Ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu 13 tỷ USD trong năm 2021. Ảnh: Đức Thanh.

Ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu 13 tỷ USD trong năm 2021. Ảnh: Đức Thanh.

Sức bật từ những ngành hàng tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
Xuất khẩu năm 2021 sẽ tiếp tục khai phá thêm các thị trường trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, nhờ vào sức bật từ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực.

Ngành gỗ, dệt may… xuất khẩu hàng chục tỷ USD

Kết quả xuất khẩu trị giá 281,5 tỷ USD, đạt tăng trưởng 6,5% trong năm 2020 mang đậm dấu ấn của các ngành hàng có giá trị xuất khẩu lớn như đồ gỗ, dệt may, da giày… với việc tận dụng tốt các FTA.

Không những hoàn thành, mà còn vượt chỉ tiêu xuất khẩu năm 2020 tới 5,7%, ngành lâm sản đã ghi điểm lớn trong các ngành hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD/năm, đóng góp đáng kể vào kết quả xuất siêu của cả nước.

Đến nay, Việt Nam đã ký kết 15 FTA, trong đó, 14 FTA đã có hiệu lực. Riêng Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP đang trong giai đoạn chờ phê chuẩn.

Những kết quả đạt được của năm 2020 đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn. Việt Nam đang có quan hệ thương mại với trên 230 thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước mở rộng thị trường, kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, năm 2020, xuất khẩu lâm sản đạt 13,2 tỷ USD, tăng 16,9% so với năm 2019. Với kết quả này, Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới, thứ 2 châu Á và số 1 Đông Nam Á về xuất khẩu lâm sản. Sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam đã có mặt tại hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ.

“Sức bật của ngành gỗ Việt Nam trong thời gian qua có sự đóng góp rất lớn từ sự thông thoáng của hệ thống pháp luật trong nước, cùng với các FTA đã có hiệu lực”, ông Tuấn đánh giá.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), năm 2020 là một năm rất thành công đối với ngành gỗ Việt Nam. Mặc dù đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh, nhưng trị giá xuất khẩu đồ gỗ chỉ giảm trong tháng 4 và tháng 5/2020; bắt đầu từ tháng 6/2020, xuất khẩu gỗ liên tục tăng mạnh.

Tương tự ngành gỗ, ngành dệt may cũng được đánh giá cao về khả năng tận dụng FTA trong thời gian vừa qua, dù kim ngạch xuất khẩu năm 2020 sụt giảm 4 tỷ USD so với năm 2019 vì Covid-19, nhưng vẫn đạt con số rất cao: 35,2 tỷ USD.

Về cơ hội của ngành sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản, Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, thị trường đồ nội thất của thế giới rất lớn, với giá trị thương mại khoảng 450 tỷ USD/năm, trong đó nội thất bằng gỗ khoảng 150 tỷ USD/năm. Kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam mới chiếm khoảng 6% thị phần toàn cầu, nên dư địa xuất khẩu của ngành còn rất lớn.

Năm 2021, ngành lâm sản đặt mục tiêu xuất khẩu 14,5 tỷ USD (tăng 12% so với năm 2020), trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 13 tỷ USD.

FTA tạo động lực xuất khẩu cho nhiều ngành hàng lớn

Năm 2020, Covid-19 ập đến làm chuỗi cung cầu bị đứt gãy, nhưng Việt Nam tiếp tục đạt mức xuất siêu lớn, tạo mảng sáng cho bức tranh nền kinh tế.

Số liệu của Bộ Công thương cho thấy, năm 2020, Việt Nam xuất siêu kỷ lục với gần 19,1 tỷ USD, cao gần gấp đôi so với mức thặng dư năm 2019 (10,87 tỷ USD).

“Việt Nam xuất siêu chủ yếu vào thị trường các nước phát triển, có yêu cầu khắt khe về chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu như Mỹ (xuất siêu gần 62,7 tỷ USD), EU (xuất siêu gần 20,3 tỷ USD)...”, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) thông tin.

Với mức xuất siêu kỷ lục của năm 2020, tổng cán cán cân thương mại hàng hóa giai đoạn 2016 - 2020 đạt xuất siêu năm sau cao hơn năm trước, góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP, tạo việc làm, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, nhất là nông sản.

Riêng đối với thị trường EU, năm 2020, xuất khẩu sang EU đạt 34,94 tỷ USD, giảm 2,3% so với năm 2019, chủ yếu do các tác động của đại dịch.

Tuy nhiên, sau 5 tháng thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), xuất khẩu sang EU đạt khoảng 15,38 tỷ USD, tăng khoảng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU sau khi EVFTA được thực thi, điển hình như thủy sản, tôm, gạo…

Kể từ khi EVFTA có hiệu lực (tháng 8/2020) đến hết ngày 18/12/2020, các tổ chức được ủy quyền đã cấp gần 62.500 bộ chứng nhận xuất xứ (C/O) để hưởng ưu đãi tại thị trường EU, với kim ngạch khoảng 2,35 tỷ USD.

Các mặt hàng đã được cấp C/O chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va-li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan; nông sản; hàng điện tử... Điều này cho thấy, hiệu quả khai thác lợi ích ngay sau khi Hiệp định được đưa vào thực thi rất tốt.

Đối với thị trường các nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường trong Khối cũng đạt mức tăng tích cực. Năm 2020, xuất khẩu sang Canada duy trì mức tăng trưởng dương, đạt 4,35 tỷ USD, tăng 11,9%; xuất khẩu sang Mexico đạt 3,17 tỷ USD, tăng 12,2%.

Tin bài liên quan