Sóng đầu tư nước ngoài đổ về các nhà máy thuốc

Sóng đầu tư nước ngoài đổ về các nhà máy thuốc

Theo số liệu của Bloomberg, kể từ đầu năm đến nay các mã cổ phiếu ngành dược niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam đã tăng trưởng khoảng 40%, tốt nhất trong số 10 ngành của VN - Index. Sự hấp dẫn của ngành dược Việt Nam càng được chứng minh khi hàng loạt cái tên lớn trong ngành như Abbott, Sanofi, Taisho… lần lượt dốc thêm vốn vào Việt Nam.

Thị trường cực kỳ hấp dẫn

Tháng 8/2016, Abbott bất ngờ công bố việc mua lại công ty Glomed, một trong những nhà sản xuất dược phẩm hàng đầu tại Việt Nam. Thành lập từ 2007, Glomed là thương hiệu cung cấp thuốc cho thị trường Việt Nam ở cả hai nhóm, kê toa và không kê toa. Glomed sở hữu 2 nhà máy trong KCN Việt Nam - Singapore, Bình Dương và năm chi nhánh trên cả nước (Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang và Cần Thơ). Sản phẩm Glomed hiện đang có mặt tại hệ thống nhà thuốc từ Nam tới Bắc với gần 200 sản phẩm. Abbott đã có mặt tại Việt Nam hơn 20 năm qua. Thông qua thương vụ mua lại này, Abbott trở thành một trong 10 công ty dược phẩm hàng đầu tại Việt Nam.

Trước Abbott, cuối tháng 6, Công ty cổ phần Chế tạo thuốc Taisho cũng bất ngờ trở thành nhà đầu tư lớn của Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (DHG). Để sở hữu 24,4 % cổ phần của thương hiệu kinh doanh hiệu quả nhất ngành dược Việt Nam này, Taisho đã phải chi gần 2.500 tỷ đồng.

Sóng đầu tư nước ngoài đổ về các nhà máy thuốc ảnh 1

 Glomed đã vào tay Abbott

Một tập đoàn dược nổi tiếng khác của Việt Nam là Domesco cũng đón đầu tư lớn từ nước ngoài cách đây vài năm. Giá trị khoản đầu tư này lên đến hơn 16 triệu USD. Hiện 45,9% cổ phần của Domesco đang ở trong tay Công ty CFR International SpA của Chile. Đây là thương hiệu dược phẩm nổi tiếng nhất Chile, thuộc Tập đoàn CFR Pharmaceutical SA. CFR đang có tổng cộng 11 nhà máy sản xuất, 3 viện nghiên cứu tại các nước cùng hơn 7.000 nhân viên trên toàn thế giới, bao gồm hơn 2.000 trình dược viên.

Vì sao DN dược trong nước có thể thu hút nhiều đầu tư từ các thương hiệu lớn trong ngành đến vậy? Đánh giá về thị trường Việt Nam, ông Cyril Grandchamp, Tổng Giám đốc Sanofi Đông Dương, phụ trách Việt Nam, Lào và Campuchia cho biết: “Thị trường dược phẩm của Việt Nam đang tăng trưởng rất nhanh và là một trong những đất nước tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực, với mức tăng trưởng cụ thể là tầm khoảng 15% và sẽ tiếp tục tăng trưởng trong ít nhất là 5 đến 10 năm tới. Những con số này trong mắt nhà đầu tư là cực kỳ hấp dẫn”.

Dọn đường cho sản phẩm ngoại?

Taisho Pharmaceutical Holdings là tập đoàn nằm trong top 5 DN dược lớn nhất Nhật Bản với tổng tài sản 759 tỷ Yên (khoảng 7,1 tỷ USD), doanh thu năm 2015 của tập đoàn này đạt 290 tỷ Yên. Ở Việt Nam, công ty này có nhà máy là Công ty Taisho Việt Nam được thành lập từ năm 1999 phân phối sản phẩm nước tăng lực Lipovitan. Đầu tư vào DHG, cũng như các nhà đầu tư khác, mục đích của Taisho chắc chắn không chỉ là lợi nhuận mà còn là chiến lược lâu dài hơn.

Ông Ngô Văn Huy, Tổng giám đốc ngành hàng dược phẩm của Abbott Việt Nam thừa nhận, sở hữu Glomed, Abbott ngoài sở hữu một danh mục thuốc phù hợp với các lĩnh vực điều trị chính hiện tại của công ty gồm thuốc kháng sinh, tiêu hóa, tim mạch, giảm đau, hô hấp, sức khỏe phụ nữ và nhóm sản phẩm không kê toa… thì thương hiệu này sẽ tận dụng được cả hệ thống phân phối rộng khắp mà Glomed gây dựng nhiều năm qua.

Sóng đầu tư nước ngoài đổ về các nhà máy thuốc ảnh 2

Trong mắt các DN dược quốc tế, thị trường dược Việt Nam được đánh giá cao vì có bề dày phát triển lâu đời. “Ở Việt Nam có một điểm đặc biệt, ở rất nhiều tỉnh thành, mỗi tỉnh thành lại có những công ty dược phẩm rất mạnh”, ông Cyril Grandchamp tiết lộ. Như vậy, rõ ràng là đầu tư vào DN dược trong nước là cách dọn đường tốt nhất để đưa sản phẩm của các “ông lớn” vào Việt Nam, bởi đó là cách họ sở hữu hệ thống phân phối đang vận hành khá tốt của DN bản địa.

Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường dược phẩm Việt Nam hiện đang ở thế phát triển song hành. Cụ thể, về cơ sở vật chất, với sự tham gia của khối DN tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang có thêm nhiều nhiều bệnh viện mới. Ở các thành phố, bệnh viện ngày càng được hiện đại hóa còn đối với ở các tỉnh thành thì cũng có thêm những bệnh viện mới.

Về mặt bảo hiểm y tế, bệnh nhân Việt Nam ngày nay càng ngày có nhiều quyền lợi khi tham gia vào bảo hiểm y tế nên số lượng người tham gia ngày càng đông.

Ông Cyril Grandchamp nhận xét: “So với các nước khác trong khu vực, không phải nước nào cũng được đầu tư cả về hai phía như Việt Nam. Hai yếu tố này cộng lại khiến thị trường dược phẩm Việt Nam có điều kiện phát triển mạnh hơn rất nhiều”. Điều này hứa hẹn ngành dược sẽ còn đón nhận thêm những thương vụ đầu tư khác.

Tin bài liên quan