Sóng ngành đã nổi?

Sóng ngành đã nổi?

(ĐTCK) Trong điều kiện thị trường không có thông tin hỗ trợ và dòng tiền mới đủ mạnh, dòng tiền đầu cơ thường chạy vòng quanh, nâng giá cổ phiếu các nhóm ngành.

Sóng ngành theo chu kỳ kinh tế

RoyalBank đã có một thống kê thú vị về các giai đoạn phát triển của nền kinh tế, liên quan đến chu kỳ phát triển của từng ngành (Đồ thị 1). Chẳng hạn, ở giai đoạn kinh tế bùng nổ, thu nhập của người lao động ổn định, tạo ra nhu cầu xã hội cao đối với các lĩnh vực như hàng tiêu dùng và y tế, đẩy các ngành này phát triển cực thịnh. Ngược lại, ở đáy của giai đoạn khủng hoảng, ngành tài chính và ngành hàng tiêu dùng không thiết yếu xuống đáy và bắt đầu chuẩn bị bước sang một giai đoạn phục hồi. Đây cũng là thời điểm tốt để đầu tư vào các ngành này.

 Sóng ngành đã nổi? ảnh 1

Trong giai đoạn kinh tế chớm phục hồi, hoạt động giao thương bắt đầu nhộn nhịp trở lại, các công ty vận tải ăn nên làm ra thì đây là thời điểm tốt để đầu tư vào lĩnh vực này. Khi nền kinh tế phát triển vượt đỉnh cũ, bùng nổ ở giai đoạn mới, nhu cầu với nguyên liệu cơ bản, năng lượng tăng cao, nên các ngành cung ứng nguyên liệu, năng lượng bước vào giai đoạn thịnh vượng. Còn khi nền kinh tế thăng hoa thì các ngành công nghiệp sản xuất phát triển rất mạnh.

TTCK được xem tấm gương phản chiếu nền kinh tế, dựa trên các kỳ vọng của giới đầu tư. Loại trừ giai đoạn sơ khai, kể từ khi quy mô TTCK Việt Nam đủ lớn, rất hiếm khi tất cả cổ phiếu trên thị trường cùng tăng hay cùng giảm. Sự phân hóa cổ phiếu diễn ra theo ngành thời gian qua khá rõ nét. Chẳng hạn, mỗi giai đoạn các chỉ số chứng khoán xuống đáy thì bao giờ cổ phiếu của các CTCK cũng dẫn dắt thị trường bước vào giai đoạn phục hồi. Kỳ vọng này dựa trên logic, chứng khoán khởi sắc, giao dịch bùng nổ, CTCK thu được nhiều phí hơn và có thể có lãi từ hoạt động tự doanh. Sau đó, nhóm cổ phiếu chứng khoản sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa sang các nhóm ngành khác như ngân hàng, bất động sản, xây lắp, nguyên liệu cơ bản, thủy sản, khai khoáng…, giúp thị trường chung phục hồi.

Năm 2009 để lại nhiều cảm xúc cho giới đầu tư khi chỉ số VN - Index xuống mức thấp nhất trong lịch sử và phục hồi mạnh mẽ với 3 con sóng, giúp giới đầu tư gỡ gạc lại những mất mát trước đó: giai đoạn đầu từ ngày 25/2/2009- 14/4/2009; giai đoạn thứ hai từ ngày 28/4/2009- 12/6/2009 và giai đoạn 3 từ ngày 21/7/2009- 23/10/2009. Trong cả ba giai đoạn này, các ngành đã liên tục thay phiên nhau trở thành đầu tàu, kéo các chỉ số chứng khoán vượt qua các ngưỡng cản (xem bảng 1).

 Sóng ngành đã nổi? ảnh 2

Giai đoạn phục hồi thứ nhất: Chỉ số VN - Index tăng từ 235 điểm lên 347 điểm và HNX - Index tăng từ 81,93 điểm lên 130,94 điểm. Nhóm cổ phiếu tài chính (chứng khoán & ngân hàng) có mức phục hồi ấn tượng nhất, sau đó là các ngành nguyên liệu (cao su và nhựa). Kế tiếp là các ngành thương mại, sản xuất - kinh doanh, xây dựng, bất động sản, công nghệ năng lượng… Các nhóm ngành dược phẩm và giáo dục tỏ ra đuối sức nhất khi có mức phục hồi nhẹ, chỉ bằng 1/3 so với mức phục hồi chung của cả thị trường.

Giai đoạn phục hồi thứ hai: Chỉ số VN Index tăng từ 315,71 điểm lên 509,59 điểm và chỉ số HNX - Index tăng từ 111,95 điểm lên 182,92 điểm. Lần này nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn dẫn dắt thị trường, sau đó có sự đổi vai cho cổ phiếu ngành thép và xây dựng. Trong giai đoạn này, cổ phiếu các ngành dược phẩm, công nghệ, khoáng sản, năng lượng có mức phục hồi thấp.

Giai đoạn phục hồi thứ ba: Chỉ số VN - Index tăng từ 416,43 điểm lên 615,68 điểm và chỉ số HNX - Index tăng từ 140,37 điểm lên 214,27 điểm. Lần này đã có sự đổi ngôi quan trọng khi nhóm cổ phiếu xây dựng, thép, bất động sản trở thành 3 trụ cột phục hồi mạnh nhất. Cổ phiếu các nhóm ngành chậm phục hồi trong giai đoạn trước đây như thủy sản, khoáng sản cũng đã gia nhập nhóm cổ phiếu có mức tăng mạnh. Cổ phiếu các nhóm ngành dược phẩm, dịch vụ, năng lượng vẫn giữ mức phục hồi chậm. Đặc biệt, ở giai đoạn cuối, cổ phiếu ngân hàng hụt hơi, xếp ở vị trí đội sổ với mức tăng chỉ bằng 1/5 mức tăng chung của thị trường.

 Sóng ngành đã nổi? ảnh 3

Tổng kết lại năm 2009 nhiều ấn tượng, cổ phiếu ngành nguyên liệu, vật liệu như nhựa và thép có mức tăng dẫn đầu thị trường. Đội sổ là nhóm ngành dầu khí, dược phẩm, vật liệu xây dựng, dịch vụ và năng lượng (xem bảng 2). Điều này cũng diễn ra trong năm 2010 và đầu năm 2012. Lịch sử một lần nữa lặp lại khi đà tăng giá hiện tại của thị trường được châm ngòi bởi cổ phiếu ngành chứng khoán và đang được tiếp sức bởi cổ phiếu ngành bất động sản. Sau đó, đà tăng điểm của thị trường được nối tiếp bởi lực kéo của các cổ phiếu blue-chip thông qua động thái mua ròng của khối ngoại. Bên cạnh đó, các cổ phiếu nhỏ có tính chất đầu cơ đang được giao dịch sôi động, kéo giới đầu tư quay lại thị trường, hứa hẹn các con sóng ngành trong tương lai.

Đà tăng đang được dẫn dắt bởi các cổ phiếu lớn

Ông Kim Thiên Quang, Giám đốc Khối khách hàng cá nhân, CTCK Maybank KimEng (MBKE)

Sự phục hồi của thị trường một tháng qua được dẫn dắt ban đầu bởi các NĐT nước ngoài và dòng tiền mang tính chất đầu cơ khi giá chứng khoán đa rơi xuống một mặt bằng khá rẻ. Vài phiên giao dịch gần đây, diễn biến thị trường khá thú vị khi chỉ điều chỉnh nhẹ và nhanh chóng phục hồi.

 

Quan sát diễn biến thị trường, có thể thấy, đà tăng được dẫn dắt bởi các cổ phiếu lớn, chủ yếu là VN30-Index, lực mua mạnh thuộc về các NĐT nước ngoài, đặc biệt là NĐT tổ chức mới được rót thêm tiền. Các cổ phiếu nhỏ mang tính chất đầu cơ cũng giới đầu cơ giao dịch sôi động, thu hút sự chú ý nhưng vài phiên giao dịch gần đây đa có động thái chốt lời ở một số mã.

 

Một tháng qua, thị trường tạo ra khá nhiều cơ hội và những NĐT thực sự đang quay trở lại thị trường tham gia cuộc chơi mới. Chính vì thế, thị trường sẽ đến giới hạn điều chỉnh nhưng dòng tiền sẽ không rút đi ngay và mà chảy qua từng nhóm hoặc mã cổ phiếu có thông tin hỗ trợ. Thị trường vẫn ẩn chứa các cơ hội.

 

 

Thị trường sẽ phân hóa cổ phiếu dựa trên kết quả kinh doanh

Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Môi giới CTCK Rồng Việt (VDSC)

Thị trường đang được nâng đỡ bởi “con sóng niềm tin” khi cùng lúc có khá nhiều thông tin hỗ trợ thị trường xuất hiện như gói giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản, quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong vấn đề xử lý nợ xấu của nền kinh tế cùng nhiều động thái hỗ trợ TTCK được công khai… Đứng trên dòng chảy thông tin chính thống, giới đầu tư đang kỳ vọng diễn biến của TTCK sẽ lạc quan hơn trong năm 2013, dù nhiều giải pháp cần một thời gian dài để được đưa vào thực thi hoặc có thể tạo ra kết quả

thực sự. Tuy nhiên, sự tăng trưởng của TTCK Việt Nam một tháng qua vẫn hợp lý, vì TTCK là nơi phản ánh các kỳ vọng.

 

Dòng tiền chảy vào TTCK thời gian qua chủ yếu là dòng tiền nhàn rỗi của NĐT. Khi chứng khoán có cơ hội, NĐT đa quay lại thị trường và khi vẫn còn cơ hội thì dòng tiền chưa rút đi. Tôi cho rằng, thanh khoản của TTCK Việt Nam vẫn ở mức tốt, chí ít hết quý I/2013. Thị trường sẽ phân hóa cổ phiếu, dựa trên kết quả kinh doanh và các thông tin hỗ trợ. NĐT nội địa vẫn ưa thích các cổ phiếu có hệ số bê ta cao, hoặc các cổ phiếu có kết quả kinh doanh vượt trội nhưng chưa tăng giá.