Nhiều cổ phiếu xây dựng, vật liệu xây dựng đang hưởng lợi từ đầu tư công.

Nhiều cổ phiếu xây dựng, vật liệu xây dựng đang hưởng lợi từ đầu tư công.

Sóng đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hàng loạt cổ phiếu xây dựng, vật liệu xây dựng đã tăng khá tốt, với cơ sở chính đây là những ngành sẽ hưởng lợi từ làn sóng đầu tư công.

Kỳ vọng đầu tư công khởi sắc thời sống chung với dịch

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, giải ngân đầu tư công từ nguồn vốn ngân sách nhà nước tính đến hết ngày 31/7/2021 đạt 169.300 tỷ đồng, chỉ bằng 36,7% kế hoạch, giảm 40,67% so với cùng kỳ năm 2020. Theo các chuyên gia, các năm trước, vấn đề chậm giải ngân thường đến từ khâu thiết kế dự án và giải phóng mặt bằng - có tới 60% dự án bị tắc ở khâu này.

Từ đầu năm đến nay, ngoài vướng mắc này thì dịch bệnh Covid-19 kéo dài hơn dự kiến, giá vật liệu xây dựng tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai các dự án đầu công cũng như giải ngân đầu tư công.

Tình hình giải ngân đầu tư công từ năm 2017 đến nay. Nguồn: MBKE tổng hợp.

Tình hình giải ngân đầu tư công từ năm 2017 đến nay. Nguồn: MBKE tổng hợp.

Tuy vậy, trong bối cảnh hai trong ba động lực được kỳ vọng sẽ vực dậy nền kinh tế trong năm 2021 là tiêu dùng và xuất khẩu đang bị kéo lùi bởi đại dịch, giới đầu tư kỳ vọng, động lực quan trọng còn lại là đầu tư công sẽ được Chính phủ đẩy mạnh.

Hàng loạt chuyển động từ các bộ ngành, địa phương liên quan đến tháo gỡ vướng mắc trong giải ngân đầu tư công, đẩy mạnh tiến độ các dự án trọng điểm đã cho thấy điều này. Ngay trong ngày Quốc khánh 2/9, cầu Thủ Thiêm 2, bắc qua sông Sài Gòn, nối liền TP. Thủ Đức với quận 1, TP.HCM đã được hợp long thành công.

Đây là công trình trọng điểm, cấp bách nên UBND TP.HCM vẫn cho phép nhà thầu duy trì thi công theo hình thức “3 tại chỗ” trong thời gian siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống Covid-19.

Dự án có tổng vốn đầu tư gần 3.100 tỷ đồng, dự kiến đưa vào khai thác từ quý II/2022. Tại Hà Nội, dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, công trình giao thông quan trọng nối các quận trung tâm với quận Long Biên và các tỉnh phía Bắc cũng được duy trì thi công trong những ngày này.

Nhìn lại giai đoạn nửa đầu năm 2020, giải ngân đầu tư công đạt dưới 40% kế hoạch do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng vẫn về đích cả năm nhờ tăng tốc trong nửa cuối năm. Đây là cơ sở để giới đầu tư kỳ vọng giải ngân đầu tư công có thể hoàn thành kế hoạch năm.

Ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận định, năm nay, Chính phủ và các bộ, ngành địa phương phải ưu tiên cho công tác phòng chống dịch bệnh, đòi hỏi không chỉ nguồn lực kinh tế, mà còn nguồn lực chính trị, nhân lực… Điều này có thể nhìn thấy qua con số vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước 7 tháng đầu năm nay chỉ tăng 5,5%.

Tuy vậy, điểm sáng là việc hoàn tất lập và phê duyệt Quy hoạch phát triển vùng, địa phương giai đoạn tới sẽ tạo chất xúc tác mạnh mẽ để triển khai các dự án mới. Đặc biệt, kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 đã được Quốc hội thông qua sẽ tạo tiền đề quan trọng để đẩy mạnh đầu tư công trong nửa cuối năm 2021 và tạo ra sự hỗ trợ cần thiết cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn này.

Ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) nhận xét, Việt Nam có kế hoạch chi 2,87 triệu tỷ đồng (124,5 tỷ USD) đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025, tăng 120.000 tỷ đồng so với ước tính trước đó, tăng gần 43% so với giai đoạn trước đó.

Trung bình 547.000 tỷ đồng được giải ngân đầu tư công trong một năm và nếu năm 2021 chưa giải ngân hết theo tiến độ thì số vốn này sẽ được dồn cho năm sau – một con số khổng lồ.

Theo ông Thành, Chính phủ đã nhận diện một trong các vấn đề cần phải giải quyết là hạ tầng giao thông, bởi chi phí logistic chiếm quá cao, khoảng 21 - 22% GDP, so với con số của các nước nằm dưới 12 - 13% GDP. Khi giải quyết được vấn đề này sẽ giúp Việt Nam tăng thêm tính hấp dẫn trong việc thu hút nguồn vốn FDI.

“Sóng” đầu tư công, chỉ mới chớm

Thực tế cho thấy, đầu tư công tăng trưởng đột biến, với mức vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước tăng 34% so với con số 8 - 12% các năm trước đã trở thành động lực lớn giúp GDP tăng trưởng dương trong năm 2020. Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành vật liệu xây dựng như sắt, thép, gỗ, gạch, đá… đã cải thiện lợi nhuận một cách rõ rệt. Đi kèm với diễn biến thị trường chứng khoán trong nước thăng hoa, dòng tiền trên thị trường dồi dào, giá các cổ phiếu xây dựng, vật liệu xây dựng đã có sóng tăng mạnh.

Sau đợt tăng giá ấn tượng vào nửa đầu năm 2021, các cổ phiếu ngành thép như HPG, TLH, SMC, NKG, HSG… tiếp tục có sóng ngắn. Trong vòng 1 tuần qua, cổ phiếu TLH tăng hơn 14%, SMC gần 8%, NKG 10,2%, trong khi HSG tăng 3,5%, và HPG chỉ nhích nhẹ hơn 1,6%.

Cùng thời gian, các cổ phiếu vật liệu xây dựng khác như xi măng, gỗ, đá xây dựng có mức tăng khá tốt. Chẳng hạn, nhóm xi măng, chỉ trong vòng 1 tuần qua, cổ phiếu HT1 tăng giá 19%, BCC tăng gần 25%, HOM hơn 18%, PTE hơn 14%… Nhóm đá xây dựng, thị giá KSB đã vượt đỉnh, tăng 20,6% trong tuần qua; C32 tăng 11,11%, DHA tăng 10%, VLB tăng hơn 6%… Trong nhóm doanh nghiệp sản xuất nhựa đường, PLC tăng gần 23%.

Ở nhóm xây dựng, xây lắp hạ tầng, LCG tăng hơn 18%, FCN tăng 7,6%… Trong các nhóm này, nhiều cổ phiếu đã có kết quả kinh doanh tích cực trong nửa đầu năm và thêm các yếu tố kích thích khác (như M&A, phát hành, cổ đông mới…) đã tạo sự hưng phấn của các mã này.

Ông Tuấn cho rằng, về bản chất, thị trường vẫn đang khao khát cơ hội đầu tư. Diễn biến dòng tiền luân chuyển qua nhiều nhóm ngành khi nhóm cổ phiếu ngân hàng đang tạm nghỉ, dòng tiền đầu cơ nhanh chóng chốt lời và cần đến một nhóm cổ phiếu khác, trong đó đầu tư công được lựa chọn với kỳ vọng rằng sau khi dịch bệnh kết thúc khoảng tháng 9 - 10 thì đầu tư công sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trở lại. Nhưng đó mới đang là kỳ vọng, thực tế chưa diễn ra và chờ đợi diễn biến kiểm soát dịch.

Quan điểm của ông Thành, nhiều cổ phiếu tăng giá dựa trên nền kỳ vọng chung về đầu tư công, nhưng nhà đầu tư cũng cần chú ý, khi giá cả tất cả hàng hóa tăng lên, sẽ ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của nhiều ngành – khiến biên lợi nhuận mỏng đi. Chỉ những doanh nghiệp tự chủ hoặc có vị thế để qua đó giảm thiểu tác động của chi phí đầu vào tăng, thì mới tạo được cơ hội đầu tư tốt, nhà đầu tư cần có sự sàng lọc.

Sóng đầu tư công trên thị trường chứng khoán hiện nay chỉ mới chớm, trong ngắn hạn, sau khi giá tăng mạnh vì dòng tiền luân chuyển nhanh như hiện nay (do mất đi sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như ngân hàng, chứng khoán…) thì diễn biến giá tăng này có phần “cảm tính” nhiều hơn.

Giai đoạn hé lộ báo cáo tài chính quý III sẽ là lúc dòng tiền thị trường sàng lọc lại các cổ phiếu mạnh thuộc doanh nghiệp hưởng lợi từ đầu tư công.

Ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE)

Ông Thành đánh giá, trong quý III, sẽ chưa thấy được sự tác động tích cực về mặt kết quả kinh doanh, thậm chí nhiều doanh nghiệp có thể sẽ công bố con số suy giảm tăng trưởng so với cùng kỳ bởi tiến độ giải ngân vốn đầu tư công quý III bị đình trệ do dịch bệnh.

Giai đoạn hé lộ báo cáo tài chính quý III sẽ là lúc dòng tiền thị trường sàng lọc lại các cổ phiếu mạnh thuộc doanh nghiệp hưởng lợi từ đầu tư công, thay vì “tăng cả cụm” như hiện nay. Cần lưu ý rằng, khi dịch bệnh tạm lắng, các hoạt động được khôi phục trở lại thì việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công sẽ rất mạnh.

Theo đó, ông Thành cho rằng, con sóng này chỉ mới bắt đầu, nói theo ngôn ngữ kỹ thuật tạm gọi là “mới sóng 1”, sẽ có một khoảng điều chỉnh, để mọi thứ rõ ràng hơn. Kỳ vọng từ cuối tháng 10 trở đi sẽ có sự sàng lọc dựa trên kết quả kinh doanh, nửa sau quý IV sẽ có diễn biến tích cực hơn ở các dự án hạ tầng.

Tin bài liên quan