Sự thật đằng sau giá dầu tăng

Sự thật đằng sau giá dầu tăng

(ĐTCK) Ngày nay, bức tranh năng lượng đang mù mịt hơn bao giờ hết.

Nhà đầu tư càng có nhiều thông tin thì bức tranh đó như càng trở nên rối rắm. Những tin tức tạp nham và những báo cáo nghèo nàn được hệ thống truyền thông đói tin thổi phồng trên những trang nhất, khiến cho nhiều người tự hỏi rằng, bối cảnh năng lượng thực sự là gì.

Cũng có rất nhiều báo cáo dự đoán về một cuộc cách mạng về năng lượng hoá thạch, cũng như các tiến bộ khoa học sẽ thay đổi lĩnh vực năng lượng. Nhưng ngay khi mọi người vừa đọc được các bản báo cáo màu hồng này, thì đã bị “dội gáo nước lạnh” bằng những tin tức tiêu cực đến từ Trung Đông.

Giá dầu luôn rất nhạy cảm. Nếu nhìn vào các chu kỳ 12 tháng trong suốt từ năm 1947 trở lại đây, có thể thấy, mức tăng/giảm 25% của giá dầu mỗi năm là khá thường xuyên, và mức thay đổi 50% hay lớn hơn thi thoảng cũng xảy ra.

Nếu quan sát giá các quyền chọn ở thời điểm hiện tại, sẽ thấy, chúng phản ánh cùng một mức độ không chắc chắn ở phía trước. Ví dụ, ai đó hôm nay sẵn sàng trả 2,9 USD cho quyền chọn mua một thùng dầu trên sàn NYMEX vào tháng 9 sang năm ở mức giá 120 USD, giá đó là phù hợp với độ lệch chuẩn bình quân năm, ở mức 0,26.

Và nếu nhìn vào những nhân tố cơ bản hiện tại, không khó hình dung, những thay đổi lớn sẽ đến sớm. Giá dầu chắc chắn sẽ sụt giảm nếu kinh tế Trung Quốc suy giảm nghiêm trọng hoặc nếu Iraq thành công trong việc sản xuất thậm chí là chỉ một nửa sản lượng dầu mục tiêu của nước này. Mặt khác, một cuộc đụng độ quân sự với Iran cũng có thể tạo nên một cú tăng ngoạn mục của giá dầu. Nếu eo biển Hormuz bị đóng cửa, theo sau đó sẽ là một cú sốc cho nền sản xuất dầu lửa của thế giới với mức độ tương đương đợt cấm vận của OPEC năm 1973-1974.

Do cầu về dầu rất ít nhạy cảm với giá dầu trong ngắn hạn, và vì có rất ít sản lượng dôi dư trên thế giới ở thời điểm hiện tại, nên thậm chí chỉ những giảm sút hay bổ sung nhỏ về nguồn cung cũng có thể tạo nên một sự thay đổi lớn về giá dầu. Vì vậy, “tôi không mấy tin tưởng vào dự đoán giá dầu trong ngắn hạn của bất kỳ ai”, Jamus Hamilton, Giáo sư kinh tế của Đại học California nói.

“Ngoài ra, tôi cho rằng, chúng ta hiểu rất rõ những nhân tố chính đứng đằng sau tất cả các đợt tăng giá dầu từ năm 2005. Cầu về dầu, đặc biệt từ những nền kinh tế mới nổi, đã tăng lên đáng kể, và chúng ta cũng có một giai đoạn tăng trưởng sản xuất toàn cầu. Cả hai nhân tố đó hầu như sẽ tiếp diễn, nên viễn cảnh về giá dầu trong một thập kỷ tới khó mà khác với thời gian qua, với đặc trưng là nhạy cảm nhưng thiên về tăng”, giáo sư Hamilton bổ sung.

Ngoài các trường hợp Iran Syria , còn rất nhiều rủi ro địa chính trị khác có thể dẫn tới những cú sốc trên thị trường năng lượng. Danh sách các nước sản xuất dầu mỏ hầu như bao hàm các “điểm nóng” trên thế giới. Cụ thể, đang có những bất ổn tại Sudan Nigeria , và không khó để thấy diễn biến chính của các sự kiện tại Venezuela Kazakhstan . Iraq , hy vọng lớn nhất cho việc tăng sản lượng dầu, lại là một nơi đầy rẫy xung đột trong hầu hết thời gian của 3 thập kỷ qua. Những áp lực tương tự đối với hoạt động sản xuất dầu ở Ai Cập và Libya trong năm qua cũng có thể dễ dàng trở lại. Lo lắng lớn nhất là những điểm nóng Syria Iran có thể lan tỏa ra các quốc gia khác quanh “giếng dầu” của thế giới.

Bất cứ khi nào giá dầu tăng, các chính trị gia cũng nhanh miệng chỉ trích các nhà đầu cơ và các công ty dầu mỏ đã lũng đoạn thị trường. Liệu các chính trị gia này đã đúng, hay là còn có những nhân tố khác bị cố tình lờ đi, hoặc bị đánh lạc hướng bởi các chiến dịch truyền thông?

Câu chuyện khá đơn giản, “và mặc dù các chính trị gia có thể cố gắng bóp méo nó, bạn vẫn hy vọng rằng truyền thông sẽ làm tốt công việc đăng tải sự thật mà họ biết”, giáo sư Hamilton nói.

Hoạt động sản xuất dầu của thế giới nói chung đã trì trệ trong thời gian từ 2005 đến 2008, ngay cả khi GDP tăng 17% trong giai đoạn này. Với tốc độ tăng trưởng như thế, thông thường, cầu về dầu sẽ tăng lên, đặc biệt từ các nền kinh tế mới nổi, và trên thực tế, Trung Quốc đã tăng lượng mua dầu của mình lên 1 triệu thùng mỗi ngày trong 3 năm này. Nhưng không có sự tăng lên nào từ sản lượng dầu, có nghĩa rằng, phần còn lại - gồm Mỹ, châu Âu và Nhật Bản – phải giảm lượng mua của mình. Giá dầu đã tăng mạnh trước khi điều đó xảy ra và đã tăng quá mức. Vấn đề đặt ra là giá cao bao nhiêu sẽ buộc Mỹ phải giảm lượng mua? Câu hỏi dạng này chưa từng được đáp lại thoả đáng. Đó mới chính là vấn đề lớn hơn. Bởi người ta không tìm ra được lý do thuyết phục cho khả năng giá dầu sẽ giảm trong thời gian ngắn tới, còn về lâu dài, càng khó nói.