Năm 2014, Tina Sharkey quyết định bắt tay cùng Ido Leffler, chuyên gia bán lẻ giàu kinh nghiệm người Australia thành lập trang thương mại điện tử Brandless, tập trung bán các vật dụng gia đình và đồ ăn có lợi cho sức khỏe với mức giá trên dưới 3 USD.
Được truyền cảm hứng bởi Muji, thương hiệu bán đồ tối giản của Nhật nên startup này cũng thiết kế các mặt hàng đơn giản nhất có thể. Điểm đặc biệt của trang thương mại điện tử này là chỉ bán một loại bàn chải, một loại áo khoác, một loại giấy vệ sinh không thương hiệu đi kèm.
Dù cho không có bao bì nổi bật, không tuyên bố thương hiệu, hàng hóa của Brandless vẫn được đánh giá cao với chất lượng tốt và giá cả hợp lý. Mức giá công ty này đưa ra thường thấp hơn so với sản phẩm có chất lượng tương tự được bán trên Amazon hoặc một số trang thương mại điện tử khác.
Với việc kinh doanh vật dụng gia đình và các nhu yếu phẩm thường ngày, Brandless được đặt vào thế cạnh tranh với Amazon. Điều này nghe có vẻ nguy hiểm và rủi ro nhưng với các nhà đầu tư mạo hiểm, Brandless vẫn được đánh giá đủ hấp dẫn để nhận những khoản đầu tư hậu hĩnh.
Ngay từ khi mới thành lập, startup này đã nhanh chóng nhận về số vốn 51 triệu USD sau 3 vòng gọi vốn từ các nhà đầu tư lớn như NEA, Redpoint, GV... Gần đây nhất là khoản vốn 240 triệu USD của SoftBank, nâng tổng giá trị của startup lên mức nửa tỷ USD.
CEO Tina Sharkey cho biết cô không nhìn nhận Amazon ở vị thế đối thủ trực tiếp. "Amazon là cửa hàng bán mọi thứ, còn chúng tôi chỉ bán những sản phẩm chất lượng cao", cô nhấn mạnh.
Các mặt hàng của Brandless đều được thiết kế đơn giản và không có thương hiệu. Ảnh: Bloomberg
Số tiền 240 triệu USD từ SoftBank thực sự đánh dấu một bước tiến lớn của Brandless. Sharkey cho biết, công ty sẽ tập trung xây dựng một mạng lưới cộng đồng giữa những người mua bằng các hoạt động như: đăng tải công thức nấu ăn có sử dụng nguyên liệu của Brandless lên trang thông tin, hoặc tổ chức một số cửa hàng tạm thời để gặp gỡ khách hàng.
Từ khi ra mắt đến nay, Brandless liên tục cắt giảm phí vận chuyển. Người mua sẽ được miễn phí vận chuyển khi mua đơn hàng trị giá 39 USD thay vì 72 USD như trước. Phí giao hàng cũng giảm từ 9 USD xuống còn 5 USD.
Jeff Housenbold, một trong số đối tác của SoftBank đầu tư vào Brandless nhận định điểm cuốn hút của startup này là việc sử dụng dữ liệu và tạo ra các sản phẩm gây tiếng vang lớn.
Sharkey cho biết cô rất muốn làm việc với các công ty khác nằm trong vòng rót vốn của SoftBank, bao gồm các startup cung cấp dịch vụ giao hàng, trồng rau trong nhà...
Hiện tại nữ CEO đang tập trung nâng cao các hạng mục hậu cần và mở rộng quy mô hoạt động ra bên ngoài thị trường Mỹ. Cuối năm 2018, số lượng mặt hàng của Brandless sẽ tăng lên con số 400, bao gồm các set quà mùa thu với bánh cookie, kem dưỡng môi vị việt quất...
Theo chuyên gia kinh tế Sucharita Kodali, một trong những thách thức hiện nay của Brandless đó là phải xây dựng hệ thống khách hàng trung thành. Thêm vào đó, công ty cần đa dạng mặt hàng để người dùng có thêm sự lựa chọn thay thế.
"Họ cần phải khiến khách hàng cho thật nhiều món đồ vào giỏ hàng để mang lại chi phí hiệu quả, từ đó mang lại lợi nhuận cho công ty", Kodali nhấn mạnh.
Ngoài ra theo Kodali, nếu người khổng lồ Amazon thực sự muốn cạnh tranh, một công ty như Brandless sẽ dễ dàng bị nghiền nát.
Hiện nay đã có rất nhiều người bán lại các sản phẩm của Brandless trên Amazon với mức giá cao gấp nhiều lần. Ví dụ, một gói bột bánh pancake 3 USD của Brandless có thể được bán với giá 8,99 USD trên Amazon.