Sốt đất, tiền có rút khỏi chứng khoán?

Sốt đất, tiền có rút khỏi chứng khoán?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong giai đoạn đầu năm 2021, thị trường bất động sản ở nhiều khu vực trong cả nước có dấu hiệu sôi động trở lại sau một năm trầm lắng do đại dịch Covid-19.

Năm 2020, thị trường chứng khoán bùng nổ nhờ dòng tiền nội

Đầu năm 2020, thị trường chứng khoán gặp cú sốc đại dịch Covid-19, nhà đầu tư nước ngoài liên tục rút ròng trên thị trường và đến nay chưa có dấu hiệu ngừng lại.

Khối ngoại rút tiền liên tục trên HOSE

Khối ngoại rút tiền liên tục trên HOSE

Luỹ kế từ 1/2/2020 đến 19/3/2021, khối ngoại đã rút ròng trên thị trường 30.043 tỷ đồng. Trong đó, tập trung rút mạnh trong giai đoạn tháng 2, tháng 3 và tháng 4/2020 khi đại dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện, cũng như giai đoạn đầu năm 2021, khi lợi tức trái phiếu Mỹ kỳ hạn dài tăng lên.

Tuy nhiên, sau giai đoạn sụt giảm mạnh đầu năm, thị trường chứng khoán đã vụt tăng mạnh sau khi tạo đáy trong tháng 3/2020, VN-Index liên tiếp thiết lập các đỉnh cao mới, chỉ còn cách đỉnh lịch sử một vài bước chân với thanh khoản tăng lên không ngừng.

Nâng đỡ cho thị trường trong năm 2020, cũng như giai đoạn đầu năm 2021 chủ yếu đến từ dòng tiền nội, trong khi khối ngoại vẫn trên đà rút vốn. Trong đó, có một phần lớn dòng tiền từ các nhà đầu tư mới (còn gọi là nhà đầu tư F0).

Thống kê quy mô giao dịch trên HOSE theo thời gian

Thống kê quy mô giao dịch trên HOSE theo thời gian

Theo thống kê trên HOSE, thanh khoản khớp lệnh trên sàn năm 2020 tăng 94,2%, giá trị giao dịch tăng 56,9% so với năm 2020. Còn trong năm nay, luỹ kế giai đoạn từ 1/1 - 19/3/2021, khối lượng khớp lệnh tăng 207% và giá trị giao dịch tăng 285,1% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, mặc dù có ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng dòng tiền liên tục đổ vào thị trường chứng khoán.

Thống kê số tài khoản mở mới cũng lập kỷ lục trong 20 năm. Cụ thể, số tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân năm 2020 đạt 392.527 tài khoản, tăng 109% so với năm 2019. Nhà đầu tư cá nhân trong nước tiếp tục đóng vai trò chủ đạo dẫn dắt đà tăng của thị trường chứng khoán năm 2020 và gần 3 tháng đầu năm 2021.

Khả năng dịch chuyển dòng tiền từ chứng khoán sang bất động sản không cao

Trong vòng 2 tháng trở lại đây, thị trường chứng khoán Việt Nam có dấu hiệu bị ảnh hưởng tiêu cực từ sự gián đoạn giao dịch trên sàn HOSE. Hiện tượng nghẽn lệnh liên tục diễn ra và chưa khắc phục phần nào ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư.

Ngoài ra, sau thời gian gần 1 năm tăng trưởng mạnh, nhưng không thể phá đỉnh lịch sử, trong 2 tháng qua, thị trường đi ngang tích lũy trong biên độ hẹp vùng 1.160 - 1.200 điểm. Bên cạnh đó, các cổ phiếu có dấu hiệu phân hoá mạnh, không đồng loạt tăng giá như trong năm 2020, mà chỉ có một số cổ phiếu riêng lẻ với những câu chuyện riêng là có sóng. Do đó, giai đoạn này, đòi hỏi nhà đầu tư phải có sự chọn lọc cổ phiếu kỹ hơn.

Nếu như kịch bản thị trường tiếp tục đi ngang, cơ hội kiếm lời khó khăn, điều này có thể kích hoạt dòng tiền chuyển dịch ngược lại bất động sản, vì cơ hội kiếm lời trên thị trường bất động sản đang mở rộng hơn khi cơn sốt đất nền lan ra nhiều vùng trên cả nước kể từ cuối năm ngoái và đầu năm nay. Điều này có thể sẽ gây áp lực ngược lại đà tăng của thị trường chứng khoán.

Chưa kể, tận dụng thị trường chứng khoán bùng nổ, nhiều doanh nghiệp đã liên tục đẩy mạnh huy động vốn bằng phát hành cổ phiếu mới, hút bớt một lượng tiền từ thị trường thứ cấp.

Trong khi đó, sau Tết Nguyên đán, nhiều khu vực trong cả nước lần lượt có dấu hiệu sốt giá đất và các giao dịch diễn ra sôi động như Long An, Hớn Quảng (Bình Phước), Từ Sơn (Bắc Ninh), Gia Viễn (Ninh Bình), Thuỷ Nguyên (Hải Phòng), Hoà Lạc (Hà Nội)…

Điều này đặt ra cho giới đầu tư câu hỏi liệu dòng tiền có lời từ chứng khoán có dịch chuyển sang thị trường bất động sản hay không?

Diễn biến chỉ số VN-Index có dấu hiệu đi ngang trong 2 tháng trở lại đây

Diễn biến chỉ số VN-Index có dấu hiệu đi ngang trong 2 tháng trở lại đây

Thực tế, nguyên nhân cơ bản của chứng khoán tăng điểm và bất động sản tăng giá nhiều nơi đều là tiền rẻ. Việc hạ lãi suất năm 2020 với 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành khiến lãi suất huy động các ngân hàng giảm mạnh.

Độ trễ tiền tệ tại Việt Nam khoảng 3-6 tháng được thể hiện giai đoạn từ cuối năm ngoái. Các sổ tiết kiệm lãi suất cao trước đó đến hạn tất toán, nếu gửi lại sẽ nhận lãi suất tiền gửi còn một nửa khiến nhiều cá nhân thay vì gửi tiết kiệm đã chuyển sang các kênh chứng khoán và bất động sản. Chứng khoán được kéo lên trước.

Vấn đề ở chỗ khi chứng khoán có dấu hiệu khó kiếm lời hơn thì dòng tiền có dịch chuyển đi?

Nhà đầu tư tên Đức ở quận 2, TP.HCM cho biết, trong vòng hơn 2 tháng trở lại đây, việc trading cổ phiếu gặp khó khăn khi dòng tiền phân hóa mạnh, nhiều cổ phiếu giao dịch trong biên độ hẹp, vì vậy đầu tư trên thị trường có dấu hiệu không hiệu quả. Đặc biệt, còn chịu áp lực lãi margin tại công ty chứng khoán.

Ông Đức cho biết thêm, nếu như giao dịch trên thị trường tiếp tục gặp khó trong giai đoạn sắp tới, ông có thể giảm tỷ trọng cổ phiếu và không sử dụng margin. Việc thị trường bất động sản hút nhà đầu tư như hiện tại cũng là một tín hiệu cần lưu ý khi dòng tiền nhà đầu tư ngoại vẫn tiếp tục rút ròng, nếu như nhà đầu tư nội dịch chuyển vốn thì thị trường khó có thể bức phá qua mốc 1.200 trong thời gian tới.

Trong khi đó, trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán VPS cho biết, thị trường điều chỉnh tích lũy quanh vùng 1.190 điểm cũng là điều bình thường do vùng kháng cự 1.190 - 1.200 điểm không dễ vượt qua trong ngắn hạn.

Điều nhà đầu tư chứng khoán lo ngại nhất hiện nay là áp lực lạm phát, sự thay đổi chính sách tiền tệ hay điều chỉnh tăng lãi suất. Bên cạnh đó, một điểm lo ngại của thị trường hiện tại là khối ngoại có dấu hiệu bán ròng trên thị trường.

Về kênh bất động sản, theo ông Khánh, bản chất kênh đầu tư bất động sản vốn dĩ cũng khá hấp dẫn. Trong năm 2021, rõ ràng bất động sản khu công nghiệp và bất động sản đất nền còn hấp dẫn, tuy nhiên bất động sản nghỉ dưỡng hay chung cư/căn hộ sẽ không được các nhà đầu tư quan tâm.

Dù chưa thống kê được dòng tiền chảy từ chứng khoán sang bất động sản như thế nào, nhưng chắc chắn thị trường chứng khoán vẫn còn nhiều sự hấp dẫn với nhà đầu tư, dòng tiền chuyển từ chứng khoán sang bất động sản hiện nay không quá đáng kể.

Một số chuyên gia khác đánh giá, nếu thị trường đi ngang sau đó tiếp tục tăng điểm, thì có thể hy vọng dòng tiền từ các nhà đầu tư bất động sản chưa rút ra ngay lập tức, mà vẫn tiếp tục đầu tư ít nhất tới hết mùa Đại hội đồng cổ đông năm 2021 sắp tới.

Tin bài liên quan