Sức ép về đích GDP 2016

Sức ép về đích GDP 2016

(ĐTCK) Tình hình kinh tế trong tháng 10/2016 tiếp tục có những diễn biến khả quan. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm đến ngày 20/10, ước các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 12,7 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước.

10 tháng qua, cả nước có 91.765 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký là 710.600 tỷ đồng, tăng 18,3% về số doanh nghiệp và tăng 46,2% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng cục Thống kê đánh giá, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng cao, số doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc chờ giải thể giảm...

Tình hình thực hiện vốn đầu tư từ ngân sách nhà cũng đang khá hơn. 10 tháng đầu năm nay, nguồn vốn này thực hiện ước đạt 204.900 tỷ đồng, bằng 78,6% kế hoạch năm và tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước.

Dẫu vậy, nền kinh tế đang đối mặt với không ít thách thức. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 10/2016 ước tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng giảm 11,3%. Tính chung 10 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,2%, thấp hơn mức tăng 9,8% của cùng kỳ năm trước, chủ yếu do ngành khai khoáng tiếp tục giảm mạnh.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng qua ước tăng 9,3%, loại trừ yếu tố giá thì mức tăng là 7,4%, trong khi mức tăng của cùng kỳ năm trước lần lượt là 9,7% và 8,5%.

Tình hình thu ngân sách nhà nước tính đến cuối tháng 10/2016 tiếp tục có diễn biến tích cực, nhưng thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước chỉ đạt 148.700 tỷ đồng, bằng 58% dự toán năm. Nguyên nhân chủ yếu là do các tập đoàn, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến dầu, khí, than, khoáng sản và thủy điện gặp khó khăn.

Những thách thức trên đang gia tăng sức ép trên con đường hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% đề ra cho năm nay. Bởi lẽ, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% thì quý IV này phải đạt được mức tăng 8,3%.

Sự giảm tốc trong tăng trưởng kinh tế thời gian qua cho thấy, ngoài các yếu tố khách quan do ảnh hưởng của kinh tế thế giới, còn có những hạn chế mang tính nội tại của nền kinh tế chậm được khắc phục. Sức tăng trưởng của nền kinh tế trông chờ vào các nhân tố “thô” như khai thác tài nguyên, nhưng ngành công nghiệp khai khoáng đang gặp khó khăn.

Mặt khác, tăng trưởng GDP trong những quý gần đây có sự đóng góp của hoạt động giải ngân nguồn vốn đầu tư từ khu vực nhà nước. Nói cách khác, một phần tăng trưởng GDP dựa vào tăng vốn đầu tư, tăng tín dụng thông qua các biện pháp giảm lãi suất.

Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP đề ra cho năm nay, những hạn chế trên cần được khắc phục, nền kinh tế cần dịch chuyển tăng trưởng từ lượng sang chất rõ nét hơn, hiệu quả hơn.

Tin bài liên quan