Trải qua hơn hai năm rưỡi chống trả “cơn cuồng phong” mang tên Covid-19, Hà Nội trong diện mạo mới tấp nập, sôi động như chưa từ có “sóng thần” Covid-19 quét qua. Đằng sau sự ồn ào, náo nhiệt, hiện đại là nét cổ kính, sâu lắng của lớp “trầm tích” văn hóa được bồi tụ qua 10 thế kỷ và lâu hơn thế nữa.
Khám phá Hà thành những ngày này, du khách từ phương xa ví Thủ đô của Việt Nam như một cây đại cổ thụ căng tràn nhựa sống. Từ thân cho đến ngọn, những cành cây xù xì, gân guốc bồng cựa quậy bật chồi non tươi mơn mởn, trong xanh như ngọc đón ánh nắng tinh khôi sau mùa đông lạnh giá thu mình.
Hà Nội như một “thực thể sống” giàu xúc cảm, có vui buồn, có lắng đọng, có hân hoan, náo nức, có “chất riêng” và một “tâm hồn” khác biệt, thật dung dị, quyến rũ, đài các, mê động lòng người.
Ngành kinh tế xanh Hà Nội đã và đang “trỗi dậy” mạnh mẽ hậu Covid-19, song, hành trình khẳng định vị thế của một trong những trung tâm du lịch hàng đầu châu Á vẫn còn không ít khó khăn, thách thức.
Với vai trò đầu tàu, kết nối các điểm đến trong nước và quốc tế, trong bối cảnh ngành kinh tế xanh đang phục hồi mong manh, sự bật dậy của du lịch Hà Nội càng phải chắc chắn và mạnh mẽ. Có như vậy, du lịch Thủ đô mới không rơi vào bẫy trung bình thấp, kéo theo đoàn tàu du lịch Việt Nam chạy nhanh hơn, bay cao và xa hơn. Và để hấp dẫn cũng như níu chân du khách lâu hơn. Họ vui hơn, chi tiêu mạnh hơn, yêu mến và trở lại du lịch Hà Nội nhiều lần hơn.
Dẫu chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhưng ngành kinh tế xanh Hà Nội vẫn vững vàng, hiên ngang, kiên gan, không ngừng sáng tạo trong gian khó, nỗ lực vươn lên và phục hồi mạnh mẽ.
Hà Nội có khi muốn tự giấu mình, im lặng mà vẫn âm vang, muốn xa lạ mà thân thuộc, muốn bị lãng quên mà vẫn hiện diện thật đậm sâu và đầy mê hoặc.
Ngay cả với vợ chồng chị Nathalie Rykiel, anh Tiberghien Frederec đến từ Pháp, những du khách có máu xê dịch, đã khám phá, trải nghiệm hơn 80 quốc gia trên thế giới, cũng “phải lòng” Hà Nội ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Đáp xuống sân bay Nội Bài lúc 7h sáng một ngày tháng 8 nắng chói chang, hai vợ chồng chị Nathalie Rykiellên chiếc taxi thẳng tiến đến Khách sạn La Storia Hà Nội (số 45 Hàng Đồng, quận Hoàn Kiếm), giữa khu phố cổ Hà Nội.
Đường Võ Nguyên Giáp (Hà Nội) nối sân bay Nội Bài với cầu Nhật Tân phẳng lì, rộng và thoáng đãng. Dải phân cách giữa rộng, được phủ kín năm tầng cây xanh, hoa dâm bụt, tường vi… đua nhau khoe sắc. Vỉa hè hai bên đường là những hàng cây xanh mướt đều tăm tắp tỏa bóng mát. Nắng xiên những tia vàng óng ánh như tơ trời qua tán cây rớt xuống mắt đường lấp lánh. Cầu Nhật Tân rộng, dài, cong nhẹ nâng 5 trụ tháp kết nối các nhịp dây văng hiện đại hiện đại.
“Hà Nội cũng có con đường và cây cầu tuyệt đẹp thế này ư! Tôi đã chuẩn bị tâm thế trải nghiệm một thành phố với giao thông lộn xộn, tắc đường và khói bụi mịt mù cơ đấy. Thật tuyệt vời và bất ngờ!”, anh Tiberghien Frederec thốt lên.
Hào hứng khám phá Hà Nội, sau khi đã ngủ no giấc trên máy bay và cất hành lý tại khách sạn, cặp đôi bắt taxi đến đoạn phố đường tàu Phùng Hưng. Họ chọn một quán cà phê giản dị, gọi ly 2 cà phê phin kèm đĩa hướng dương.
Anh Tiberghien Frederec nén nắp phin, nhìn chằm chằm vào từng giọt cà phê nhỏ xuống và nhận định:“Cà phê phin Việt Nam là một phát minh tuyệt vời. Nó giản đơn và giản dị”. Rồi anh thêm chút sữa đặc, ngoáy cho tan, nhấp một ngụm, thêm ngụm nữa và ngụm nữa. “Ồ! một vị cà phê đậm đặc và ngon đến mê mẩn. Đợi chờ, kiên nhẫn và tận hưởng sự chậm rãi thật đáng quý biết bao!”, anh trầm trồ.
Nhìn ngắm con phố, cả hai đều kinh ngạc, choáng ngợp với những cảnh tượng mà họ ví như “đang lạc vào một hành tinh khác lạ”. Đường ray tàu hỏa cách chỗ họ ngồi chỉ hơn một mét. Hai bên đường là nhà cửa cũ kỹ san sát nhau. Người dân vẫn sống và sinh hoạt bình thường. Khách du lịch đi lại chụp ảnh. Một anh Tây nằm sấp dài trên đường ray ép mặt xuống tạo dáng độc đáo cho bạn ghi lại khoảnh khắc ấn tượng.
Mọi người đều sẵn sàng máy ảnh, máy điện thoại, chờ đợi đoàn tàu rầm rập chạy qua. Những du khách nước ngoài, trong đó có cả anh Tiberghien Frederec hào hứng livestream và không thôi xuýt xoa kinh ngạc: “Thật mới lạ. Thật khó tin vượt ngoài sức tưởng tượng. Tôi cảm giác đang được khám phá một hành tinh khác vậy!”.
Rời phố cà phê đường tàu, cặp đôi khám phá Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long Hà Nội, di tích được UNESCO vinh danh Di sản văn hóa thế giới năm 2010.
Từ Cột cờ chứng nhân lịch sử lừng lưỡng đến Cổng Đoan môn kiêu hãnh, từ Điện Kính Thiên trầm mặc đến khu khảo cổ học chất chứa tinh hoa, trục thần đạo gói ghém linh hồn Hà Nội xưa và nay…; dấu vết hoàng cung nhuốm màu thời gian, quá khứ huy hoàng, tầng tầng, lớp lớp vỉa vàng của lịch sử văn hóa Việt Nam suốt 13 thế kỷ dần hiện ra, chạm vào rung cảm sâu xa, khiến những vị khách từ phương xa bị mê hoặc.
Trái ngược với nhịp sôi động của khu phố đường tàu, Hoàng thành Thăng Long trầm mặc, tĩnh lặng. Hai du khách Pháp dừng lại chiêm ngưỡng những hiện vật tiêu biểu, độc đáo tại phòng trưng bày “Thăng Long - Lịch sử nghìn năm từ lòng đất” rất lâu.
Từ viên gạch vuông in đôi cá sấu thời Đại La; gạch Đại Việt quốc quân thành chuyên thời Đinh - Tiền Lê; vật liệu trang trí đầu rồng, chiếc bát gốm trắng xương mỏng ngự dụng thời Lê Sơ, đến lá đề trên cung điện thời Lý… dường như đều biết kể chuyện ngàn năm.
Từng khám phá hơn 80 quốc gia trên thế giới, chị Nathalie Rykiel thốt lên: “Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới với những giá trị nổi bật toàn cầu hiếm nơi nào có được. Đây là di sản có quá trình lịch sử lâu dài nhất khu vực châu Á”.
Thật vậy, dẫu không còn giữ được dáng vẻ nguy nga, lộng lẫy, bởi bao biến thiên của thời gian và thăng trầm lịch sử; nhưng Hoàng cung Thăng Long vẫn hiện lên lung linh, độc đáo qua các di vật cùng những dấu tích kiến trúc và tầng văn hóa qua các thời kỳ xếp chồng lên nhau trải dài suốt 13 thế kỷ.
Rời khu khảo cổ học số 18 Hoàng Diệu lúc 12h30, cặp đôi đã đói bụng, nhưng họ vẫn đi bộ check-in di tích Bắc Môn, cổng thành duy nhất còn sót lại của thành Hà Nội thời Nguyễn, trước khi lên taxi ăn trưa tại phố ẩm thực Tống Duy Tân.
Tại đây, cả hai gọi bún chả và lập tức bị mê hoặc bởi món ăn “thần thánh” này. “Từng sợi bún trắng nhỏ, thả vào bát nước chấm màu hổ phách chứa chả nướng và dưa góp thơm lừng. Thêm chút rau sống, gắp một miếng đủ vị chua cay mặn ngọt, dậy thơm mùi tinh dầu cà cuống… hương vị lưu luyến mãi chẳng thể nào quên”, chị Nathalie Rykiel miêu tả như một chuyên gia ẩm thực.
Vì chưa thực sự no bụng, nên tới một nhà hàng gần đó, gọi một bát bún thang và ăn chung. Chọn bún thang vì “đây chính là món ăn sáng tạo, tỉ mỉ và công phu bậc nhất của ẩm thực Hà thành”, như tìm hiểu của hai du khách.
Một lần nữa, bún thang lại chinh phục hai tín đồ đam mê xê dịch. “Màu trắng tinh tế của giò lụa thái chỉ cùng những miếng lườn gà xé phay. Màu vàng óng của trứng tráng mỏng tang như tờ giấy. Màu đỏ của tôm he giã bông như ruốc, màu nâu của nấm hương, màu đỏ của ớt, màu xanh của hành… bày đan xen hình dẻ quạt trên nền bún trắng như một bức tranh đa sắc, được tô vẽ tỉ mỉ, công phu, vô cùng mãn nhãn”, anh Tiberghien Frederec hết lời khen ngợi.
Chị Nathalie Rykiel tiếp lời: “Chưa hết, kinh ngạc hơn là 20 nguyên liệu của món ăn đã được phối quyện với tỷ lệ không thể hoàn hảo hơn, đánh thức mọi giác quan của chúng tôi”. Chị quay sang cười tủm tỉm và bảo ông xã: “Sáng mai, chúng ta lại ăn món bún thang nhé?!”.
Để nạp đầy năng lượng cho hành trình tiếp theo, cặp đôi trở về khách sạn nghỉ trưa khoảng 45 phút. Buổi chiều, hai du khách khám phá không gian đi bộ Hồ Gươm. Họ không khỏi thích thú khi chứng kiến hàng ngàn người đổ về từ mọi phía, từ người già, trẻ con, thanh niên, gia đình, du khách nước ngoài, các cặp đôi chụp ảnh cưới, biểu diễn văn nghệ, trò chơi dân gia…
“Quả là một cảnh tượng rất có hồn, thể hiện cho một dân tộc rất hạnh phúc”, chị Nathalie Rykiel bày tỏ.
Còn anh Tiberghien Frederec không khỏi ngạc nhiên vì người Việt rất thân thiện: “Người thì mỉm cười, người thì gật đầu, người vẫy tay nói “hello”, có bạn thanh niên hỏi chuyện: “Where are you from?” và bắt tay tôi… Tôi cảm giác họ còn thân thiện và thân thiết hơn cả những người tôi quen ở Paris - quê hương tôi”, anh Tiberghien Frederec thổ lộ.
Tiếp tục hành trình khám phá Hà thành, đôi tình nhân check-in Nhà thờ Lớn Hà Nội, thưởng thức trà chanh gần đó. Rồi họ thích thú, mừng rỡ khi khám phá ra vườn hoa Hàng Trống, điểm đến không có trong kế hoạch ban đầu.
“Ẩn sau những cây to ven phố, những thảm cỏ, bồn hoa và gạch lát cổ điển, ở giữa có một tòa thư viện đẹp đẽ, vườn hoa này tĩnh lặng lạ thường, không có chút bóng dáng náo nhiệt phố xá. Nó khiến tôi nhớ đến những khu vườn cung điện Pháp yên tĩnh và lãng mạn”, chị Nathalie Rykiel so sánh.
Nắm tay nhau thong dong khám phá những mê lộ chằng chịt của các ngõ, ngách khu phố cổ, cặp đôi ví nơi đây như một kỳ quan của quy hoạch đô thị, một kho báu ẩn chứa nhiều bất ngờ.
Những con ngõ nhỏ có khi không dẫn tới đâu, không có điểm khởi đầu và điểm kết thúc; hoặc đó là một không gian khép kín và bất quy tắc. Ngõ Hà Nội tràn ngập cảnh sinh hoạt sôi động thường nhật. Ở đó có chợ, nhà thuốc, quán ăn, cửa hàng thời trang, chùa cổ, tiệm cắt tóc, trường mầm non... Nắng tháng 8 nhọc nhằn len lỏi qua những ngôi nhà cổ, buông mình trên những mái ngói, mảng tường rêu phong, điểm tô cho bức tranh phố cổ thêm giàu xúc cảm.
Dừng chân trước cửa Nhà tù Hỏa Lò để tham gia tour đêm, anh Tiberghien Frederec nhận xét: “Kiến trúc Hà Nội cổ kính và thật đẹp. Tôi có thể cảm nhận linh hồn của thành phố trong từng ngõ ngách. Tôi kinh ngạc trước các cảnh quan thường nhật của cuộc sống và tôi tìm thấy những nét đẹp trong những thứ giản dị nhất. Hà Nội có rất nhiều cây xanh, nhiều hồ, có những va chạm Đông - Tây, một chốn tràn ngập cảnh hài hòa của những con phố cổ kính, tựa như trường quay của một bộ phim lịch sử lãng mạn. Hà Nội có “chất riêng” và rất có hồn”.
Rời Nhà tù Hỏa Lò lúc 20 giờ 30, sau khi trải nghiệm tour tham quan “Đêm thiêng liêng 2: Sống như những đóa hoa” khó quên. “Xúc động, rơi nước mắt, rùng mình, trầm trồ, ấn tượng...” là những cảm xúc hai du khách phương xa miêu tả khi được hóa thân thành những người tù chính trị thời xưa.
Lúc này, họ quyết định lấp đầy cơn đói bằng bát cháo sườn Huyền Anh đối diện cổng chợ Đồng Xuân. Không giống như cháo gạo bình thường khác, cháo sườn ở đây gây thương nhớ bởi bột cháo trắng, mịn, quyện với thịt sườn nấu nhừ thật ngọt và thêm chút ruốc bông đậm đà. Cho thêm vài miếng quẩy và một chút tiêu thôi, bát cháo đã “hạ gục” hai tín đồ ẩm thực ngay từ lần “gặp” đầu tiên.
Sau khi đã ấm bụng, họ ghé thăm chợ đêm trải dài trên tuyến phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường, Hàng Khoai, Hàng Giầy. Ở đây, giống như một thiên đường mua sắm đúng nghĩa với các loại quần áo, giày dép, phụ kiện, đồ lưu niệm… đầy màu sắc hòa cùng ánh đèn rực rỡ.
“Khung cảnh thật lung linh, nhộn nhịp. Chúng tôi đã mua rất nhiều bưu thiếp nổi với những công trình biểu tượng của Hà Nội”, nữ du khách Pháp cười tít mắt.
Phố đi bộ khá dài, đôi chân đã mỏi, cặp đôi tìm đến phố Tạ Hiện, nơi được mệnh danh là khu phố Tây, ngã tư Quốc tế, phố bia, phố không ngủ… của Hà thành. Vừa nhâm nhi ly bia thủ công, cặp đôi vừa tận hưởng cái ồn ào tấp nập, tiếng nói cười, tiếng reo hò, hát ca nhộn nhịp.
“Sự náo nhiệt ở đây khiến tôi thực sự bất ngờ. Dường như, không còn chút bóng dáng nào của Covid-19 nữa!”, anh Tiberghien Frederec cảm thấy đã đi từ hết bất ngờ này tới sửng sốt khác chỉ trong chưa đầy 24 giờ, tại Hà Nội.
12 giờ đêm, quán bia đóng cửa, cặp đôi tiến về cây cầu Long Biên lịch sử. Từ trên cầu có thể nhìn ngắm cảnh sông Hồng gợn sóng, những ánh đèn xa xa ở nội thành hay toàn cảnh cầu Chương Dương. Nhiều người đến đây chỉ để ngắm nhìn chợ nông sản từ trên cao, hít thở không khí trong lành bên bờ sông Hồng, ngửi hương vị ngọt ngào của trái cây chín, để thả hồn vào gió, vào hương vị cuộc sống.
Không chỉ vậy, có lẽ đây là nơi nhộn nhịp nhất thành phố vào ban đêm. Lao động ở chợ nông sản Long Biên chủ yếu là phụ nữ, hai du khách Pháp bị cuốn theo bước chân của những người phụ nữ gánh hàng rong.
Ánh đèn điện chiếu sáng từng gian hoa quả, tiếng bốc vác hàng đêm khuya, tiếng cười nói râm ran tạo nên một “đời sống chợ đêm” đầy quyến rũ, tuy tất bật, nhưng đầy hào sảng của những người lao động bình dị. Những điều ít khi người ta cảm nhận được giữa phố thị tấp nập này. Rất dễ để nhận ra những người phụ nữ làm nghề bốc vác thuê ở đây. Thân hình gầy gò, ốm yếu, những bộ quần áo lao động cũ, lúc nào cũng kè kè bên mình những chiếc áo mưa, nón rách. Họ luôn sẵn sàng cho những đêm không ngủ để mưu sinh.
Không để lỡ thời gian, hai vị khách đam mê khám phá tiếp tục đến chợ hoa Quảng An trên đường Nghi Tàm để ngắm đủ loại hoa xinh đẹp như: Cúc, ly, hồng nhung, tuy líp, thanh liễu… Trong ánh đèn điện sáng rực, tiếng chào mời của người bán, tiếng kỳ kèo trả giá của người mua và tiếng xe ra vào lấy hoa khiến người ta ngỡ rằng Hà Nội không biết ngủ.
“Khu chợ giản dị mà đẹp xao xuyến mê lòng”, chị Nathalie Rykiel lại thốt lên khi bị níu chân khá lâu tại đây. Quả thực, nơi đây trở thành chợ hoa tươi đầu mối lớn nhất của miền Bắc. Mùa nào hoa nấy, chợ hoa Quảng An cứ rực rỡ tỏa hương suốt bốn mùa Hà Nội.
Hà Nội về đêm như bầu trời đầy sao lấp lánh, vô cùng lung linh, quyến rũ. Không chỉ với du khách mà ngay với cả người gốc Thủ đô thì Hà Nội vẫn cứ là đẹp nhất về đêm!
“Nếu bạn bè tôi đến Hà Nội và chẳng thể ngủ, tôi có thể thúc họ bước ra ngoài phố để nghe tiếng đêm Hà Nội thở, để thấy một Hà Nội trong dáng vẻ trầm tĩnh xưa cũ. Ở trong những đêm đó, có sự lặng lẽ bình dị, có chân thực trong cuộc sống mưu sinh”, chị Nathalie Rykiel nói chắc nịch.
Đưa ánh mắt nhìn về phía khách sạn khi trời tờ mờ sáng, anh Tiberghien Frederec giọng đầy cảm xúc: “Hà Nội vừa cổ kính, vừa năng động, trẻ trung. Tôi yêu những con người tình cờ gặp trên phố. Họ nhiệt tình và giản dị, chân thành, niềm nở với tôi. Tôi thích những khu chợ đêm. Bởi, tôi thấy rõ, đằng sau sự lộn xộn, inh ỏi, người Hà Nội vẫn tử tế, đối đãi với khách một cách niềm nở, chân thành”.
Rồi anh chợt hỏi: “Đêm mai, nếu không muốn ngủ thì sẽ đi đâu? Làm gì? Câu hỏi không tìm được lời giải đáp“ưng cái bụng” cặp đôi có máu khám phá này. Show Tinh hoa Bắc Bộ ư? Không đúng ngày diễn vì mai là thứ hai. Tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” ư? Họ đã khám phá khu di tích này vào ban ngày rồi!...
Thế nên, ngày thứ hai ở Việt Nam, sau khi khám phá các làng nghề Vạn Phúc, sơn mài Hạ Thái và gốm Bát Tràng, cặp đôi quyết định di chuyển tới Vịnh Hạ Long. Họ mang theo cảm giác tiếc nuối.
Chương 2: Như một cây đại cổ thụ căng tràn nhựa sống
Chương 3: Khoảng trống sau cú vươn mình
Chương 4: Để du lịch hà nội thoát bẫy trung bình
Chương 5: Để Hà Nội là miền đất của những câu chuyện bất tận