Quý III là thời gian mía đường Việt Nam vào vụ

Quý III là thời gian mía đường Việt Nam vào vụ

Sốt đường, cổ phiếu mía đường có sốt?

Thời gian vừa qua, thị trường mía đường xôn xao với thông tin, Thái Lan - quốc gia xuất khẩu đường lớn nhất nhì thế giới, đã tăng dự trữ đường lên mức kỷ lục 2,3 triệu tấn và lần đầu tiên có kế hoạch trong vài tuần tới sẽ mua 100.000 tấn đường.

Tại quốc gia này, có siêu thị giới hạn người dân chỉ được mua tối đa 2 kg đường/người. Trong khi đó, một số quốc gia nổi tiếng về tiêu thụ nhiều đường được dự báo sẽ tăng nhu cầu như Ấn Độ, Indonesia, Brazil…

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), vụ 2008/2009, đường thế giới thiếu hụt khoảng 10 triệu tấn, khi cung là 151 tấn mà cầu là 161 tấn. Vụ 2009/2010, dự báo thiếu hụt khoảng 6 triệu tấn, khi cung là 156 triệu tấn và cầu là 162 triệu tấn.

Theo phân tích của CTCK Sacombank SBS, năm 2009, nhờ sự tăng mạnh của giá đường mà hầu hết DN mía đường đang niêm yết đều có sự tăng trưởng mạnh về doanh thu cũng như lợi nhuận. Một số DN có chỉ tiêu lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) cao như NHS, LSS, BHS. Nhưng cũng cần chú ý là các DN có khoản thu nhập bất thường từ việc hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính.

Quý I/2010, các DN mía đường tiếp tục đạt được kết quả kinh doanh khả quan: BHS đạt lợi nhuận trước thuế 34,9 tỷ đồng, bằng 43,7% kế hoạch năm; SEC đạt lợi nhuận sau thuế 43,7 tỷ đồng, cao hơn lợi nhuận của cả năm 2009 là 39,4 tỷ đồng; SBT đạt lợi nhuận sau thuế 76,1 tỷ đồng, bằng 29,1% kế hoạch năm; LSS đạt lợi nhuận sau thuế 68,11 tỷ đồng, tăng 82,06% so với cùng kỳ năm 2009.

Cổ phiếu của các DN này đang được giao dịch tại mức P/E 4 quý gần nhất trong khoảng 4,5 - 6 lần. Đây là một mức khá hấp dẫn so với P/E trung bình của thị trường là trên 10 lần.

Tất nhiên, đây chỉ là chỉ báo tham chiếu để hỗ trợ NĐT trong quyết định của mình. Còn giới đầu tư hẳn không xa lạ gì với câu chuyện của cổ phiếu thép vừa qua. Đầu năm nay, thông tin giá thép tăng mạnh trên thị trường toàn cầu, Trung Quốc đẩy mạnh mua thép khiến nhu cầu càng nóng, cộng hưởng với việc đại lễ 1.000 năm Thăng Long khiến cổ phiếu thép "lên hương". Nhiều DN thép công bố lợi nhuận quý I ấn tượng. NĐT say sưa tích lũy cổ phiếu thép. Thế nhưng, giá thép điều chỉnh giảm sau khi đạt đỉnh cũng là lúc nhiều NĐT thép chậm chân đối mặt với nguy cơ thua lỗ.

Không lạ, mùa điện khan hiếm, nhiều cổ phiếu nhiệt điện, thủy điện được coi là "cục cưng". Quý III này là mùa xây dựng, cổ phiếu xi măng được rỉ tai sẽ là "hàng nóng". Than cũng thế. Nhiều cổ phiếu các ngành sản xuất cũng được nhận định sẽ đi vào chu kỳ khi có thông tin tốt hỗ trợ…

Rõ ràng, không ai ngăn cản việc đầu tư theo xu hướng và nhóm ngành, nhưng một vài thông tin về sốt giá đường trên thế giới hay việc một quốc gia xuất khẩu gom 100.000 tấn đường chưa phải là chuyện lớn. Hơn nữa, quý III là khoảng thời gian mía đường Việt Nam vào vụ. Vì vậy, việc khan hiếm đường không phải là chuyện quá bức thiết đối với DN lẫn người tiêu dùng và các ngành sử dụng mía đường làm đầu vào sản xuất tại Việt Nam. Trên TTCK, cổ phiếu "vào sóng" thì phân tích cơ bản bằng thừa, nhưng trong lúc chưa có sóng, phân tích cơ bản và những giá trị "thật" của DN vẫn cần được coi trọng và là một trong những yếu tố cần được cân nhắc hàng đầu.