Trong kịch bản tích cực, BSC dự báo, đến cuối năm 2015, VN-Index có khả năng đạt 650 điểm

Trong kịch bản tích cực, BSC dự báo, đến cuối năm 2015, VN-Index có khả năng đạt 650 điểm

Sửa Nghị định 58: Chính phủ nên xử lý dứt điểm việc nới room

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2012/NĐ-CP đề cập hai vấn đề trọng yếu là nới “room” và buộc DN phải lên sàn sau khi IPO. 

Theo đánh giá của CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), nếu văn bản này xử lý được dứt điểm vấn đề về tỷ lệ đầu tư tối đa của NĐT ngoại trong các công ty đại chúng, đồng thời Chính phủ có những nỗ lực tổng thể để hoàn thiện pháp lý thúc đẩy sự minh bạch, lành mạnh của nền kinh tế, thì cơ hội để TTCK bứt lên khi nền kinh tế Việt Nam đang từng bước phục hồi vững chắc, là rất lớn.

"Chạm" vào hai vấn đề trọng yếu

Ngày 20/3/2015, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tổ chức hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Nghị định 58 (sửa đổi) để lấy ý kiến công chúng. Liên quan đến văn bản này, BSC đã có báo cáo phân tích thể hiện quan điểm của Công ty và đưa ra những kịch bản của TTCK. Theo BSC, ngoài những quy định có tính chặt chẽ hơn về phát hành riêng lẻ, phát hành ra công chúng… nhằm nâng cao tính minh bạch trên TTCK, dự thảo Nghị định tập trung vào 2 nhóm vấn đề trọng yếu, có ảnh hưởng lớn đến thị trường, bao gồm:

Thứ nhất, quy định mới về “room” cho NĐT nước ngoài. Theo đó, tỷ lệ sở hữu tối đa trong các DN Việt đối với NĐT nước ngoài được mở rộng hơn, được chia thành 3 nhóm:

- Nhóm thực hiện theo luật chuyên ngành (ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, viễn thông, dược phẩm…) có điều kiện về hoạt động đầu tư cũng như sự tham gia của NĐT nước ngoài vào DN.

- Nhóm các công ty đại chúng còn lại (sau khi để riêng nhóm các DN phải thực hiên theo luật chuyên ngành) gồm đa số công ty đã niêm yết sẽ thực hiện theo quy định tại điều lệ công ty, nhưng không vượt quá tỷ lệ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

- Nhóm DNNN được chào bán ra công chúng để cổ phần hóa, tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài sẽ được thực hiện theo phương án cổ phần hóa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Đáng lưu ý, dự thảo Nghị định cho phép NĐT có vốn nước ngoài được tham gia không hạn chế mua cổ phần, hoặc góp vốn cổ phần sở hữu tại các CTCK (quy định hiện hành tối đa là 49%). Đối với trường hợp NĐT sở hữu trên 49% cổ phần cần đáp ứng một số điều kiện cụ thể (yêu cầu là các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, có thời gian hoạt động tối thiểu 2 năm liền trước năm tham gia góp vốn và đáp ứng một số quy định chuyên ngành).

Thứ hai, thêm quy định mới để lành mạnh hóa TTCK: DN sau khi bán cổ phần ra công chúng (IPO) phải đưa chứng khoán lên sàn UPCoM. Cụ thể: tất cả các công ty, không ngoại trừ DNNN được cổ phần hóa, ngay sau khi thực hiện IPO phải đăng ký giao dịch chứng khoán trên sàn UPCoM trong vòng 30 ngày; tất cả các công ty đại chúng phải thực hiện đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM hoặc niêm yết trước mới được thực hiện chào bán chứng khoán, kể cả trong trường hợp chào bán riêng lẻ.

Chính phủ nên xử lý dứt điểm việc nới room tại công ty đại chúng

Về vấn đề nới room, BSC cho rằng, tại dự thảo Nghị định 58, Chính phủ nên xử lý dứt điểm quan điểm về nới room tại các DN đại chúng mà ngành nghề kinh doanh không bị hạn chế bởi pháp luật chuyên ngành. Ngoại trừ các DN hoạt động trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thực tế hiện nay có tình trạng là các DN đại chúng phải chịu chung giới hạn đầu tư tối đa của NĐT nước ngoài ở mức 49%, trong khi DN không đại chúng thì người nước ngoài được mua cổ phần không hạn chế. Sự bất cập này sẽ được giải quyết nếu dự thảo Nghị định 58 cho phép NĐT nước ngoài được đầu tư không hạn chế vào các DN đại chúng, trừ các DN nằm trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Nếu vấn đề về room cho DN đại chúng được xử lý dứt điểm tại Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 58, BSC dự báo, triển vọng thu hút các dòng vốn mới vào TTCK là tích cực. Với diễn biến tăng trưởng kinh tế ổn định, lạm phát được kiểm soát và duy trì ở mức thấp, mặt bằng lãi suất liên tục giảm, tỷ giá hối đoái được giữ vững trong những năm qua, chính sách điều hành của Chính phủ nhất quán và thông suốt, nhiều cơ hội của nền kinh tế được mở ra, dòng vốn đầu tư gián tiếp từ nước ngoài sẽ đổ mạnh vào TTCK. Riêng đối với các CTCK, khi Nghị định có hiệu lực, hệ thống CTCK sẽ có những bước tái cấu trúc mạnh mẽ, gia tăng năng lực cạnh tranh trong vòng 3 - 5 năm tới.

Tính riêng các công ty niêm yết đã hết room, theo thống kê của BSC, có 34 cổ phiếu (29 trên HOSE và 5 trên HNX) tập trung vào những DN lớn, đầu ngành. Nếu dỡ bỏ hoặc nới room cho NĐT nước ngoài tại DN đại chúng được quy định rõ tại Nghị định sửa đổi Nghị định 58, động thái mua thêm của NĐT nước ngoài đối với các cổ phiếu đã hết room này sẽ đẩy mặt bằng giá giao dịch lên và tác động tích cực đối với toàn bộ thị trường.

Cần nỗ lực tổng thể hoàn thiện chính sách pháp lý

Việc dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 58 buộc các DN muốn huy động vốn, các DN sau IPO phải đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM hoặc niêm yết là một quyết sách mạnh mẽ để tăng cường tính minh bạch, bảo vệ NĐT và lành mạnh hóa TTCK. BSC cho rằng, văn bản này cần sớm được ban hành trong tháng 4 năm nay để tạo niềm tin cho NĐT và động lực mới cho thị trường. Cùng với 2 tác động trọng yếu mà văn bản trên kỳ vọng mang lại, để TTCK thực sự lành mạnh và có động lực tăng trưởng về dài hạn, Chính phủ cần tiếp tục có những nỗ lực tổng thể để hoàn thiện chính sách pháp lý.

Thứ nhất, cùng với việc sửa đổi Nghị định 58, Chính phủ cần rà soát, điều chỉnh trong pháp luật chuyên ngành (những ngành đang hạn chế NĐT nước ngoài: ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, phân phối dược phẩm…) các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh, theo hướng nâng tỷ lệ sở hữu tối đa đối với NĐT nước ngoài tham gia đầu tư, góp vốn. Sự tham gia của NĐT nước ngoài trong các DN Việt Nam sẽ tạo thêm động lực để DN cải thiện chất lượng quản trị, tăng hiệu quả hoạt động và đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của nền kinh tế. Tại nhiều nước trong khu vực có nền kinh tế phát triển hơn Việt Nam như Thái Lan, Singapore, Malaysia…, số ngành nghề hạn chế NĐT ngoại tham gia là rất ít và ngay cả ngành nghề nhạy cảm như ngân hàng, NĐT nước ngoài cũng được quyền sở hữu đến 70%.

Thứ hai, đối với DNNN cổ phần hóa, hiện dự thảo Nghị định 58 có những quy định chặt chẽ hơn về thời gian DN phải đưa cổ phiếu lên sàn. BSC cho rằng, đây là sự chuyển động tích cực về pháp lý để giải quyết tình trạng các DNNN, nhất là các DNNN lớn, sau IPO chây ỳ đưa cổ phiếu vào giao dịch. Tuy nhiên, để phù hợp với dự thảo Nghị định 58, Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg về bán cổ phần và thoái vốn DNNN cũng cần được sửa đổi theo hướng điều chỉnh lại khung thời gian đưa lên giao dịch UPCoM và niêm yết, đồng thời phải bổ sung quy định về chế độ báo cáo và chế tài đối với người đại diện vốn nhà nước trong việc thực thi trách nhiệm này.

Thứ ba, Chính phủ cần kiên quyết hơn trong việc tạo khung pháp lý buộc các DN sau cổ phần hóa bán tiếp cổ phần Nhà nước để xuống mức sở hữu thấp, hoặc thoái toàn bộ để thu hút các thành phần kinh tế tham gia, tạo sự thay đổi thật sự trong quản trị DN. Chỉ bằng cách này mới có thể giải quyết dứt điểm tình trạng “bình mới, rượu cũ” tại các DNNN tái cấu trúc, huy động tối đa nguồn lực của xã hội vào đầu tư sản xuất - kinh doanh, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách.

Hai kịch bản TTCK năm 2015

TTCK Việt Nam chịu ảnh hưởng không nhỏ từ những biến động của kinh tế thế giới và động thái của các ngân hàng trung ương Mỹ, Nhật Bản, châu Âu. Tuy nhiên, diễn biến thị trường sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào triển vọng kinh tế vĩ mô trong nước và các chính sách của Chính phủ. BSC dự báo hai kịch bản của TTCK năm 2015 trên cơ sở đánh giá các yếu tố vĩ mô và chính sách kinh tế nói chung, trong đó có việc sửa đổi Nghị định 58 (xem bảng).

Tin bài liên quan