Sức hấp dẫn của sàn "Nasdaq Trung Quốc"

Sức hấp dẫn của sàn "Nasdaq Trung Quốc"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cách đây 1 năm, ngày 22/7/2019, Trung Quốc bắt đầu khởi động một sàn giao dịch chứng khoán mới tại Thượng Hải có mô hình hoạt động tương tự như ở thị trường Nasdaq (Mỹ).

 Star là phép thử của các nhà lập pháp Trung Quốc khi dỡ bỏ các hạn chế về giá cổ phiếu, cho phép các công ty đang lỗ được niêm yết và cho phép cổ phiếu với quyền biểu quyết theo trọng số.

Việc Star ra mắt trong thời gian chưa tới 1 năm sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố thông tin đầu tiên về dự án đã khiến không ít thành viên thị trường bất ngờ.

Việc đưa sàn này vào giao dịch trong một thời gian nhanh chóng đã thể hiện quyết tâm trong việc giữ chân các doanh nghiệp công nghệ của giới chức nước này.

Trong phiên giao dịch đầu tiên, các cổ phiếu với giá trị hơn 7 tỷ USD đã được giao dịch. Đà tăng trong ngày đầu ngay lập tức tạo ra thêm 3 tỷ phú mới cho Trung Quốc.

Thực tế, hoạt động của sàn Star trở nên trầm lắng hơn sau vài tuần đầu tiên bùng nổ. Tuy nhiên, cho tới nay, có hơn 130 doanh nghiệp đang niêm yết cổ phiếu tại Star đã huy động được hơn 30 tỷ USD từ thị trường trong hơn 12 tháng qua.

Đáng chú ý, hiện tại, các doanh nghiệp công nghệ tên tuổi hàng đầu, bao gồm Ant Group của tỷ phú Jack Ma và các nhà sản xuất chip lớn đều thể hiện sự quan tâm trong việc đưa cổ phiếu lên sàn.

Giới chức Trung Quốc cho biết, những quy định nới lỏng hiện đang được áp dụng với sàn Star sẽ sớm được áp dụng tại sàn giao dịch lớn hơn là ChiNext tại Thẩm Quyến.

Thông báo này góp phần không nhỏ trong việc khuấy động các thị trường chứng khoán Đại lục, nhất là trong đà tăng chóng mặt những tuần vừa qua, khiến giá trị vốn hoá thị trường chứng khoán đã chạm mức 9.300 tỷ USD.

Các công ty công nghệ khổng lồ Trung Quốc lần đầu tiên thể hiện sự hào hứng khi bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại thị trường nội địa, thay vì lựa chọn thị trường nước ngoài như trước đây.

Trong tuần trước, Semiconductor Manufacturing International Corp đã huy động được khoảng 53,2 tỷ nhân dân tệ (7,6 tỷ USD), trở thành một trong những thương vụ IPO lớn nhất thập kỷ.

Đáng chú ý, mức độ quan tâm của nhà đầu tư là rất lớn, giúp giá cổ phiếu tăng hơn 3 lần trong phiên giao dịch đầu tiên, vượt xa so với “tình cảnh” tại thị trường Hồng Kông.

Bên cạnh đó, Hãng thanh toán di động Ant Group cũng lên kế hoạch IPO tại sàn Star và Hồng Kông với định giá hơn 200 tỷ USD, bỏ qua sự lựa chọn tại sàn Nasdaq.

Cho dù những diễn biến này trên thị trường có xuất phát từ sự cổ vũ bởi giới chức Trung Quốc hay không, nhưng phải nói rằng, nếu không có kế hoạch cải tổ và sự ra đời của sàn Star, nỗ lực thuyết phục các công ty công nghệ niêm yết tại quê nhà sẽ trở nên khó khăn hơn.

Đáng chú ý, với việc giới chức Mỹ tìm cách ngăn cản các công ty Trung Quốc giao dịch tại sàn chứng khoán Mỹ, trong khi thị trường Hồng Kông chịu nhiều tổn thương bởi các diễn biến địa chính trị bất lợi, sức hấp dẫn của sàn Star ngày càng gia tăng.

“Trung Quốc cần thị trường tài chính có khả năng ủng hộ tốt hơn cho sự phát triển của công nghệ và các doanh nghiệp sáng tạo để tránh bị đe doạ từ Mỹ. Do đó, việc phát triển thị trường chứng khoán, nhất là thu hút công ty công nghệ niêm yết tại thị trường nội địa sẽ trở thành chiến lược trọng tâm”, Wang Jiyue, Tổng giám đốc Shanghai Pegasus Consulting Co cho biết.

Tại một thị trường đã chứng kiến 2 cú vỡ bong bóng lớn trong chỉ hơn 1 thập kỷ, việc nới lỏng các quy định rõ ràng đi kèm với bài học kinh nghiệm về rủi ro lớn. Tuy nhiên, theo giới quan sát, giới chức Trung Quốc đã có sự chuẩn bị khá kỹ càng để sẵn sàng “kéo lùi” đà tăng của thị trường nếu tăng trưởng quá nóng, đưa thị trường chứng khoán vào thời kỳ hiện đại, đảm bảo hỗ trợ tài chính cho những lĩnh vực phát triển nhanh.

Theo Yu Yingdong, Phó tổng giám đốc Shenzhen Yunneng Fund Management Co, “sau một năm, sàn Star vẫn đang làm tốt”.

Tin bài liên quan