Sau một thập kỷ lo lắng về nhu cầu và khả năng chi tiêu của người tiêu dùng giảm do hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các dấu hiệu cung không đủ cầu đang xuất hiện trong giai đoạn hiện tại.
Thiếu hàng hóa, dịch vụ và con người, khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng chậm hoặc hoàn toàn không được đáp ứng. Đã có những dấu hiệu cho thấy sự tắc nghẽn nguồn cung có thể dẫn đến những bất ngờ có thể làm đảo lộn quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Và hiện tại, tình trạng thiếu hụt trầm trọng hơn đang diễn ra ở Mỹ vì sự bùng nổ nhu cầu đang diễn ra. Chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ đang tăng hơn 10% so với tốc độ hàng năm khi gói kích thích được bơm vào cộng với khoản tiết kiệm được tích lũy trong năm qua. Bên cạnh đó, nhiều gói kích thích vẫn đang được đề xuất.
Theo The Economist, sự bùng nổ đang tạo ra hai thách thức liên quan tới chuỗi cung ứng và thị trường lao động.
Về chuỗi cung ứng, sự thiếu hụt mọi thứ từ gỗ đến chất bán dẫn cũng như chi phí vận chuyển hàng từ Trung Quốc sang Mỹ tăng gấp 3 lần kể từ đầu năm 2020.
Trong nhiều thập kỷ qua, rất ít trường hợp các công ty xuất hiện sự chậm trễ nghiêm trọng về vấn đề giao hàng của của nhà cung cấp. Trong năm qua, nhiều công ty đã cắt giảm đầu tư vào lĩnh vực hậu cần. Ngoài ra, tình trạng phong toả đã dẫn đến một số tàu container bị mắc cạn.
Về thị trường lao động, vào tháng 4, Mỹ chỉ tạo ra 266.000 việc làm, ít hơn nhiều so với mức 1 triệu việc làm được dự kiến. Tuy nhiên, các vị trí tuyển dụng luôn ở mức cao nhất mọi thời đại, và vì vậy các công ty đang phải vật lộn để tìm người lấp đầy các vị trí.
Các nhà kinh tế tranh luận về việc liệu trợ cấp thất nghiệp hào phóng có đem lại cho mọi người lý do để không tìm việc làm hay không. Ngoài ra, cũng cần có thời gian để mọi người chuyển từ những ngành đang suy thoái sang những ngành đang phát triển.
Khi nhu cầu bùng nổ tăng lên trong khi nguồn cung bị thắt chặt, lạm phát đang là tâm điểm chú ý. Vào tháng 4, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái so với mức 2,6% trong tháng 3.
Điều này phần nào phản ánh "hiệu ứng cơ sở" vì giá dầu chỉ cao như năm 2019, nhưng cao hơn 272% so với tháng 4/2020. Điều này cũng phản ánh sự gia tăng cơ bản thực sự của giá hàng hoá toàn cầu. Giá tại nhà máy của Trung Quốc đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong hơn 3 năm.
Bên cạnh đó, các ngân hàng trung ương nhấn mạnh rằng các biện pháp kích thích tối đa phải được tiếp tục vì mối lo ngại đà phục hồi kinh tế sẽ không được duy trì.
Lael Brainard, thống đốc của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã nói rằng lạm phát tăng đột biến khi nền kinh tế mở cửa trở lại "phần lớn là tạm thời".
Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng cho thấy có ít lý do để lo lắng. Fed sẽ chấp nhận lạm phát cao hơn mục tiêu một chút, một phần vì họ hy vọng giá sẽ sớm giảm trở lại.
Tuy nhiên, cách tiếp cận này mang lại những rủi ro. Nếu lạm phát giảm dần, sự tắc nghẽn về nguồn cung của giai đoạn đầu của đại dịch vào năm 2020 sẽ được giải tỏa nhanh chóng, nhưng không có gì đảm bảo rằng điều này sẽ xảy ra ở thời điểm hiện tại.
Kỳ vọng lạm phát cũng có thể tăng nếu mọi người tin rằng các ngân hàng trung ương sẽ hành động chậm hoặc quá muộn. Nhiều công ty hiện đang thảo luận về lạm phát với các nhà đầu tư. Các nhà giao dịch trên thị trường trái phiếu cho rằng Fed sẽ buộc phải hành động sớm hơn mong muốn.
Cựu thống đốc Fed Bill Dudley lo ngại rằng Fed sẽ phải tăng lãi suất lên tới 4,5%/năm để hạ nhiệt nền kinh tế.
Điều này cho thấy mối nguy hiểm khi lãi suất tăng mạnh trở lại. Mối lo ngại đó đã dẫn đến cổ phiếu công nghệ bị bán tháo nhưng điều này có thể kiểm soát được. Tuy nhiên, vụ margin call gần đây của quỹ đầu tư Archegos và công ty tài chính Greensill Capital là một lời nhắc nhở về đòn bẩy tiềm ẩn trong một hệ thống tài chính phụ thuộc vào lãi suất thấp.
Sự bùng nổ sau đại dịch có thể không phải lúc nào cũng hào hứng vì một số lý do chính đáng.