Đơn cử, trong bài tham luận của mình, Ths. Bùi Thị Hằng Nga, Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng, việc xác định trích lập dự phòng nghiệp vụ cho mục đích thanh toán theo quy định tại Khoản 1, Điều 96 - Luật Kinh doanh bảo hiểm là không hoàn toàn chính xác, bởi ngoài trách nhiệm bảo hiểm, có hợp đồng bảo hiểm còn mang các quyền lợi tích lũy về số tiền đầu tư, nên để đầy đủ hơn cần sửa theo hướng “Dự phòng nghiệp vụ là khoản tiền doanh nghiệp bảo hiểm phải trích lập nhằm đảm bảo cho những trách nhiệm đã cam kết theo hợp đồng bảo hiểm…”.
Tương tự, quy định tại Khoản 3 - Điều 96 luật này cũng nên sửa đổi thành “Bộ Tài chính quy định về cơ sở, phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm” để đảm bảo tính khái quát, thay vì chỉ quy định về “mức trích lập, phương pháp trích lập”.
“Đối với hoạt động đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm, nên bỏ giới hạn các tài sản doanh nghiệp bảo hiểm có thể đầu tư, bổ sung quy định về danh mục các khoản đầu tư bị cấm và hạn mức từng khoản mục đầu tư; bổ sung quy định tính toán số vốn tối thiểu cần thiết tương ứng với từng loại hình tài sản đầu tư của từng doanh nghiệp bảo hiểm cũng như các hoạt động kinh doanh khác, hoạt động đầu tư tiềm ẩn nhiều rủi ro…”, bà Nga đề xuất.
Hay với dịch vụ phụ trợ bảo hiểm - một loại dịch vụ mới trên thị trường, TS. Phan Phương Nam, Trường Đại học Luật TP HCM cho biết, hiện vẫn chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực này, gây khó khăn trong công tác quản lý.
“Một trong các nguyên tắc hoạt động của dịch vụ phụ trợ bảo hiểm là ‘tuân theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực phụ trợ bảo hiểm’, nhưng tiêu chuẩn lại do tổ chức cung cấp dịch vụ tự quy định nên tiềm ẩn rủi ro kém minh bạch”, ông Nam nêu ví dụ.
Ngoài ra, theo quy định của pháp luật hiện hành, chỉ có tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm mới phải “xây dựng, triển khai và giám sát việc thực hiện tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm”, còn đối với cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm thì không xác định trách nhiệm, như vậy sẽ thiếu cơ sở để giám sát việc chấp hành hoạt động cung cấp dịch vụ phụ trợ của đối tượng này.
Ông Đồng Hoàng Nam, Giám đốc cấp cao Phòng Pháp lý Prudential đánh giá, doanh nghiệp bảo hiểm hiện gặp nhiều khó khăn trong việc thu nhập thông tin tình trạng sức khỏe của người được bảo hiểm do một số bệnh viện không chấp nhận chữ ký điện tử trên bộ hợp đồng bảo hiểm.
“Để tháo gỡ vướng mắc, cơ quan chức năng cần sớm ban hành các hướng dẫn cụ thể đối với việc áp dụng chữ ký điện tử trong các giao dịch bảo hiểm, làm rõ định nghĩa ‘cơ quan bảo hiểm’ theo Điều 59, Khoản 4 - Luật Khám chữa bệnh có bao gồm doanh nghiệp bảo hiểm hay không; mở rộng một số trường hợp cho phép các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có nghĩa vụ cung cấp thông tin cho một số mục đích cụ thể (ví dụ phòng chống trục lợi bảo hiểm)”, ông Nam kiến nghị.
Liên quan tới vướng mắc trong việc tố cáo hành vi gian lận, trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm theo Điều 213 - Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi năm 2017, theo ông Nam, hiện nay, doanh nghiệp bảo hiểm phát hiện một số trường hợp có hành vi gian lận, trục lợi bảo hiểm nhưng chưa thể tố cáo đến cơ quan công an để truy cứu trách nhiệm hình sự do quy định phải có yếu tố cấu thành vật chất, tức là phải có hậu quả của hành vi mới cấu thành tội phạm hình sự.
“Để tăng tính răn đe cũng như phù hợp với tình hình thực tế, cần sửa đổi quy định này theo hướng tội gian lận, trục lợi cấu thành khi hoàn tất hành vi gian lận, trục lợi bảo hiểm”, ông Nam nói.