Đối với đợt suy giảm vừa qua của đồng CNY chuyên gia kinh tế thuộc Bộ phận quản lý tài sản của Standard Chartered dự báo biến động tỷ giá USD/CNY sẽ chủ yếu được quyết định bởi biến động của đồng USD so với các đồng tiền chính khác.
Đồng CNY đã giảm nhanh kể từ tháng Tư, nhưng vẫn tỷ lệ với đà tăng của đồng USD trong ba tháng qua và nhìn chung phản ánh chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Trung Quốc.
Nếu nhà cầm quyền muốn đồng CNY yếu hơn nữa ngoài nguyên nhân đồng USD mạnh, có thể sẽ gây rủi ro tăng dòng vốn thoát khỏi Trung Quốc, làm suy yếu khả năng hỗ trợ nền kinh tế trong nước.
“Trong bối cảnh này, chúng tôi duy trì dự báo tích cực đối với cổ phiếu Trung Quốc tại nước ngoài. Gần một nửa các ngành trong chỉ số MSCI Trung Quốc khá mới, liên quan đến công nghệ, được hưởng lợi từ các yếu tố dẫn dắt về cấu trúc tăng trưởng. Mặc dù kết quả của căng thẳng thương mại chưa chắc chắn, tác động đối với chỉ số MSCI Trung Quốc có thể không lớn, với ít hơn 5% doanh thu liên quan tới Mỹ”, Báo cáo nhận định.
Lịch sử cho thấy đồng USD mạnh có thể tác động tiêu cực tới chứng khoán các thị trường mới nổi bao gồm cả chứng khoán Trung Quốc. Mối liên hệ cụ thể là đồng USD mạnh hơn có thể dẫn đến dòng vốn tháo chạy, khiến thanh khoản nội địa thắt chặt và làm chậm tăng trưởng.
Tuy nhiên, Standard Chartered dự báo đồng USD có xu hướng giảm trong những tháng tới và các nhà hoạch định chính sách tại Trung Quốc cũng bắt đầu giảm lãi suất, hỗ trợ cho chứng khoán Trung Quốc.
Về thị trường trái phiếu, Standard Chartered nhận thấy khối lượng giao dịch tại thị trường trái phiếu Trung Quốc tăng lên và lo ngại về khủng hoảng tín dụng đã khiến lo ngại lây lan sang ngay cả các trái phiếu Trung Quốc chất lượng tốt tại nước ngoài.
“Chúng tôi tin rằng chính quyền sẽ tiếp tục nỗ lực giảm thiểu rủi ro tài chính trong dài hạn”, chuyên gia Standard Chartered nhận định.
Mặc dù rủi ro mất khả năng thanh toán vẫn là một thách thức trong ngắn hạn nhưng hiệu ứng lan truyền có thể bị hạn chế. Theo Standard Chartered bởi các lý do: thứ nhất, các nhà hoạch định chính sách tăng hỗ trợ thanh khoản thông qua cắt giảm dự trữ bắt buộc và thứ hai chính quyền tiếp cận theo hướng tập trung vào cải cách trong giai đoạn tăng trưởng mạnh và can thiệp nhiều hơn khi tăng trưởng chậm lại.
Trong số các trái phiếu châu Á bằng đồng USD, chúng tôi nhận thấy cơ hội với các trái phiếu xếp hạng Đầu tư, và sẽ tiếp tục tránh phân khúc lợi suất cao.
Nhà đầu tư trái phiếu nên làm gì trong giai đoạn lãi suất tăng và cuối chu kỳ tín dụng?
Với việc FED có thể tiếp tục tăng lãi suất thêm hai lần vào cuối năm nay và hai đến ba lần nữa vào năm 2019, các nhà đầu tư trái phiếu có thể cảm thấy lo lắng về lãi suất tăng trong giai đoạn cuối chu kỳ hiện tại.
Trong thực tế, các nhà đầu tư kiên định về chiến lược trái phiếu hầu như luôn có kết quả tốt. Họ sẽ tái đầu tư trái tức (coupon) với lợi suất cao hơn, có khả năng bù đắp cho khoản lỗ do lợi suất tăng. Tuy nhiên, việc biết cách phân bổ cho trái phiếu không phải lúc nào cũng là một nhiệm vụ dễ dàng, do khoảng chênh lệch tín dụng tương đối thấp và rủi ro lạm phát cao hơn, có thể đẩy lợi suất cao hơn.
Theo Báo cáo, phản ứng điển hình của hầu hết các nhà đầu tư trái phiếu là chuyển sang trái phiếu ngắn hạn hơn hoặc thậm chí là tiền mặt, hoặc chịu rủi ro tín dụng nhiều hơn, thường chỉ đạt kết quả tốt khi tăng trưởng đang tăng tốc và lãi suất tăng dần.
Khi chuyển sang trái phiếu ngắn hạn với mức độ nhạy cảm lãi suất thấp hơn, điều quan trọng cần lưu ý là lãi suất cao sẽ dẫn đến suy giảm kinh tế trong dài hạn. Do đó, việc loại bỏ hoàn toàn độ nhạy cảm lãi suất nhờ phân bổ trái phiếu có thể không phải là quyết định đầu tư tối ưu. Một nhà đầu tư thực hiện điều này thường phải chịu rủi ro tái đầu tư.
“Khi lãi suất cao hơn bắt đầu cản trở tăng trưởng, đầu tư trái phiếu xếp hạng tín dụng ngưỡng cao (xếp hạng Đầu tư) hoặc thậm chí trái phiếu chính phủ với độ nhạy cảm lãi suất cao hơn có thể tăng lợi nhuận, tạo ra khoảng đệm cần thiết cho nhà đầu tư", chuyên gia kinh tế của Standard Chartered nhận định
Một cách tiếp cận khác được Báo cáo đề cập là chấp nhận nhiều rủi ro tín dụng hơn thay cho cách chọn lọc, ví dụ như trái phiếu lợi suất cao tại các thị trường phát triển hoặc trái phiếu thị trường mới nổi có xu hướng mang lại lợi nhuận tốt khi tăng trưởng tốt lên và lãi suất tăng.
Lợi suất danh nghĩa cao hơn có thể giúp giảm tác động từ giá trái phiếu giảm do lợi suất tăng. Rủi ro là các nhà đầu tư có thể chịu nhiều rủi ro tín dụng hơn vào cuối chu kỳ tín dụng.
Nhà đầu tư có thể quản lý những rủi ro này như thế nào?
Thông thường, Báo cáo cho biết, các nhà đầu tư tập trung quá nhiều vào chu kỳ lãi suất, giảm ảnh hưởng từ rủi ro lãi suất, nhưng không chú ý nhiều đến chu kỳ tín dụng. Hai chu kỳ này liên quan chặt chẽ. Một cách để giải quyết vấn đề này là áp dụng phân bổ hình chuông đối với trái phiếu.
Chúng tôi tin rằng có đủ lý do để chấp nhận rủi ro đầu tư vào trái phiếu thị trường mới nổi bằng đồng USD trong tình hình hiện tại. Loại trái phiếu này mang lại giá trị tốt hơn và lợi suất hiện trên 6%, phù hợp với giai đoạn tăng trưởng kinh tế tốt lên và Fed đang tăng dần lãi suất. Tuy nhiên, lãi suất tăng sẽ dẫn đến tăng trưởng chậm lại và chu kỳ tín dụng kết thúc.
“Cân bằng giữa đầu tư tài sản tăng trưởng với trái phiếu xếp hạng cao hơn (chúng tôi ưa thích trái phiếu xếp hạng Đầu tư ở châu Á), hoặc thậm chí phân bổ một phần nhỏ cho trái phiếu chính phủ, có thể giúp giảm thiểu rủi ro cuối chu kỳ.
Chúng tôi ủng hộ đầu tư đa dạng vào trái phiếu và tìm kiếm cơ hội đầu tư trái phiếu chủ yếu với tính chất bảo vệ và ổn định, không vì mục tiêu đạt được lợi suất cao nhất vào cuối chu kỳ tín dụng”, Báo cáo nhấn mạnh.