“Sao” mới lóe sáng
Vài năm trở lại đây, Công ty cổ phần Thế giới số Trần Anh đã lên kế hoạch phủ kín các tỉnh, thành phố tại miền Bắc. Hiện tại, hệ thống Trần Anh có 16 siêu thị điện máy (9 siêu thị tại Hà Nội, 6 điểm tại các tỉnh và chuẩn bị khai trương 1 điểm tại Bắc Giang). Mỗi năm, Trần Anh đều gây choáng trên thị trường bán lẻ điện máy phía Bắc, khi đều đặn công bố mở 3 - 4 siêu thị mới, với diện tích 1.500 - 2.000 m2 (trước đây 3.000 - 5.000 m2).
Với sự hậu thuẫn từ tập đoàn bán lẻ Nojima (Nhật Bản), hiện nắm 11,17% cổ phần của Trần Anh, hệ thống siêu thị điện máy này đang đẩy mạnh đầu tư, dù kết quả kinh doanh không khả quan, với lợi nhuận sau thuế giảm mạnh từ 31,4 tỷ đồng năm 2012 còn 1,3 tỷ đồng năm 2013 và 3,5 tỷ đồng năm 2014.
Mặc dù hiệu quả kinh doanh phập phù, nhưng Trần Anh không ngừng thể hiện tham vọng chiếm lĩnh thị phần, lọt vào Top 3 nhà bán lẻ điện máy trên thị trường Việt Nam. Trần Anh mới bổ sung lĩnh vực kinh doanh bán buôn, bán lẻ đồ dùng khác cho gia đình như xà phòng, đồng thời đầu tư cửa hàng chuyên doanh bán lẻ đồng hồ.
Trong khi đó, hệ thống điện máy Nguyễn Kim cũng có thay đổi lớn khi Công ty cổ phần Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT (sở hữu 100% cổ phần của Nguyễn Kim) bán 49% cổ phần cho Power Buy (thành viên của Tập đoàn Central có nhiều kinh nghiệm về bán lẻ hàng điện máy tại Thái Lan).
“Sao” cũ mờ dần
Trong khi những cái tên như HC, Media Mart, Trần Anh, Pico liên tiếp mở điểm bán mới với số lượng khác nhau, thì trong vòng 5 năm qua, thị trường cũng chứng kiến không ít tên tuổi biến mất khỏi thị thị trường, từ những tân binh kiểu Việt cho đến chiến binh kiểu Mỹ.
Cụ thể, đó là sự ra đi của WonderBuy năm 2011, Best Carings năm 2012, HomeOne năm 2013 và Việt Long năm 2014. Mới đây nhất, cuối tháng 1/2015, Topcare (Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Ngôi sao châu Á) đã đóng cửa toàn bộ 6 điểm bán.
Nguyên nhân dẫn đến sự gục ngã của các hệ thống này là dung lượng thị trường chỉ có ngần ấy, khi xuất hiện tân binh mới, hoặc tên tuổi sừng sở đến từ trời Tây, thì dĩ nhiên, miếng bánh thị phần của những ai không theo kịp sẽ bị teo tóp. Trong khi đó, tiền thuê mặt bằng địa điểm quá cao, chi phí phát sinh nhiều, hoặc việc bán cổ phần cho các đối tác chiến lược, huy động vốn từ nhà đầu tư và vay ngân hàng không thành công, nên dần phải đóng cửa các điểm bán và bị ngân hàng siết nợ.
Áp lực từ đối thủ cạnh tranh, khách hàng, nhà đầu tư khiến các nhà bán lẻ điện máy trên thị trường phải gồng mình chịu những cú siết mạnh chưa từng có. Thị trường sẽ chứng kiến thêm nhiều thương vụ phá sản, nhiều công ty bị loại khỏi cuộc chơi và nhiều thương vụ hợp nhất trong thời gian tới.
Dự đoán này sẽ còn rõ ràng hơn khi xu hướng người tiêu dùng ngày càng không muốn mất nhiều thời gian cho việc đi mua sắm, họ không muốn có quá nhiều cửa hàng, mà họ muốn có thêm nhiều nhà bán lẻ mang lại nhiều “cái nhất” cho khách hàng. Tức là, các doanh nghiệp cần lựa chọn một trong 5 mô hình để dẫn đầu, gồm: tạo sự lựa chọn lớn nhất bằng không gian rộng và phong phú mặt hàng; chiến lược giá cả rẻ nhất; bán thứ thời trang, mẫu mã mới nhất; dịch vụ khách hàng dễ hiểu nhất và tốc độ dịch vụ nhanh nhất.
Cần những cửa hàng biết sinh lời
Ngày nay, áp lực lớn nhất đối với các nhà bán lẻ là theo kịp các đối thủ nhạy bén, tài chính mạnh và phải có tư tưởng bành trướng. Theo quan sát, các nhà bán lẻ điện máy sau khi trải qua những “đau thương”, nay đã tinh ranh hơn, với chiến lược bài bản hơn.
Chẳng hạn, Trần Anh đã chuẩn bị sẵn chiến lược riêng khi giai đoạn cạnh tranh về bề nổi sắp chấm dứt để bước sang một giai đoạn cạnh tranh mới mang nhiều yếu tố có chiều sâu hơn, như chất lượng dịch vụ khách hàng, năng lực quản trị, sự đồng nhất trong toàn chuỗi bán lẻ, hoạch định chiến lược, quản trị chi phí...
“Đây là những năng lực cạnh tranh không thể có trong một sớm một chiều, mà cần có thời gian đủ dài với những nỗ lực cao độ mới đạt được. Chính những năng lực này sẽ quyết định sự tồn tại hay suy vong của các siêu thị điện máy hiện nay. Vì vậy, một mặt, vẫn mở rộng quy mô, mặt khác, chúng tôi phải tiếp tục hoàn thiện những năng lực cạnh tranh khác theo sự tư vấn và hỗ trợ của 2 đối tác chiến lược rất có kinh nghiệm và tầm nhìn dài hạn”, ông Kiên cho biết.
Cánh cửa dành cho các doanh nghiệp nhỏ muốn tham gia thị trường bán lẻ điện máy theo chiến lược quy mô đang ngày càng hạn hẹp. Nhưng với thị trường ngách thì cơ hội vẫn còn bỏ ngỏ, các siêu thị quy mô càng lớn thì càng tạo ra nhiều ngách nhỏ để các doanh nghiệp có tiềm lực hạn chế có thể khai thác để sống tốt.
Trần Anh đang tiến quân nhiều hơn về tỉnh lẻ, vì nhận thấy số lượng và chủng loại mặt hàng điện máy của các cửa hàng ở địa phương chỉ chiếm 30 - 50% chủng loại sản phẩm đang có tại các siêu thị ở thành phố lớn.
Trong khi đó, để đối mặt với “cơn lốc” thương mại điện tử, sự bão hòa của thị trường, các nhà bán lẻ nảy thêm ý tưởng phát triển mô hình mới. Điển hình, Công ty cổ phần Thế Giới Di Động quyết định nhảy vào mảng bán lẻ điện máy (dienmay.com), với mục tiêu tăng thị phần từ 2% hiện nay lên 8% vào năm 2016. Trong đó, hàng điện tử, điện lạnh và gia dụng là 3 nhóm hàng chính, đóng góp 50 - 60% doanh thu cho Công ty.
Theo ông Trần Kinh Doanh, Phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh, có 2 cách để tăng thị phần là tăng số lượng điểm bán, hoặc tăng chất lượng bán hàng. Hiện hướng đi mới cho chiến lược phát triển các điểm bán hàng trong năm 2015 đang được cân nhắc kỹ. Chẳng hạn, thay đổi hoàn toàn diện mạo cửa hàng là một cách để người tiêu dùng tìm đến để trải nghiệm sự mới mẻ. Hoặc nhà bán lẻ bất ngờ mở một đại siêu thị (dạng như Metro, Big C…).
Môi trường cạnh tranh lúc nào cũng khắc nghiệt. Do đó, để tồn tại và trở thành vì sao sáng trên bầu trời, thì vấn đề của những người đang và sắp chơi trên thị trường này không phải nằm ở yếu tố phát triển các cửa hàng màu mè, phô trương, thu hút sự chú ý của công chúng, mà cần tạo ra những cửa hàng biết sinh lời.