USD - Ngắn và trung hạn dao động trong biên độ
Ngân hàng Standard Chartered đánh giá khả năng đồng USD sẽ lập đỉnh mới trước khi dao động trong biên độ ngắn hạn. Vùng hỗ trợ chỉ số DXY xung quanh 92.65 - 93.65 khả năng giữ vững và hỗ trợ phục hồi giá quay lại mức đỉnh tháng Tám gần 97.00 - và có thể chạm mức kháng cự của tại 97.90.
Trong trung hạn, Ngân hàng Standard Chartered tin rằng các thị trường phát triển phục hồi về tăng trưởng lẫn lạm phát sẽ làm giảm hiệu suất vượt trội của Mỹ và đồng USD sẽ dao động trong biên độ.
Thanh khoản toàn cầu đồng USD thắt chặt hơn và đồng CNY suy yếu có thể khiến đồng USD tăng giá so với một số đồng tiền của Thị trường Mới nổi.
EUR - Ngắn hạn suy yếu bởi rủi ro thương mại toàn cầu và tại Italia, trung hạn dao động trong biên độ
Ngắn hạn, Ngân hàng Standard Chartered cho rằng, tỷ giá EUR/USD khá vững với mức kháng cự mạnh trong khoảng 1.1850 và 1.1950 và Ngân hàng kỳ vọng tỷ giá EUR/USD sẽ điều chỉnh giảm sau đợt tăng gần đây.
Đây có lẽ sẽ là giai đoạn cuối cùng trong sóng tăng dài của đồng USD kể từ tháng Hai. Nếu tỷ giá phá vỡ ngưỡng hỗ trợ 1.15, mục tiêu tiếp theo là mức đáy 1.13 trong tháng Tám và có thể tiếp theo là 1.1190.
Đồng EUR được Ngân hàng cho rằng cũng có thể phải đối mặt với những áp lực từ Trung Quốc tăng trưởng chậm. Quan ngại về các cuộc đàm phán Brexit và vấn đề ngân sách từ chủ nghĩa dân túy tại Italia cũng là rủi ro.
Trong trung hạn, nền kinh tế khu vực đồng EUR ổn định và thị trường ngày càng tập trung vào triển vọng của chính sách tiền tệ sẽ tạo cơ sở cho tỷ giá EUR/USD và tạo điều kiện cho giai đoạn dao động trong biên độ đi ngang.
JPY - Ngắn hạn kỳ vọng suy giảm, trung hạn dao động trong biên độ
Theo Ngân hàng Standard Chartered, gần đây, tỷ giá đồng USD/JPY tiếp tục hồi phục khi các nhà đầu tư nước ngoài bán cổ phiếu Nhật Bản và đồng USD vẫn là lựa chọn cho nơi trú ẩn an toàn. Ngân hàng kỳ vọng BoJ sẽ giữ nguyên chính sách tiền tệ, mặc dù đã đề cập đến việc cân nhắc thắt chặt và cho rằng tỷ giá USD/JPY sẽ chạm mức 114.70 - 115.00 trong ngắn hạn.
Trong trung hạn, các cuộc đàm phán thương mại song phương của Mỹ là yếu tố quan trọng đối với xu hướng tỷ giá USD/JPY. Đồng JPY định giá thấp có thể cũng sẽ trở thành vấn đề quan trọng khi đồng USD tạo đỉnh.
Ngân hàng Standard Chartered kỳ vọng tăng trưởng toàn cầu chậm lại và nhu cầu mua đồng JPY như tài sản trú ẩn an toàn sẽ kiềm chế tỷ giá USD/JPY giao dịch trong khoảng 109.50 - 115.50.
GBP - Triển vọng bất ổn và biến động của đồng GBP do ảnh hưởng bởi Brexit
Brexit được cho rằng vẫn là yếu tố dẫn dắt chính trong ngắn và trung hạn. Sức mạnh đồng GBP được dẫn dắt bởi kỳ vọng cả hai bên sẽ thỏa hiệp để ngăn chặn kịch bản "không có thỏa thuận Brexit".
Theo Ngân hàng Standard Chartered, Đảng Lao Động đối lập hứa hẹn về cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai trong tuyên ngôn tranh cử và có thể gia tăng các thách thức đối với chính phủ.
Trạng thái bán ròng của đồng GBP có thể kích hoạt một đợt tăng mạnh nếu cuộc bỏ phiếu thứ hai trở thành sự thực, mặc dù chính phủ của Đảng Lao Động không phải là thuốc chữa bách bệnh cho thị trường do thiên hướng cánh tả của đảng này.
Ngân hàng cho rằng trong ngắn hạn tỷ giá GBP/USD biến động mạnh trong biên độ và tiếp cận các ngưỡng kháng cự quan trọng tại 1.3315 và 1.3515. Nếu tỷ giá giảm xuống dưới 1.30 sẽ gia tăng rủi ro giảm giá xuống mức 1.2660 và ngưỡng hỗ trợ quan trọng tiếp theo xung quanh 1.25.
AUD - Trung hạn suy giảm khi thương mại toàn cầu làm chậm nhu cầu đối với hàng hóa
Dự báo ngắn hạn của Ngân hàng Standard Chartered tại ngưỡng kháng cự kỹ thuật ở mức 0.7310-30, giá có thể tiếp tục suy giảm về mức thấp nhất 0.77 trước đó và kiểm định mốc 0.7000. Nếu ngưỡng kháng cự bị phá vỡ, việc này có thể kích hoạt đợt tăng ngắn hạn lên 0.7485 và có thể là 0.7600 trước khi tiếp tục giảm.
Trong trung hạn, tỷ giá AUD/USD có thể trượt về mức thấp nhất trong tháng Một năm 2016 tại 0.6825. Nền kinh tế Trung Quốc và đồng tiền suy yếu, thương mại toàn cầu chậm lại và chênh lệch lãi suất tăng tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế Úc. Giá nhà trong nước giảm và lãi suất thế chấp tăng cũng cho thấy nền kinh tế suy yếu khi thị trường bất động sản giảm phát.
CNY - Ngắn hạn ổn định nhờ sự kiểm soát của PBoC, trung hạn suy yếu như một van an toàn cho nền kinh tế
Ngắn hạn, tỷ giá giữa USD và Nhân dân tệ - USD/CNY vẫn ổn định trong biên độ giao dịch 6.80-6.90 bất chấp căng thẳng thương mại Trung-Mỹ leo thang. Tỷ giá ổn định đã mang đến tâm lý an toàn cho các nhà đầu tư nước ngoài và tài sản trong nước, vì dòng vốn tháo chạy đã không lặp lại như thời kỳ đồng CNY mất giá những năm 2015-16.
Một tài khoản vốn tương đối khép kín đã hỗ trợ và Ngân hàng Standard Chartered kỳ vọng rằng việc kiểm soát ngắn hạn sẽ giúp duy trì ổn định tỷ giá USD/CNY.
Ngân hàng Standard Chartered cũng đánh giá USD/CNY có thể tăng trong trung hạn, kỳ vọng việc tập trung vào mở rộng tài khóa, kích cầu tiền tệ theo kế hoạch và kiểm soát đồng tiền mất giá để ngăn nền kinh tế Trung Quốc khỏi bị ảnh hưởng tiêu cực từ rủi ro khu vực tài chính cùng thời điểm Mỹ gây áp lực thông qua đánh thuế và trừng phạt.
Theo Ngân hàng Standard Chartered tỷ giá USD/CNY sẽ “tăng tự nhiên” phù hợp với chênh lệch tăng trưởng và lãi suất Trung-Mỹ, củng cố đồng USD. Việc tăng phá vỡ mức đỉnh tại kháng cự 6.96 - 6.98 sẽ đánh dấu mức cao nhất trong 10 năm và mở ra khả năng tiến tới ngưỡng kháng cự 7.15.
Đồng tiền các quốc gia mới nổi Dễ bị ảnh hưởng bởi nợ và thâm hụt
Tỷ giá USD/CNY được cho rằng có thể gây ảnh hưởng rộng đối với nhiều đồng tiền Thị trường Mới nổi, dẫn dắt bởi nhiều liên kết tâm lý thị trường, tài chính và kinh tế.
Yếu tố quan trọng nhất là nợ niêm yết bằng đồng USD tương đối cao, cho thấy đồng MYR và IDR có xu hướng suy yếu. Dựa trên yếu tố thâm hụt kép trầm trọng, tỷ giá USD/INR có thể đạt 78.00 trong trung hạn.