Sóng đầu tư mới của doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam thông qua M&A

Doanh nghiệp Trung Quốc đang có xu hướng tăng sự hiện diện tại Việt Nam thông qua mua bán - sáp nhập (M&A), nhất là trong lĩnh vực bất động sản.
Sóng đầu tư mới của doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam thông qua M&A

Tăng đầu tư qua M&A

Chia sẻ với các doanh nghiệp Trung Quốc tham dự buổi giới thiệu cơ hội đầu tư vào Việt Nam được tổ chức gần đây tại TP.HCM, ông Chen De Hai, Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM cho biết, từ năm 2016 đến nay, vốn đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh, năng lực sản xuất ngày càng mở rộng và các dự án đầu tư lớn ngày càng nhiều.

Không nói cụ thể các dự án này được đầu tư tại đâu, song ông Chen De Hai cho biết, danh mục đầu tư khá đa dạng và vốn đầu tư của nhiều dự án không nhỏ. Có dự án từ vài trăm triệu đến hơn 2 tỷ USD và đầu tư ở các lĩnh vực như nhiệt điện, điện gió, sản xuất pin năng lượng mặt trời, dệt may, sản xuất lốp xe…

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, trong năm 2017, nguồn vốn đầu tư cam kết của doanh nghiệp Trung Quốc đứng vị trí thứ 4 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Đây là diễn biến rất mới vì trong nhiều năm qua, Trung Quốc rất hiếm khi nằm trong Top 5 nhà đầu tư nước ngoài có vốn đầu tư lớn vào Việt Nam.

Năm 2017 cũng ghi nhận nhiều thương vụ M&A của doanh nghiệp Trung Quốc với các đối tác tại Việt Nam trong lĩnh vực bất động sản. 

Sẽ có sóng đầu tư vào sản xuất?

Nguồn tin từ Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM cho biết, các dự án của doanh nghiệp Trung Quốc được cấp phép trong năm qua không nhiều, quy mô vốn đầu tư nhỏ. Đáng chú ý nhất là dự án của Công ty TNHH Worldon Việt Nam với vốn đầu tư 310 triệu USD tại Khu công nghiệp Đông Nam, được khánh thành hồi cuối tháng 11/2017.     

Vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam năm 2017

Tổng vốn đầu tư cam kết: gần 2,17 tỷ USD. Trong đó, có 284 dự án mới với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,4 tỷ USD; 83 dự án điều chỉnh tăng vốn với vốn tăng thêm là 271 triệu USD.

Ngoài ra, có 817 lượt nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần, với giá trị hơn 487 triệu USD.

Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy, không chỉ đầu tư thông qua M&A và chỉ tập trung vào lĩnh vực bất động sản, mà doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tăng mạnh đầu tư vào lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam.

Được biết, hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp  trong lĩnh vực dệt may, xơ sợi, da giày đang nằm trong lộ trình điều chỉnh chính sách ngành của Trung Quốc và được khuyến khích đầu tư ra nước ngoài.

Trong khi đó, doanh nghiệp Trung Quốc muốn đầu tư vào Việt Nam nhằm tận dụng ưu đãi thuế suất khi xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ hay các nước châu Âu vì Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước này.

Một minh chứng cho động thái trên là việc Ngân hàng Bank of China Chi nhánh TP.HCM và Công ty TNHH Thông tin Chứng khoán Thâm Quyến (thuộc Sở Giao dịch chứng khoán Thâm Quyến) trong tháng 12/2017 đã ký thỏa thuận về hợp tác nhằm xúc tiến thu hút đầu tư vốn Trung Quốc vào Việt Nam.

Theo nhiều nhà phân tích, làn sóng đầu tư mới của doanh nghiệp Trung Quốc vào các lĩnh vực sản xuất, như thép, dệt may, xơ sợi, đồ gỗ nội thất… là câu chuyện hoàn toàn có thể thể xảy ra trong tương lai gần. Vấn đề là, các cơ quan chức năng và địa phương sẽ có cách tiếp cận với các đề xuất của doanh nghiệp như thế nào để đảm bảo thu hút đầu tư, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, song không đánh đổi môi trường, không tiếp nhận công nghệ lạc hậu.

Tin bài liên quan