phú Yên, 25 tiếng đồng hồ trôi dạt trên biển mà vẫn sống chính là minh chứng cho việc biết lợi dụng sức nước, hay là nắm được quy luật của biển vậy”, ông Hải bảo.

Trong tác phẩm 'Vượt khỏi ao tù' của Stuart Avery Gold, một CEO và là cố vấn của nhiều DN nằm trong Top 500 của Tạp chí Fortune có kể câu chuyện kể về Ping - một chú ếch thiên tài với các bước nhảy xa và chú luôn mang trong mình những hoài bão to lớn.

Tuy nhiên, khi đầu óc của chú đầy ắp ước mơ thì cái ao chú đang sinh sống ngày càng vơi dần... Chẳng có cư dân nào trong ao bận tâm về điều đó, từ lũ Rùa cho đến bọn Sếu. Chỉ có Ping là lúc nào cũng sợ hãi. Nhưng chú không dám làm gì cả, ngoại trừ việc ngồi đó tiếc nuối về cái ao đầy nước ngày xưa. Cho đến một buổi sáng thức dậy, chú quyết định phải ra khỏi cái ao tù túng đó. Chính cú nhảy kỷ lục đã giúp Ping khám phá rằng, thế giới bên ngoài thật vĩ đại và có vô số con đường khác để lựa chọn.

Đó không đơn giản là chuyện về một con ếch đang tìm kiếm một cái ao mới để thay thế cho cái ao quen thuộc nay đã cạn dần, mà còn là chuyện của chính chúng ta trong hành trình khám phá con đường phát triển.

Hy vọng rằng, tiềm năng biển sẽ biến thành sức mạnh kinh tế của đất nước hướng biển. Như trái bàng vuông luôn mang sức sống nội tại, sẽ lên cành xanh lá khi cặp bờ bến tốt, chứ không phải nàng công chúa ngủ quên trong rừng… chờ người ngoài đến đánh thức!

Tin bài liên quan