Sự phát triển của ngân hàng số là tất yếu

Sự phát triển của ngân hàng số là tất yếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) “Hiện nay, công nghệ và các ứng dụng mới trong ngành ngân hàng đang giúp các giao dịch diễn ra nhanh chóng, tiện lợi và dễ dàng hơn rất nhiều so với trước đây”. Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) với Báo Đầu tư Chứng khoán.

Tỷ lệ tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán từ năm 2015 đến tháng 6/2020 tuy có giảm nhưng chậm và đến quý II/2020 tỷ lệ này vẫn đạt khoảng 11,8%, cao hơn so với mục tiêu dưới 10% của Quyết định 2545/QĐ-TTg phê duyệt đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020. Số liệu cho thấy “tiền mặt vẫn là vua” ở Việt Nam, ông nhận định gì về thực tế này?

Đúng là “tiền mặt vẫn là vua” ở Việt Nam khi vẫn có gần 90% giao dịch hàng ngày thanh toán bằng tiền mặt.

Tuy nhiên, thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 30 triệu người sử dụng hệ thống thanh toán ngân hàng qua internet mỗi ngày. Với tốc độ tăng trưởng về lượng giao dịch trên Mobile Banking tại Việt Nam là 200%, giá trị giao dịch tiền với riêng kênh điện thoại di động hiện đạt khoảng 300.000 tỷ đồng/ngày.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam nằm trong nhóm nước có lợi thế trong phát triển kinh tế số với nhu cầu sử dụng các dịch vụ tài chính trên các kênh số ngày càng gia tăng.

Các số liệu trên cho thấy, phương thức thanh toán tiền mặt đang giảm dần, thay vào đó là xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt vì đem lại nhiều lợi ích, đặc biệt ở những người trẻ nhờ sự năng động, nhạy bén với công nghệ và sự cởi mở với các phương tiện thanh toán mới.

Ngay tại TPBank, chúng tôi cũng nhìn rõ xu thế này. Tỷ lệ số lượng giao dịch qua kênh ngân hàng số trên tổng giao dịch đã tăng từ mức 72% cuối năm 2018 lên mức 83% ở thời điểm cuối tháng 6/2020. Tỷ lệ giá trị giao dịch trong cùng thời điểm cũng đã tăng từ 66% lên 72%.

Một trong những nguyên do của “tiền mặt vẫn là vua” được cho là bởi tâm lý ưa dùng tiền mặt của người dân vốn tồn tại từ lâu đời, nhưng bên cạnh đó, nhằm đảm bảo an toàn cho khách hàng, yêu cầu về bảo mật được các ngân hàng đẩy mạnh khiến có những phàn nàn về các thủ tục phức tạp... Ông nghĩ gì về việc này?

Ông Nguyễn Hưng.
Ông Nguyễn Hưng.

Quay trở lại gần 10 năm trước, mọi dịch vụ ngân hàng cung cấp hầu như chỉ diễn ra ngay tại các quầy giao dịch.

Hiện tại, nhờ sự tiến bộ của công nghệ tài chính, khách hàng được sử dụng nhiều dịch vụ của ngân hàng hơn, từ chuyển khoản đến thanh toán mua hàng tại siêu thị trực tuyến qua Internet Banking, Mobile Banking, mà không cần phải thực hiện thêm thủ tục nào.

Giới trẻ, dân văn phòng các tại các thành phố lớn đang dần có một thói quen, ra đường chỉ cần mang theo điện thoại. Không cần ví tiền, không cần thẻ, các giao dịch thường ngày có thể thực hiện nhờ tính năng thanh toán, chuyển khoản, quét mã QR và một hệ sinh thái trên môi trường số hóa.

Có thể nói rằng so với khoảng 10 năm trước đây, các quy trình, thủ tục để khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng đã được đơn giản hóa hơn rất nhiều.

Gần đây nhất, chúng ta đã thấy một số ngân hàng, bao gồm TPBank, đã triển khai phương thức định danh khách hàng điện tử (eKYC), cho phép khách hàng không cần phải đến quầy giao dịch vẫn có thể đăng ký mở tài khoản ngân hàng chỉ bằng cách sử dụng ứng dụng trên điện thoại di động.

Sau 2 tháng triển khai, TPBank đã ghi nhận gần 50.000 khách hàng mở tài khoản thành công qua eKYC.

Đây là kết quả ấn tượng và cũng là minh chứng rõ nét về tiện ích mà ngân hàng đang mang lại cho khách hàng.

Đâu đó trên các phương tiện thông tin đại chúng vẫn có những câu chuyện khách hàng mất tiền khi giao dịch tại ngân hàng khiến người dân quan ngại…?

Hiện nay, công nghệ và các ứng dụng mới trong ngành ngân hàng đang giúp các giao dịch diễn ra nhanh chóng, tiện lợi và dễ dàng hơn rất nhiều so với trước đây. Sự phát triển của ngân hàng số là xu hướng tất yếu và sẽ còn tiếp tục diễn ra trong tương lai, nhưng cũng có mặt trái.

Cùng với sự phát triển của công nghệ, nhiều kẻ xấu cũng lợi dụng để có những thủ đoạn lừa đảo tinh vi nhằm chiếm đoạt tài sản.

TPBank cũng như các ngân hàng khác đều nhận thức được điều đó và luôn không ngừng đấu tranh với những thủ đoạn lừa đảo tinh vi diễn ra hàng ngày.

Tôi có thể khẳng định rằng, ngân hàng luôn là một trong những ngành được đầu tư mạnh nhất về công nghệ bảo mật và áp dụng mọi công nghệ mới nhất. Nhưng để bảo đảm an toàn khi giao dịch trực tuyến, vai trò của người dùng cũng vô cùng quan trọng.

Không một hệ thống bảo mật nào có thể ngăn chặn được gian lận nếu như khách hàng thiếu cẩn trọng hoặc vô tình làm lộ các thông tin về thẻ, tài khoản đăng nhập, thậm chí cung cấp cả OTP cho kẻ xấu.

Do đó, khách hàng cần thận trọng hơn trong việc cung cấp các thông tin cá nhân, cẩn trọng khi giao dịch trên môi trường mạng, không làm lộ các thông tin mật cho kẻ gian, người lạ, thì sẽ hạn chế được gian lận.

Để đẩy nhanh hơn lộ trình thanh toán không dùng tiền mặt, theo ông, cần những giải pháp nào?

Rào cản lớn nhất của việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt là thói quen của người tiêu dùng. Để đẩy nhanh lộ trình phi tiền mặt hóa các giao dịch, chúng ta phải đáp ứng được 2 vấn đề.

Thứ nhất, Chính phủ phải tạo điều kiện bằng các hành lang pháp lý, các định hướng chiến lược để các ngân hàng, công ty Fintech, Big Tech có thể tham gia và cùng đưa ra giải pháp thúc đẩy chi tiêu không tiền mặt. Khi có được các hành lang pháp lý và chỉ đạo quyết liệt từ cơ quan quản lý thì các ngân hàng và doanh nghiệp sẽ vào cuộc mạnh mẽ hơn.

Thứ hai, nâng cao ý thức của người dân về việc thanh toán không dùng tiền mặt. Phải cho người dân thấy lợi ích của việc không dùng tiền mặt để họ lựa chọn các phương thức thanh toán điện tử...

Tôi cũng muốn chia sẻ kinh nghiệm từ quốc tế về thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, chẳng hạn tại Thụy Điển, chính phủ nước này đã ban hành lệnh cấm sử dụng tiền mặt đối với các phương tiện giao thông công cộng như xe bus, tàu điện ngầm...

Có lẽ đại dịch Covid-19 khiến tiền mặt chịu “thương vong” lớn, nếu nói về tương lai của tiền mặt, ông sẽ nhận định gì?

Việc đẩy mạnh truyền thông về những lợi ích của các phương thức thanh toán mới sẽ góp phần thay đổi hành vi của người dùng.

Tôi tin rằng dịch bệnh Covid-19 đã làm thay đổi thói quen thanh toán của nhiều người và thúc đẩy sự phát triển của các phương thức thanh toán không tiền mặt nhanh hơn. Từ chỗ đến tận nơi để mua sắm, khách hàng chuyển qua thanh toán online qua ngân hàng điện tử, qua thẻ hoặc ví điện tử.

Bên cạnh đó, việc Chính phủ đã có chiến lược đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt và việc tăng cường truyền thông về những lợi ích của các phương thức thanh toán mới cũng góp phần thay đổi hành vi của người dùng, từ việc “nghe” nhiều người “dùng thử” và ngày càng thấy được hàng loạt tiện ích mà phương thức thanh toán này mang lại.

Trước dịch, việc đặt hàng online dù diễn ra khá phổ biến, nhưng người dùng vẫn chủ yếu trả bằng tiền mặt. Nhưng sau dịch, thói quen tiêu dùng mới đã được tạo ra và tôi cho rằng, xu hướng này sẽ tăng mạnh trong thời gian tới bởi hàng loạt lợi ích như tiết kiệm thời gian, công sức đi lại, đồng thời được hưởng nhiều hơn các khuyến mãi, ưu đãi từ ngân hàng, ví điện tử.

Tin bài liên quan