STB mua 100 triệu cổ phiếu quỹ: có trục lợi cá nhân?

STB mua 100 triệu cổ phiếu quỹ: có trục lợi cá nhân?

(ĐTCK) Việc STB mua 100 triệu cổ phiếu quỹ, được cho là giải pháp giúp một số đối tượng thoát hàng và thu lợi nhờ đã gom với giá thấp trước đó.

Theo chuyên gia Huy Nam, bản chất của mua cổ phiếu quỹ là sự linh hoạt giảm vốn hoặc tăng vốn trong công ty cổ phần, giúp công ty linh hoạt sử dụng nguồn vốn nhàn rỗi tạm thời. Doanh nghiệp có thể đưa ra nhiều lý do khác nhau để quyết định mua cổ phiếu quỹ, nhưng nếu nguồn tiền mua cổ phiếu quỹ không phải là nguồn vốn nhàn rỗi, thì việc mua cổ phiếu quỹ không đúng với lý do chính thống của nó.

Đầu tuần này, CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) công bố kế hoạch mua vào 2 triệu cổ phiếu quỹ. HSG cần 16 tỷ đồng để mua 2 triệu cổ phiếu với thị giá 8.000 đồng/CP hiện tại.

Niên độ tài chính trước, HSG lãi 160 tỷ đồng và 2 tháng đầu của niên độ tài chính 2011 - 2012 đã lãi 67 tỷ đồng. Công ty làm ăn tốt, nhưng giá cổ phiếu dưới mệnh giá, trong khi giá trị sổ sách là 18.000 đồng/CP là lý do chính để HĐQT HSG quyết định mua vào cổ phiếu quỹ.

Tuy nhiên, nguồn tiền mua cổ phiếu quỹ của HSG có thật sự nhàn rỗi khi công ty này vay vốn ngắn hạn ở mức 2.200 tỷ đồng và vay dài hạn 629 tỷ đồng tính đến thời điểm cuối tháng 9/2011? Theo một lãnh đạo của HSG, 16 tỷ đồng để mua cổ phiếu quỹ so với doanh thu 800 tỷ đồng/tháng của HSG là không thấm vào đâu, hơn nữa, dòng tiền của HSG rất đều đặn.

Như vậy, quyết định mua cổ phiếu quỹ của HSG dường như chủ yếu phát đi thông điệp “giá cổ phiếu đã dưới giá trị thực”. Nhưng lần trước, HSG đã mua 2 triệu cổ phiếu với giá 14.000 đồng/CP, sau đó dưới áp lực của thị trường, giá cổ phiếu HSG vẫn giảm.

STB mua 100 triệu cổ phiếu quỹ: có trục lợi cá nhân? ảnh 1

 Bị “xì xào” nhiều nhất là việc Ngân hàng Sacombank (STB) mua 100 triệu cổ phiếu quỹ

Cũng đăng ký mua cổ phiếu quỹ, với số lượng 1,82 triệu đơn vị, nhưng CTCP Phát triển nhà Thủ Đức (TDH) đã không mua được cổ phiếu nào. Từ thời điểm Công ty đăng ký mua, giá cổ phiếu TDH đã giảm từ 18.000 đồng/CP xuống thấp nhất 15.000 đồng/CP. Đôi khi, nhận định của công ty niêm yết về việc giá cổ phiếu rẻ không được thị trường ủng hộ và nhiều công ty đã phải ôm cổ phiếu quỹ ở mức giá cao.

Quyết định mua cổ phiếu quỹ mạnh mẽ nhất về tỷ lệ phần trăm thuộc về CTCP Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu dịch vụ và đầu tư Tân Bình (TIX), khi công ty này đăng ký mua đến 30% lượng cổ phiếu đang niêm yết, tương đương 8 triệu cổ phiếu, với giá không quá 21.000 đồng/CP. Chi phí tài chính cho kế hoạch này cao nhất khoảng 160 tỷ đồng. TIX có đủ nguồn vốn để làm việc này, vì cuối năm tài chính 2011, TIX còn 227 tỷ đồng tiền mặt.

Ngoài những lý do thông thường là giá cổ phiếu TIX bị định giá thấp, có lẽ lý do chính là gián tiếp chống hiện tượng thâu tóm doanh nghiệp, tình huống đã diễn ra với một vài công ty bất động sản niêm yết.

Theo cơ cấu cổ đông của TIX đến ngày 9/12/2011 thì HĐQT và Ban kiểm soát chiếm 3,34% cổ phần, những người liên quan HĐQT chiếm 5,18% cổ phần, cộng với 19,26% vốn nhà nước mà Ban lãnh đạo Công ty đang được ủy quyền làm đại diện thì lãnh đạo điều hành TIX nắm trong tay tổng cộng 27,78% cổ phần. Tỷ lệ này vẫn còn thấp, TIX có nguy cơ bị các cá nhân, tổ chức bên ngoài mua thâu tóm để chi phối các quyết định của HĐQT.

CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre (ABT) đã có một năm tích cực mua cổ phiếu quỹ, với 4 đợt đăng ký mua. Trong tháng cuối năm 2011, ABT đã mua 706.000 cổ phiếu trong tổng số 1,36 triệu cổ phiếu đăng ký mua, chiếm 10% vốn điều lệ. ABT hiện có 2,548 triệu cổ phiếu quỹ và công ty này cho biết, sẽ mua vào hết nếu có cổ đông muốn bán ra. Điều này là có cơ sở khi cuối tháng 9/2011, ABT có khoản tiền và tương đương tiền 220 tỷ đồng.

Cổ phiếu của ABT phần lớn nằm trong tay các cổ đông lớn như SSI, ông Nguyễn Thanh Nghĩa và các cổ đông sáng lập. Năm 2011, ABT đã chi trả đến 60% cổ tức bằng tiền mặt. Với động thái mua cổ phiếu quỹ nêu trên, có vẻ các cổ đông lớn của ABT sẵn sàng mua hết số cổ phần của nhà đầu tư nhỏ lẻ trên thị trường nhằm làm tăng thu nhập trên mỗi cổ phiếu.

Cuối tuần này, CTCP Xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình (HBC) sẽ tổ chức ĐHCĐ bất thường và xin ý kiến đại hội về việc mua thêm cổ phiếu quỹ, với lý do giá cổ phiếu đang quá thấp so với tiềm năng tăng trưởng 30%/năm của Công ty.

Bị “xì xào” nhiều nhất là việc Ngân hàng Sacombank (STB) mua 100 triệu cổ phiếu quỹ, vì được cho là giải pháp giúp một số đối tượng thoát hàng và thu lợi nhờ đã gom được lô cổ phiếu với giá thấp trước đó.

Việc mua thỏa thuận cổ phiếu quỹ mà nhiều người đặt ra nghi vấn là không minh bạch vẫn chưa được làm rõ. Lãnh đạo công ty niêm yết có thể dùng chiêu bài mua cổ phiếu quỹ để mua lại cổ phiếu của những người liên quan hay cổ phiếu của chính mình (không chính danh), nhằm tư lợi.

Ông Nguyễn Thế Lữ, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ SAM cho biết, ở nhiều thị trường nước ngoài, với các giao dịch thỏa thuận như thế, khi báo cáo UBCK, lãnh đạo công ty niêm yết phải ghi rõ cam kết bên bán không có mối liên hệ với lãnh đạo công ty, nếu có liên quan phải ghi rõ mức độ liên quan. Dựa trên những thông tin này, UBCK sẽ theo dõi các vấn đề ở công ty niêm yết sau này xem giao dịch thỏa thuận đó có minh bạch hay không?

“Mức xử phạt cao nhất với giao dịch thỏa thuận không minh bạch là x? lý hình s?”, ông Lữ nói. Trong khi đó, ở Việt Nam, theo chuyên gia Huy Nam, cơ chế kiểm soát có lẽ chưa thấy hết được biến tướng của hoạt động mua cổ phiếu quỹ.

www.vietnamoi.info