Vượt qua Covid-19
Các doanh nghiệp ngành gạo chủ yếu có nhà máy đặt ở các tỉnh phía Nam và nằm trong vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư.
“Khi các địa phương tại Đồng bằng sông Cửu Long có lệnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16, hệ thống 14 nhà máy của Lộc Trời (LTG - UPCoM) đã hoạt động sản xuất 3 tại chỗ, đảm bảo an toàn chống dịch. Để không gián đoạn chuỗi cung ứng, lực lượng 3 cùng của Lộc Trời đã tổ chức nhiều đợt ra quân thần tốc cung ứng hàng hóa kịp thời cho đối tác, khách hàng, đảm bảo đầy đủ giống, phân bón, vật tư nông nghiệp cho bà con nông dân phục vụ sản xuất đúng lịch mùa vụ”, lãnh đạo Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cho hay.
Ngay từ đầu năm, Công ty đã đề ra các phương án hoạt động với giả định dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp. Nhờ sự chủ động trong kế hoạch hành động nên Lộc Trời đảm bảo ổn định sản xuất.
Thời gian giãn cách vừa qua đúng thời điểm thu hoạch vụ hè - thu, Lộc Trời đã có các giải pháp thu mua, sản xuất thành phẩm phục vụ hoạt động kinh doanh và đề xuất các giải pháp hỗ trợ nông dân giải quyết tình trạng gián đoạn của chuỗi cung ứng, đảm bảo số lượng, chất lượng cũng như tiến độ giao hàng.
Năm 2021, Lộc Trời đặt kế hoạch đạt doanh thu 14.155 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 400 tỷ đồng, tăng lần lượt 88,6% và 8,5% so với năm 2020. Kết thúc 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp hoàn thành được hơn 36% mục tiêu doanh thu và hơn 57% mục tiêu về lợi nhuận cả năm.
Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Trung An - TAR: HNX) cũng gặp khó khăn trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, nhưng vẫn đẩy mạnh xuất khẩu gạo khi trúng các gói thầu xuất khẩu sang Hàn Quốc. Trong quý III/2021, Trung An ước đạt doanh thu 500 tỷ đồng, lợi nhuận 40 tỷ đồng, gấp đôi quý II và tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu TAR của Trung An tăng gần 30% trong tháng 9/2021, đạt 25.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu LTG của Lộc Trời có giá đi ngang trong tháng 9, nhưng tăng gần 30% với đầu năm.
Trong khi đó, cổ phiếu NSC của Công ty cổ phần Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam tăng nhẹ trong tháng 9 cũng như so với đầu năm.
Được biết, 6 tháng đầu năm 2021, NSC đạt doanh thu 777 tỷ đồng, tăng 16% và lợi nhuận 96 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2020. Kết quả này tương đương 43% kế hoạch doanh thu và 42% kế hoạch lợi nhuận năm 2021.
Một cổ phiếu ngành gạo khác là AGM của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang có giá tăng mạnh, lập đỉnh 41.800 đồng/cổ phiếu vào ngày 15/9/2021, chủ yếu nhờ nhóm cổ đông liên quan tới Công ty cổ phần Louis Capital (TGG) mua vào lượng lớn cổ phiếu, qua đó nắm cổ phần chi phối.
Giá cổ phiếu AGM sau đó có diễn biến giảm do nhiều nhà đầu tư chốt lời và TGG đăng ký bán ra, đóng cửa phiên giao dịch cuối tháng 9 tại 33.300 đồng/cổ phiếu, nhưng vẫn cao hơn 2,5 lần so với đầu năm.
Trong nửa đầu năm 2021, AGM ghi nhận doanh thu 1.036 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 17,4 tỷ đồng, hoàn thành 27% kế hoạch doanh thu và 39% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Áp lực chi phí tăng
Năm 2020, Việt Nam là nhà xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới khi xuất khẩu 6,15 triệu tấn, đạt kim ngạch 3,07 tỷ USD. Bộ Nông nghiệp Mỹ nhận định, Việt Nam sẽ duy trì được vị thế này trong năm 2021 (sau Ấn Độ) do nhu cầu tiêu thụ và dự trữ gạo của thế giới tiếp tục tăng. Sản lượng gạo nhập khẩu toàn cầu dự kiến đạt 44,7 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2020.
Trong 8 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu 3,93 triệu tấn gạo, trị giá 2,1 tỷ USD, với thị trường lớn nhất là Philippines, tiếp theo là Trung Quốc và Bờ Biển Ngà.
Từ tháng 5 đến nay, hoạt động xuất khẩu gạo bị ảnh hưởng bởi việc vận chuyển gặp khó khăn, thiếu container và năng suất giảm do hoạt động 3 tại chỗ của nhiều doanh nghiệp phía Nam.
Các doanh nghiệp kỳ vọng, tình hình xuất khẩu sẽ được cải thiện rõ rệt trong quý cuối năm khi dịch bệnh dần được kiểm soát, nhiều địa phương nới lỏng giãn cách, doanh nghiệp trở lại hoạt động sản xuất trong trạng thái bình thường mới.
Trong hai tuần đầu tháng 9/2021, giá xuất khẩu gạo 5% tấm tăng gần 4%, từ 385 USD/tấn lên 400 USD/tấn. Giá gạo xuất khẩu tăng trong bối cảnh Chính phủ tăng cường dự trữ gạo và các thương gia ngừng nhập khẩu gạo từ Ấn Độ.
Ngày 7/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết bổ sung kinh phí mua gạo dự trữ quốc gia và đề xuất trợ cấp gạo cho một số địa phương (kinh phí 2.199 tỷ đồng để mua 172.889,47 tấn gạo). Việc này tạo động lực tăng trưởng cho một số doanh nghiệp ngành gạo.
Chẳng hạn, Trung An đã trúng thầu gói cung cấp 25.413 tấn gạo trong chương trình mua gạo hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 của Chính phủ.
Với mức giá trúng thầu 9.848 đồng/kg, tổng trị giá hợp đồng đạt hơn 250 tỷ đồng, dự kiến Trung An sẽ hoàn thành giao gạo tới 8 tỉnh, thành phố được Chính phủ hỗ trợ người dân trong tháng 10.
Hoạt động xuất khẩu gạo bị ảnh hưởng bởi việc vận chuyển gặp khó khăn, thiếu container và năng suất giảm do hoạt động "3 tại chỗ" của nhiều doanh nghiệp phía Nam.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngành gạo đang gặp áp lực chi phí container cao và tình trạng thiếu hụt tàu hàng, có đơn vị không dám ký hợp đồng mới vì lo ngại không đáp ứng được đơn hàng.
Thực tế, doanh nghiệp ngành gạo đối mặt với áp lực lớn về chi phí vận chuyển tăng, cùng với những chi phí phát sinh trong điều kiện hoạt động vừa sản xuất, vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Không ít nhà máy đã tạm ngừng sản xuất vì dịch bệnh ảnh hưởng đến năng suất của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, chi phí sản xuất vụ lúa thu - đông gia tăng sẽ gián tiếp đẩy giá thành phẩm gạo lên cao. Lộc Trời cho biết, người nông dân đối mặt với tình trạng vật tư nông nghiệp tăng giá, nhất là phân bón (tăng từ 50 - 80% so với năm trước).
Ngoài ra, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn có diễn biến phức tạp nên một số địa phương tại Đồng bằng sông Cửu Long gặp khó khăn về nhân công, tiến độ xuống giống bị chậm. Giá thành sản xuất tăng sẽ tác động trực tiếp đến giá đầu ra của thành phẩm.
Theo đó, mục tiêu xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2021 là 6 - 6,2 triệu tấn, mang về 3,3 tỷ USD không dễ đạt được.