Cơ hội rộng mở
Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) cho biết, theo báo cáo mới nhất về nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019, kinh tế số tại Việt Nam có tốc độ tăng trưởng dẫn đầu trong khu vực, vượt mức 40%/năm. Đặc biệt, Hà Nội và TP.HCM nằm trong tốp 10 thành phố năng động nhất thế giới theo Bảng xếp hạng City Momentum Index 2019.
“Việc triển khai các đề án xây dựng đô thị thông minh, thúc đẩy các chương trình khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng tạo lợi thế rất lớn cho các doanh nghiệp muốn triển khai các sản phẩm dựa trên nền tảng công nghệ mới”, ông Hòa nói và cho rằng, với tiềm năng đầu tư lớn, nhiều cơ hội kinh doanh đang rộng mở với các nhà đầu tư.
Thực tế, từ đầu năm đến nay, tại các địa phương phía Nam đã chứng kiến không ít dự án đầu tư lớn, trong đó có những dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Chẳng hạn, Bình Dương đã cấp phép cho Dự án Cung cấp dịch vụ Internet do Tập đoàn NTT (Nhật Bản) liên doanh với Công ty cổ phần Công nghệ và Truyền thông Việt Nam đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, với vốn đầu tư đăng ký 171 triệu USD.
Hay Đồng Nai cấp phép tăng vốn đầu tư cho dự án của Công ty Sản phẩm máy tính Fujitsu Việt Nam (Nhật Bản) tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2, với vốn đăng ký tăng thêm trên 60,18 triệu USD.
Theo ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, tỉnh này đang thực hiện Chương trình Đổi mới thu hút đầu tư giai đoạn 2016 - 2020, với mục tiêu tập trung thu hút đầu tư vào công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động, thân thiện môi trường. Dự án của NTT nằm trong định hướng tập trung mời gọi các tập đoàn công nghệ hàng đầu của Bình Dương.
Tăng hợp tác nội ngoại
Thông tin tại Hội nghị Phát triển dịch vụ công nghệ thông tin với chủ đề “Việt Nam - Điểm đến cho đổi mới, sáng tạo” vừa được tổ chức tại TP.HCM, ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Liên minh Các doanh nghiệp gia công công nghệ thông tin Việt Nam (VNITO) cho biết, với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ trên thế giới và lợi thế có gần 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp và tiếp tục tăng mỗi năm, Việt Nam đang có tỷ lệ các công ty khởi nghiệp cao thứ ba ở Đông Nam Á.
“Các công ty công nghệ của Việt Nam đang bắt kịp xu hướng phát triển công nghệ mới của thế giới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ở hầu hết các lĩnh vực”, ông Long thông tin và nhận định, đây sẽ là cơ hội vàng để ngành công nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam bứt phá, trở thành “Trung tâm đổi mới - Innovation Hub” hàng đầu tại Đông Nam Á.
Cũng theo ông Long, TP.HCM trở thành khu vực đầu tiên triển khai 5G tại Việt Nam. Công nghệ này được cho là sẽ giúp cho hoạt động của TP.HCM trở nên năng động hơn trong tương lai và dẫn đầu cả nước trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số.
Đó cũng là lý do mà ở ngay tại hội nghị trên, đã diễn ra các ký kết thoả thuận hợp tác giữa VNITO và 6 tổ chức quốc tế, trong đó 3 đơn vị đến từ Nhật Bản và 3 đơn vị từ Hàn Quốc. Đây là hai quốc gia rất quan tâm đến Việt Nam, đánh dấu việc hợp tác và đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin của Việt Nam ra hai thị trường này và thị trường thế giới nói chung.
Trước đó, tháng 7/2019, VNITO phối hợp với Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại tại Nhật Bản. Chương trình đã thu hút sự tham gia của hơn 120 doanh nghiệp, tổ chức Nhật Bản, kết nối hơn 170 lượt hợp tác, mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong tương lai cho ngành công nghệ thông tin nói chung, gia công phần mềm nói riêng giữa hai nước…
Thêm tín hiệu tích cực
Đã có thêm những tín hiệu tích cực trong việc đầu tư, phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin, nhất là đối với chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung. Chuỗi này đang có 2 đơn vị tại TP.HCM là QTSC và Khu Công viên phần mềm Đại học Quốc gia TP.HCM.
Dự kiến, trong quý IV/2019, QTSC sẽ kết nạp thêm 2 thành viên mới là Khu Công viên phần mềm Mekong (Mekong ITP) tại tỉnh Tiền Giang và Trung tâm Công nghệ phần mềm Thừa Thiên Huế (HueCIT).