Trong tháng 2, thị trường có thể bị ảnh hưởng bởi những thông tin liên quan đến kế hoạch tăng lãi suất của Fed, dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 3. Tuy nhiên ảnh hưởng này có thể sẽ mang tính chất tâm lý tác động ngắn hạn khi VND được coi là đồng tiền nổi bật trong khu vực với mức tăng giá 0,7% so với cuối năm 2021, trái ngược với xu hướng mất giá của các đồng tiền mới nổi khác trong bối cảnh đồng USD mạnh lên đáng kể.
Về góc nhìn kỹ thuật, vùng hỗ trợ 1.470 điểm có vai trò quan trọng trong việc xác định xu hướng của chỉ số VN-Index. Trong trường hợp chỉ số duy trì vận động ổn định trên vùng này đi cùng với sự cải thiện của thanh khoản, chỉ số nhiều khả năng sẽ chinh phục thành công mốc tâm lý 1.500 điểm đồng thời gia tăng xác suất hướng về đỉnh cũ 1.537 điểm.
Ở chiều ngược lại, nếu chỉ số VN-Index phá vỡ khu vực 1.470 điểm với khối lượng gia tăng, nhiều khả năng chỉ số sẽ tìm điểm cân bằng quanh vùng hỗ trợ 1.423 -1.400 điểm.
9 cổ phiếu được khuyến nghị trong tháng 2
CTG
Cuối 2021, tổng dự phòng rủi ro tín dụng của CTG tương đương với hơn 100% của tổng nợ xấu và nợ tái cơ cấu. Năm 2022, mặc dù vẫn ở mức cao, chi phí tín dụng kỳ vọng giảm xuống 1,3% (so với mức trung bình 1,1% giai đoạn 2013 - 2020), hỗ trợ cho tăng trưởng lợi nhuận cao trong 2022.
Ngoài ra, SSI Research kỳ vọng hợp đồng độc quyền với Manulife có thể được hoàn tất trong 2022, giúp CTG cải thiện lợi nhuận và chỉ tiêu an toàn vốn. Kế hoạch thoái vốn khỏi Vietinbank Leasing và Vietinbank Securities là những yếu tố có thể giúp ngân hàng có được bộ đệm vốn tốt hơn.
STB
Theo ước tính của SSI Research, STB đã thoái lãi dự thu khoảng hơn 3.000 tỷ đồng trong quý IV/2021, đưa lãi dự thu về khoảng gần 7.000 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2021. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế vẫn ở mức tốt là 4.400 tỷ đồng, tăng 32% so với năm trước.
Bên cạnh đó, tiến độ xử lý tài sản có vấn đề kỳ vọng sẽ tiến triển trong năm 2022. Đặc biệt, trong những năm gần đây, mỗi năm STB trích dự phòng và thoái thu lãi khoảng 4.800 - 5.800 tỷ đồng, do đó, lãi trước thuế của ngân hàng được kỳ vọng sẽ cải thiện mạnh từ 2023 khi không còn những gánh nặng về chi phí như vậy.
VPB
Nợ xấu và nợ nhóm 2 tại ngân hàng mẹ đã giảm 3,2% và 32,9% trong quý IV/2021 so với quý trước đó. Ngân hàng đã xoá 1.700 tỷ đồng nợ xấu và trích lập thêm 2.800 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng. Nhờ đó, tỷ lệ bao nợ xấu cải thiện lên 85% (so với 64% cuối quý III/2021). Lợi nhuận trước thuế 2022 dự báo đạt 18.000 tỷ đồng, tăng 23% so với năm trước nhờ tăng trưởng thu nhập lãi 21% và chi phí dự phòng tăng nhẹ so với 2021 (7%).
VPB cũng có kế hoạch phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược nước ngoài trong năm 2022. Ngân hàng đã khoá room ngoại ở mức 17,5% nhằm phục vụ cho thương vụ này. Nếu phát hành thành công, VPB sẽ tiếp tục củng cố bộ đệm vốn và cải thiện tiềm năng tăng trưởng trong tương lai.
SHB
Trong 2021, SHB đã trích lập và tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC. Do đó, chi phí dự phòng ở mức 7.600 tỷ đồng, tăng 73% so với năm ngoái. Chi phí tín dụng đạt 2,3% (so với 0,8% trong giai đoạn 2015 - 2019 và 1,6% trong 2020). Dư nợ tái cơ cấu cũng chỉ còn ở mức thấp tại thời điểm cuối năm là 1.000 tỷ đồng. Do đó, lãi trước thuế năm 2022 dự báo đạt 10.000 tỷ đồng (tăng 60% so với năm 2020).
SHB sẽ chuyển nhượng 50% vốn điều lệ của SHB Finance cho Krungsri và tiếp tục chuyển nhượng 50% vốn còn lại sau 3 năm. Do đó, nguồn tiền thu được từ thương vụ thoái vốn tại SHB Finance sẽ hỗ trợ tăng trưởng trong 2022.
HAH
HAH đã công bố kết quả kinh doanh năm 2021 ấn tượng với doanh thu và lãi ròng Công ty mẹ lần lượt đạt 1.955 tỷ đồng (tăng 64%) và 445 tỷ đồng (tăng 222%). Do đó, SSI cho rằng HAH sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2022 và 2023 nhờ nhu cầu vận tải phục hồi sau dịch; giá cước dịch vụ cảng biển được điều chỉnh tăng vào đầu năm 2022.
Ngoài ra, khác với thị trường vận tải hàng rời, thị trường vận tải container vẫn duy trì mức giá cước rất cao trong bối cảnh gián đoạn chuỗi cung ứng chưa có dấu hiệu cải thiện, trực tiếp hỗ trợ giá thuê tàu. Cuối cùng là 3 tàu mới cho thuê trong năm 2021 và 2 hợp đồng ký lại ở giá cao hơn trong năm 2022 sẽ là yếu tố giúp HAH tăng trưởng.
SZC
Các dự án cơ sở hạ tầng tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu giai đoạn 2021 - 2025 gồm: Cầu Phước An nối thị xã Phú Mỹ - tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu và huyện Nhơn Trạch - tỉnh Đồng Nai với tổng mức đầu tư khoảng 4.879 tỷ đồng; đường 991B nối Quốc lộ 51 với Cảng Cái Mép với tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng. SSI dự báo giá thuê tại khu công nghiệp Châu Đức sẽ tăng 10 - 12% trong năm 2022.
SZC còn hơn 300 ha đất sẵn sàng cho thuê tại khu công nghiệp Châu Đức với suất đầu tư ở mức thấp đạt 293.600 đồng/m2. Đây là lợi thế của SZC so với các khu công nghiệp khác trong khu vực, giúp SZC duy trì mức biên lợi nhuận gộp cao hơn 60%.
FPT
Lợi nhuận trước thuế năm 2021 tăng trưởng 20,4% so với năm 2020 chủ yếu nhờ hai khối kinh doanh chính là công nghệ và viễn thông. Năm 2022, lợi nhuận trước thuế có thể đạt mức 22%, cao hơn so với kế hoạch. Khối công nghệ vẫn là động lực tăng trưởng với mức tăng kỳ vọng là 26%.
PNJ
SSI kỳ vọng tăng trưởng mạnh trong năm 2022, đặc biệt là từ quý III nhờ nhu cầu phục hồi sau dịch khi nền kinh tế hoàn toàn mở cửa; PNJ tiếp tục chiếm thị phần từ các cửa hàng nhỏ lẻ buộc phải đóng cửa trong thời kỳ dịch bệnh 2 năm vừa qua. Cùng với nguồn vốn thu được từ kế hoạch phát hành riêng lẻ sẽ giúp công ty tiếp tục mở mới các cửa hàng tại các thành phố lớn một cách nhanh chóng hơn.
SSI ước tính năm 2022, PNJ sẽ đạt doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 23.500 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2021 và 1.410 tỷ đồng, tăng 37,3%.
GAS
Tăng trưởng sản lượng ước tính đạt 18,5% do mức so sánh thấp trong 2021 nhưng vẫn thấp hơn so với mức trước Covid trong 2019. Với giả định giá dầu thô Brent theo kịch bản cơ sở là 80 USD/ thùng, lợi nhuận của GAS ước tăng mạnh do giá bán tăng. Theo ước tính của SSI, với mỗi 10 USD tăng/giảm của giá dầu Brent, lợi nhuận trước thuế của GAS sẽ tăng/giảm khoảng 700 - 1.100 tỷ đồng.