Trả lời câu hỏi của Báo Đầu tư, ông Trương Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc Công ty Caffe Bene Việt Nam - đơn vị ký hợp đồng nhượng quyền gốc để đưa thương hiệu Hàn Quốc này vào Việt Nam, cho biết, dù chỉ mới ra đời năm 2008, nhưng với mô hình kinh doanh cửa hàng chuỗi cà phê, tính tới nay, Caffe Bene đã có tới 1.540 cửa hàng tại 13 quốc gia theo hình thức nhượng quyền thương hiệu.
Không tiết lộ giá trị nhượng quyền thương hiệu, nhưng theo khẳng định của ông Trương Tuấn Anh, tổng vốn đầu tư giai đoạn đầu để phát triển của Caffe Bene tại Việt Nam sẽ vào khoảng 5 triệu USD (bao gồm tiền nhượng quyền và chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu). Ngoài ra, theo thông tin trả lời phỏng vấn BusinessWeek của ông John Barry, Giám đốc phụ trách nhượng quyền thương hiệu Caffe Bene tại Mỹ, giá trị hợp đồng nhượng quyền ban đầu thường dao động ở mức từ 347.000 - 461.000 USD.
Theo kế hoạch, Caffe Bene sẽ phát triển 3 cửa hàng tại khu vực trung tâm Quận 1, TP.HCM trong năm 2014, tăng lên 10 cửa hàng trong năm 2015 và 15 cửa hàng vào năm 2016. Đồng thời, sau khi được “thẩm định giá trị” tại thị trường TP.HCM, Caffe Bene sẽ mở rộng đầu tư ra Hà Nội và một số địa phương khác.
Về định vị thương hiệu, ông Trương Tuấn Anh cho biết: “Với định vị cao cấp, chúng tôi xác định đối thủ trực tiếp chính là chuỗi Starbucks. Đối tượng khách hàng chính Caffe Bene nhắm tới là nhóm khách hàng trẻ, thu nhập từ trung bình khá trở lên”.
Dự kiến, Caffe Bene sẽ có 3 nhóm sản phẩm chính theo mô hình kết hợp cửa hàng bánh + cà phê+ nước uống, với 60 loại thức uống khác nhau như cà phê; Cheese cake (các loại bánh kem làm trực tiếp tại cửa hàng) và bingsu (loại đá bào trái cây, loại hạt tùy theo hương vị, đá xử lý bằng kỹ thuật đặc biệt - đây là nhóm thức uống đang được giới trẻ tại Việt Nam ưa thích hiện nay)
Trả lời câu hỏi, đâu là sự khác biệt mang lợi thế cạnh tranh của Caffe Bene với Starbuck, ông Hồ Minh Hoàng, Giám đốc Caffe Bene Việt Nam cho biết, đó là sự kết hợp đa văn hóa một cách uyển chuyển, các cửa hàng Caffe Bene được thiết kế theo phong cách châu Âu, nhưng hướng đến sự trẻ trung và phục vụ nước uống cho giới trẻ theo mùa, cùng với đó thế mạnh sẽ được thể hiện qua một đặc trưng riêng của Caffe Bene trong phương pháp pha chế cà phê.
Theo nghiên cứu của Caffe Bene thì, đa phần hiện nay các cửa hàng đều sử dụng phương pháp “trộn trước, rang sau” và ở Việt Nam thì cà phê thường được rang kỹ, nên hạt cà phê có màu đen tuyền, vị đắng. Caffe Bene sử dụng phương pháp “rang trước và trộn sau”, đặc biệt rang ở nhiệt độ vừa, nên hạt sẽ giữ được độ tươi cà phê, giữ được mùi vị của từng loại cà phê. “đây là sự khác biệt lớn nhất”, ông Hoàng cho biết.
Về nguồn nguyên liệu, Caffe Bene hiện nay đã đầu tư một trang trại trồng cà phê tại Brasil, nên mọi nguyên liệu sẽ được nhập khẩu từ Brasil. “Chúng tôi đang xem xét khả năng nhập nguyên liệu cà phê từ Việt Nam, nhưng cần thời gian”, ông Hoàng nói.
Ngoài cạnh tranh về vị có được từ cách pha trộn đặc biệt, Caffe Bene còn có thêm một lợi thế, khi giá bán được xây dựng thấp hơn mức giá Starbuck khoảng 5.000 VND.
Lý giải cho việc tại sao chọn thời điểm này để xuất hiện, ông Trương Tuấn Anh cho biết: “Với sự xuất hiện của những tên tuổi lớn, thị trường đồ uống cà phê Việt Nam đã trở nên sôi động. Sau 18 tháng chuẩn bị cơ sở vật chất tại Việt Nam và thuyết phục đại diện của Caffe Bene tại Hàn Quốc, tôi cho rằng, đây là thời điểm thích hợp nhất để Caffe Bene đổ bộ vào Việt Nam”.
Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, trước đây Tập đoàn Kinh Đô đã tiếp cận thương hiệu Caffe Bene và từng có kế hoạch đưa thương hiệu này vào Việt Nam nhưng không thành công.
Cũng cần phải biết rằng, đối thủ trực tiếp theo định vị của Caffe Bene là Starbuck thì sau gần 2 năm phát triển, Starbuck hiện đang sở hữu 11 cửa hàng, trong đó có 3 cửa hàng vừa được nhãn hàng này khai trương tại Hà Nội. Đây thật sự sẽ là một thách thức với “tân binh” Caffe Bene.