Phần lớn chủ của 36 triệu thẻ ATM đang sử dụng tập trung ở thành phố

Phần lớn chủ của 36 triệu thẻ ATM đang sử dụng tập trung ở thành phố

Sử dụng ATM, tại sao không?

(ĐTCK-online) Theo số liệu của Hiệp hội Thẻ Việt Nam, tính đến ngày 30/6/2011, trên toàn thị trường thẻ ngân hàng Việt Nam, có trên 36 triệu thẻ với 64.000 máy POS và 12.800 máy ATM được triển khai lắp đặt. Phần lớn chủ của 36 triệu thẻ đang sử dụng tập trung ở thành phố, thậm chí có những người sử dụng tới 3 thẻ của các ngân hàng trong nước, không kể 1 - 2 thẻ của các ngân hàng nước ngoài. Như vậy, với dân số xấp xỉ 87 triệu người, còn phần lớn dân số chưa sử dụng thẻ ngân hàng.

Việc thẻ ngân hàng vẫn chưa được sử dụng phổ biến, một phần do thói quen dùng tiền mặt của người dân, nhưng cũng do các tiện ích đi kèm thẻ chưa thực sự hấp dẫn.

Agribank, Vietcombank, DongABank là những ngân hàng đang dẫn đầu về số lượng thẻ phát hành và ATM, nhưng rất nhiều khách của các ngân hàng này liên tục kêu về những sự cố khi thực hiện các giao dịch mà điển hình là lỗi hệ thống như máy ATM bị nuốt thẻ và không có giấy biên lai. Hay lời phàn nàn về sự bất tiện mỗi khi không tìm được ATM hay máy hết tiền phải sang ATM của ngân hàng khác rút tiền và bị thu phí…

Một lãnh đạo cao cấp của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, đa số người dân chỉ sử dụng thẻ ATM để rút tiền là chính, còn việc thanh toán điện tử là rất hạn chế. Mà những người sử dụng thẻ ATM phần nhiều là các viên chức nhà nước và sinh viên có khoản tiền trong tài khoản rất “còm cõi”. “Có khi vừa có ít tiền ngày hôm trước là ngày hôm sau rút luôn”, vị lãnh đạo trên nói.

Chính vì vậy, trên thực tế, các ngân hàng thi nhau mở rộng dịch vụ ngân hàng bán lẻ phần lớn do sợ mất thị phần là chính, chứ hầu hết các ngân hàng đều chưa có lãi trong mảng dịch vụ thẻ và phí thu chỉ đủ bù đắp một phần chi phí. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, trong một xã hội hiện đại, văn minh, việc thanh toán qua thẻ là điều không thể thiếu.

Thông điệp gần đây của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình cũng đã khẳng định, 1 trong 6 mục tiêu dài hạn trong nhiệm kỳ của mình, ông sẽ đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt. Ông Bình phân tích, việc thanh toán không dùng tiền mặt, nhiều người nghĩ đơn giản là chuyện tiện ích, nhưng đó chỉ là một phần. Điều quan trọng hơn là chi phí quá nhiều cho việc in ấn tiền mặt, chi phí in tiền còn cao hơn giá trị đồng tiền, rất lãng phí, ảnh hưởng đến các chính sách tài chính, tiền tệ... Cho nên, phải có đề án mạnh mẽ không dùng tiền mặt.

“Cố gắng trong nhiệm kỳ này, chúng ta sẽ có một bước phát triển mạnh và đưa Việt Nam vào nhóm các nước có tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt ở mức khá trong khu vực và thế giới”, ông Bình nói.

Do vậy, trước mắt, các ngân hàng cần cẩn trọng, không coi nhẹ với những rủi ro do vận hành hệ thống. Về lâu dài, cần tiếp tục hướng tới việc để chiếc thẻ được dùng chủ yếu trong thanh toán, chứ không phải chỉ rút tiền như bây giờ. Các ngân hàng cần liên kết với nhau để việc thanh toán không dùng tiền mặt có thể phát triển nhanh. Và người dân cũng nên từng bước thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt, bởi chắc chắn, tiền mặt sẽ không được đưa ra thị trường quá nhiều, quá dễ dãi như hiện nay.