Thanh khoản là yếu tố được quan tâm hàng đầu khi nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu

Thanh khoản là yếu tố được quan tâm hàng đầu khi nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu

Sức hút cổ phiếu thanh khoản cao

(ĐTCK-online) Trong bối cảnh TTCK suy giảm liên tục, thanh khoản và yếu tố cơ bản tốt là 2 yếu tố quan trọng để các NĐT lựa chọn cổ phiếu.

Có rất nhiều trường phái lựa chọn cổ phiếu để đầu tư: cơ bản tốt, cổ phiếu thanh khoản cao hoặc "đánh đu" theo cổ phiếu được quỹ đầu tư chỉ số (ETF) lựa chọn. Tuy nhiên, trong bối cảnh TTCK liên tục suy giảm bất chấp giá trị nội tại của DN, thanh khoản toàn thị trường sụt giảm thì đầu tư theo tiêu chí thanh khoản cao đang lên ngôi. Thống kê trên TTCK trong hơn 3 tháng qua cho thấy, những mã cổ phiếu nằm trong top cổ phiếu thanh khoản tốt nhất như STB, KLS, VND, PVX, VCG… đều có mức biến động giá khá hẹp, trong khi diễn biến chung toàn thị trường là bất ổn và dao động lớn.

Ông Nguyễn Thanh Long, NĐT cá nhân tại sàn chứng khoán ACBS cho biết, giai đoạn này, dù không đầu tư nhiều, nhưng ưu tiên số một của ông trong lựa chọn cổ phiếu đầu tư vẫn là tính thanh khoản. "Thị trường giảm giá quá sâu và có vẻ như phân tích cơ bản lúc này không hỗ trợ gì nhiều cho giá cổ phiếu. Vì thế, tôi lựa chọn những cổ phiếu có tính thanh khoản cao để thuận tiện trong việc mua vào, bán ra", ông Long nói.

Nhận xét về yếu tố thanh khoản của cổ phiếu tác động đến việc lựa chọn danh mục đầu tư, giám đốc đầu tư của một quỹ cho rằng, nếu cổ phiếu thanh khoản tốt thì mức lợi nhuận yêu cầu khi giải ngân sẽ thấp hơn so với những cổ phiếu thanh khoản kém hơn. "Khi quỹ muốn mua 1 triệu cổ phiếu A, nếu A thanh khoản tốt, chúng tôi có thể chỉ cần mua trong 3 phiên, khi đó mức giá giao dịch sẽ không biến động nhiều so với giá ước tính. Nhưng nếu cổ phiếu thanh khoản kém, có thể phải mất 5 - 7 phiên mua liên tục với giá trần mới mua hết, hoặc bán với giá sàn trong 5 - 7 phiên mới hoàn tất thoái vốn được, khi đó giá mua đã bị đẩy cao, giá bán bị giảm thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng", vị này nói và cho biết thêm, giai đoạn này, nếu định giá 2 cổ phiếu tương đương nhau thì ưu tiên thanh khoản tốt, còn cổ phiếu kém thanh khoản cũng chưa hẳn đã quá xấu, mà có thể là do cổ đông đã cảm thấy quá rẻ để bán.

Không có thanh khoản cao tới mức bình quân giao dịch vài triệu đơn vị mỗi phiên như STB, PVX, hay KLS, cổ phiếu FLC dù mới chào sàn được hơn 2 tháng nhưng mức thanh khoản luôn được duy trì khá ổn định. Trong 1 tháng trở lại đây, giao dịch bình quân mỗi phiên của FLC khoảng 300.000 cổ phiếu, có phiên lên tới 543.800 cổ phiếu được sang tay. So với những cổ phiếu thuộc nhóm ngành tài chính, ngân hàng hoặc một vài cổ phiếu ngành xây dựng khác, khối lượng giao dịch nói trên không phải quá lớn, nhưng so với quy mô vốn điều lệ 170 tỷ đồng của DN, trong đó hơn 1 nửa được sở hữu bởi cổ đông lớn, cổ đông nội bộ thì thanh khoản của cổ phiếu FLC được xem là khá tốt.

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FLC cho biết, việc đưa tin đầy đủ, kịp thời về các sự kiện, tình hình kinh doanh của FLC được xem là một ưu tiên thường trực của ban lãnh đạo Công ty. Đây cũng chính là một trong những ưu điểm quan trọng để những NĐT, nhất là những NĐT theo trường phái lướt sóng kỳ vọng lựa chọn đầu tư: có thông tin và thanh khoản tốt.

Với gần 700 mã cổ phiếu niêm yết trên hai Sở GDCK, việc nhớ đầy đủ tên và đặc điểm của các cổ phiếu và DN phát hành cổ phiếu đó là điều không đơn giản. Nhất là khi TTCK đang èo uột như hiện nay, tâm lý NĐT thường hướng đến những cổ phiếu có thanh khoản tốt và có "tin". Vậy nhưng, cách công bố thông tin của nhiều DN khiến thị trường lãng quên, mục đích của việc niêm yết là tạo thanh khoản cho cổ phiếu không còn nữa. Có những công ty, cả năm tài chính gần như không xuất hiện thông tin trên thị trường, ngoại trừ thông tin về báo cáo tài chính. Với những DN đó, rất khó để NĐT yên tâm mua bán cổ phiếu, dù những con số trên báo cáo tài chính vẫn cho một kết quả định giá tốt về DN.

Tất nhiên, vẫn có không ít DN chủ động cung cấp thông tin một cách thường xuyên ra thị trường như FLC, PVI… Khi ban lãnh đạo DN nhận thức được tầm quan trọng của công tác thông tin, truyền thông trong việc hỗ trợ thanh khoản của cổ phiếu, NĐT chắc chắn sẽ quan tâm hơn, từ đó định giá cổ phiếu hợp lý hơn. Rõ ràng, trong bối cảnh trầm lắng như hiện nay, TTCK cần nhiều hơn những DN "nhanh nhạy" thông tin như FLC, PVI…