Sức ép đổi mới tạo cơ hội để thị trường trái phiếu vững bước

Sức ép đổi mới tạo cơ hội để thị trường trái phiếu vững bước

(ĐTCK) Sau 4 năm Sở GDCK Hà Nội (HNX) khai trương thị trường trái phiếu chuyên biệt, những kết quả cụ thể đang ngày càng rõ nét trong nền kinh tế.

Thị trường sơ cấp đến nay đã giúp Chính phủ và các chủ thể phát hành huy động trên 400.000 tỷ đồng thông qua công cụ trái phiếu. Trên thị trường thứ cấp, giao dịch ngày càng sôi động, có giai đoạn tỷ lệ thanh khoản tương đương mức trung bình của các thị trường trong khu vực. Năm 2012, lần đầu tiên Việt Nam được vinh danh có thị trường trái phiếu phát triển nhanh nhất trong số các quốc gia mới nổi ở khu vực Đông Á. Mức tăng trưởng thị trường trái phiếu của Việt Nam là 42,7%.

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc HNX, sức ép đổi mới vừa là thách thức, vừa là cơ hội để HNX nỗ lực đổi mới hệ thống, đồng thời với việc thực hiện vai trò kết nối các chủ thể để tạo nên những bước đi quyết liệt, căn bản trên thị trường trái phiếu.

 

Vượt qua giai đoạn sơ khai

Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu đến năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành đưa ra yêu cầu phải phát triển thị trường trái phiếu một cách bền vững, đảm bảo an toàn hệ thống và từng bước tiếp cận thông lệ quốc tế để trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, an toàn, hiệu quả cho nền kinh tế. Theo lộ trình này, tỷ trọng dư nợ trái phiếu cần tăng lên khoảng 38% GDP vào năm 2020, trong đó dư nợ trái phiếu chính phủ (TPCP) khoảng 22% GDP, trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh khoảng 8% GDP; dư nợ trái phiếu chính quyền địa phương 1% GDP và dư nợ trái phiếu doanh nghiệp khoảng 7% GDP.

Sức ép đổi mới tạo cơ hội để thị trường trái phiếu vững bước ảnh 1

Sắp tới, HNX sẽ ra mắt chỉ số trái phiếu Bond-Index và một số sản phẩm khác như Cross - curency repos, when - issued…

Theo ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), 4 năm vừa qua, thị trường trái phiếu chuyên biệt đã có bước phát triển rất nhanh chóng, quy mô thị trường không ngừng tăng lên. Năm 2010, quy mô thị trường đạt 12% GDP và đến thời điểm cuối tháng 6/2013, con số này đạt 16,5% GDP. Đặc biệt, những chuyển động về chính sách, khuôn khổ pháp lý đối với thị trường này đang được hoàn thiện theo hướng thống nhất và xuyên suốt, gắn kết thị trường sơ cấp với thứ cấp, đồng thời tăng quyền hạn, nghĩa vụ cho các thành viên tham gia thị trường.

Cùng với những chuyển biến về hạ tầng giao dịch và chính sách, những kết quả cụ thể của thị trường TPCP được thể hiện rõ qua các con số hàng năm. Thống kê của HNX cho biết, trên thị trường sơ cấp, tỷ lệ đấu thầu thành công tăng liên tục, từ mức 32% năm 2010 lên mức 52% năm 2012 và đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2013, tỷ lệ thành công lên tới 70%. Trong năm 2013, sau nhiều năm không phát hành trái phiếu kỳ hạn dài, Kho bạc Nhà nước đã phát hành thành công trái phiếu kỳ hạn 15 năm. Công tác đấu thầu được điện tử hóa hoàn toàn, giảm thiểu thời gian thực hiện và các rủi ro tác nghiệp cho thành viên, giúp cơ quan quản lý và nhà phát hành ra quyết định về lãi suất phát hành nhanh chóng, hiệu quả.

Trên thị trường thứ cấp, quy mô niêm yết tăng mạnh từ mức 160.000 tỷ đồng năm 2009 lên 460.000 tỷ đồng vào tháng 6/2013. Bên cạnh đó, quy mô giao dịch của TPCP tăng dần qua các năm. 6 tháng đầu năm nay, giao dịch trái phiếu diễn ra sôi động với tỷ lệ thanh khoản của thị trường đạt 0,9 lần, bằng với mức trung bình của các thị trường khu vực. Thành viên tham gia tích cực trên thị trường này vẫn là các ngân hàng thương mại, với tỷ trọng giao dịch chiếm trên 50% toàn thị trường.

Hai điểm sáng đáng chú ý trên thị trường này là giao dịch tự doanh của CTCK và giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài đang dần được cải thiện. 6 tháng đầu năm 2013, giao dịch tự doanh của CTCK bằng 50% giao dịch tự doanh của khối này trong 3 năm, 2010 - 2012. Với nhà đầu tư nước ngoài, mức độ tham gia của họ trên thị trường có dấu hiệu cải thiện, từ dưới 20% giá trị thị trường lên khoảng 30% giá trị thị trường trong giai đoạn gần đây.

Theo đánh giá của nhiều thành viên, dù còn nhiều điểm phải hoàn thiện, nhưng những bước tiến trên thị trường TPCP là đáng ghi nhận. Có những kết quả trên, HNX cho rằng, là do sự chỉ đạo sát sao của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, UBCK cùng sự hợp sức của các thành viên thị trường. Sức ép đổi mới, phải hoạt động hiệu quả vừa là thách thức, vừa tạo cơ hội để thị trường TPCP vững bước phát triển.

 

Con đường tương lai

So với những phần việc đưa ra trong Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu đến 2020 thì thị trường này còn quá nhiều việc phải làm, trong đó, điểm cốt lõi là đa dạng hóa hệ thống nhà đầu tư và phải tổ chức được thị trường trái phiếu doanh nghiệp có quy mô tương đối lớn bên cạnh thị trường TPCP. Trong lộ trình đến năm 2020, từng công việc cụ thể hàng năm đã được Bộ Tài chính hoạch định rõ, chẳng hạn, năm 2013 sẽ là năm ban hành cơ chế, chính sách về thành lập, tổ chức và hoạt động của công ty định mức tín nhiệm. Cũng trong năm này, nhiệm vụ đặt ra là phải củng cố, hoàn thiện hệ thống tạo lập thị trường trái phiếu thứ cấp với quyền và nghĩa vụ cụ thể cho các thành viên và thí điểm phát triển hệ thống thanh toán TPCP qua Ngân hàng Nhà nước… Những phần việc này đang được các cơ quan chuyên môn triển khai thực hiện, trong hiện trạng thị trường còn nhiều khó khăn phải vượt qua.

Khó khăn trước mắt là cơ sở nhà đầu tư quá đơn điệu. 90% giá trị giao dịch trái phiếu hiện do các ngân hàng thương mại thực hiện, trong khi các tổ chức khác như quỹ bảo hiểm, quỹ tương hỗ, công ty bảo hiểm nhân thọ… tham gia rất hạn chế. Thực trạng này, theo UBCK, khiến cơ cấu hàng hóa gốc mất cân đối, không giúp chủ thể phát hành kéo dài được kỳ hạn vay, khó đa dạng hóa đối tượng vay. Giải pháp cho vấn đề này, theo UBCK, là phải mở rộng cơ sở nhà đầu tư, đặc biệt hướng tới nhà đầu tư nước ngoài thông qua việc đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao công nghệ, cơ sở hạ tầng và tăng cường hợp tác quốc tế để quảng bá rộng hơn thị trường trái phiếu, TTCK Việt Nam đến các nhà đầu tư quốc tế.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện chưa được quản lý, phát triển nhỏ lẻ, manh mún, cơ sở ban đầu để hình thành thị trường này mới là việc Hiệp hội Thị trường trái phiếu đề xuất mô hình trung tâm thông tin phát hành, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp. Để phát triển thị trường này, ngoài điều kiện khách quan là nền kinh tế chuyển biến tích cực, cần rất nhiều nỗ lực từ phía Hiệp hội, các DN và nhà quản lý.

Một khó khăn khác là quyền và nghĩa vụ của các thành viên đấu thầu trái phiếu chưa được định rõ, khi quy định pháp lý hiện hành mới đưa ra “nghĩa vụ” chào mua, chào bán với cam kết chắc chắn tối thiểu 30 tỷ đồng/ngày. Do đó, để duy trì sự sôi động và hấp dẫn của thị trường TPCP, các thành viên cho rằng, Bộ Tài chính cần cơ chế cân bằng giữa lợi ích và nghĩa vụ của các thành viên, cụ thể các quyền lợi về phí, thông tin, đi cùng nghĩa vụ đóng góp phát triển thị trường.

TOP 10 thành viên có thị phần trúng thầu lớn nhất 8 tháng 2013

STT

Mã TV

Tên Thành viên

1

BID

Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam

2

VCH

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam

3

002

Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN

4

MSB

Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam

5

CTG

Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam

6

009

Công ty TNHH Chứng khoán NHTMCP Ngoại Thương Việt Nam

7

TCB

Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam

8

SGT

Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín

9

VPB

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng

10

MBB

Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội

  Liên quan đến sản phẩm mới, đây có lẽ là điểm được thực hiện thường xuyên nhất trên thị trường TPCP, bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó tổng giám đốc HNX cho biết, sắp tới HNX sẽ ra mắt chỉ số trái phiếu Bond-Index sau khi đã chính thức ra mắt Đường cong lãi suất TPCP hồi tháng 3 vừa qua. Hiện tại, HNX đã hoàn thành giai đoạn nghiên cứu cơ bản, dự kiến trong quý IV năm nay, Sở sẽ giới thiệu phương pháp xây dựng chỉ số này ra thị trường. Một số sản phẩm khác như Cross - curency repos, when - issued… đang được cơ quan này nghiên cứu tính khả thi, sẽ từng bước thăm dò để giới thiệu ra thị trường.

TOP 10 Thành viên có thị phần giao dịch lớn nhất 8 tháng 2013

STT

Mã TV

Thành viên

1

MSB

Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam

2

VCH

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam

3

009

Công ty TNHH Chứng khoán NHTMCP Ngoại thương Việt Nam

4

ANZ

Ngân hàng TNHH Một thành viên ANZ Việt Nam

5

VPB

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng

6

002

Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN

7

BID

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam

8

VBA

Công ty TNHH Một thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn VN

9

HSC

Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM

10

VIB

Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam

Chặng đường còn dài phía trước, nhưng từng bước từng bước một, cơ quan quản lý cũng như các thành viên thị trường đang nỗ lực vượt khó để xây dựng thị trường trái phiếu chuyên nghiệp tại Việt Nam .